Triều Tiên tuyên bố không hề nể nang với Trung Quốc

Hải Võ |

Truyền thông nhà nước Triều Tiên mới đây tiếp tục đưa ra tuyên bố hết sức cứng rắn, được cho là nhằm vào Trung Quốc.

Rodong Sinmun - tờ báo cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên - hôm 22/1 đã đăng tải bài xã luận tiêu đề "Tự lập tự cường, vừa là phục hưng vừa là tôn nghiêm".

Trong bài viết, tờ này tuyên bố: "Nguồn viện trợ từ bên ngoài có thì tốt, mà không có thì cũng rất tốt", "những gì của chính bản thân mới là tốt nhất", đồng thời khẳng định tinh thần tự lực tự cường của Bình Nhưỡng.

"Ảo tưởng và phụ thuộc vào người khác trên con đường xây dựng đất nước độc lập, tự chủ, giàu mạnh là nguy hại với quốc gia và dân tộc," Rodong nhấn mạnh.

Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap bình luận, mặc dù Rodong Sinmun không trực tiếp chỉ ra "nguồn viện trợ bên ngoài" là quốc gia/tổ chức nào, nhưng với sự phụ thuộc đến 90% quy mô thương mại của Bình Nhưỡng vào Trung Quốc, sự ám chỉ này không khó nhận biết.

Đây là một động thái khác của Triều Tiên "gián tiếp chọc giận" Trung Quốc, Yonhap cho biết.

Hôm 29/12/2015, Rodong cũng đăng tải bài bình luận "Lực lượng của chúng ta là hùng mạnh nhất", trong đó nhắc lại vụ đấu pháo ở biên giới Trung Hàn hôm 20/8 khiến quan hệ 2 miền bán đảo leo thang căng thẳng.

Bài viết chỉ trích gay gắt: "Trong thời điểm chiến tranh hạt nhân có thể bùng nổ bất kỳ lúc nào, không có một quốc gia nào có ý giúp đỡ chúng ta...

Một số nước liên quan thậm chí còn yêu cầu chúng ta bình tĩnh và kiềm chế với thế lực thù địch (chỉ Hàn Quốc), trong khi bản thân họ giữ vị trí trung lập."

Những lời "đá xoáy" của báo đảng Triều Tiên sau đó cũng được Yonhap lý giải là thể hiện thái độ bất mãn nhằm vào Bắc Kinh, song Trung Quốc không phản ứng với bình luận này.

Hãng này dẫn lời một chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu hòa bình thống nhất, Hàn Quốc đánh giá: "Triều Tiên thông qua tờ Rodong Sinmun để bày tỏ phản ứng không hài lòng với Trung Quốc. Điều này có thể liên quan tới vụ Moranbong."

Hôm 12/12/2015, ban nhạc nữ nổi tiếng Triều Tiên Moranbong đã rời Bắc Kinh về nước mà không báo trước, chỉ vài giờ trước buổi biểu diễn quan trọng trong chương trình giao lưu văn hóa Trung-Triều.

Trước đó, nhà lãnh đạo Kim Jong Un ngày 10/12 đã tuyên bố Triều Tiên "sở hữu và sẵn sàng sử dụng bom khinh khí để bảo vệ chủ quyền, phẩm giá quốc gia".

Đến 6/1/2016, Bình Nhưỡng chứng minh ông Kim "không nói đùa" khi khẳng định "đã thử nghiệm thành công bom khinh khí", khiến căng thẳng Trung-Triều tiếp tục leo thang.

Trung Quốc phản ứng với Triều Tiên bằng thái độ gay gắt nhất, đồng thời Ngoại trưởng Vương Nghị đã triệu Đại sứ Triều Tiên tới để chỉ trích công khai hành vi thách thức của Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, Bắc Kinh bị phương Tây chỉ trích và yêu cầu tạo áp lực phải "quản lý" Triều Tiên. Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã họp bàn, yêu cầu Trung Quốc có hành động cứng rắn như ngừng cung cấp dầu khí và viện trợ lương thực cho Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, với tuyên bố "vỗ mặt" Trung Quốc của Rodong Sinmun hôm 22, có thể thấy Triều Tiên dường như "không thèm quan tâm" đến hậu quả của việc bị quốc tế trừng phạt và chắc chắn không nhượng bộ để đổi lấy viện trợ của Bắc Kinh.

Động thái này cũng làm dấy lên suy đoán rằng Bình Nhưỡng từ lâu đã chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng đón nhận những phản ứng tiêu cực và tình hình khó khăn sau vụ thử hạt nhân thứ 4.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại