Triều Tiên thanh trừng chú Kim Jong Un vì muốn “kết thân” với Mỹ?

Theo chuyên gia Trung Quốc, việc Triều Tiên xử tử Jang Song Thaek là tín hiệu cho thấy Bình Nhưỡng đang tìm cách giảm sự lệ thuộc vào Bắc Kinh và “phá băng” mối quan hệ với Mỹ.

Hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) ngày 7/1 đã dẫn lời Da Zhigang – Giám đốc Viện nghiên cứu Đông Bắc Á thuộc Viện Khoa học xã hội tỉnh Hắc Long Giang của Trung Quốc cho rằng, nguyên nhân thực sự của việc Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un quyết định ra tay thanh trừng Jang Song Thaek là nhằm tiến tới loại bỏ tất cả những “công thần” có quan điểm “thân Trung Quốc” từ các đời trước và xây dựng một Triều Tiên độc lập hơn đồng thời cũng là một hành động bắn tín hiệu về phía Mỹ trong mong muốn làm ấm lên mối quan hệ với các nước phương Tây.

Jang Song Thaek, là ông chồng của cô ruột chủ tịch Kim đồng thời là một trong những cựu thần đã từng phò tá Kim Jong Un trong những ngày đầu mới tiếp quản quyền lực từ tay cha mình. Tuy nhiên, điều đó không thể giúp Jang Song Thaek thoát khỏi bản án tử hình vì các tội danh như “âm mưu lật đổ chính quyền”, tham nhũng và cố ý làm trái. Một trong những minh chứng mà phía Triều Tiên đưa ra để khẳng định hành vi tham nhũng và cố ý làm trái của ông Jang là việc ông này đã lợi dụng quyền lực của mình để ép các công ty khai thác phải bán than “cho nước ngoài” (thực chất là Trung Quốc) với giá vô cùng rẻ mạt.

Vụ hành quyết Jang Song Thaek đã gây chấn động chính trường Triều Tiên và cũng là một trong những việc khiến tất cả các bên lo ngại. Kể từ khi lên nắm quyền sau cái chết của cha mình, Kim Jong-un đã nhiều lần tiến hành các vụ thanh trừng nội bộ nhưng lần này là hành động mạnh mẽ và quyết liệt nhất. Điều đáng nói là hầu hết các vụ thanh trừng mà ông Kim đã từng thực hiện đều nhằm vào những nhân vật có tư tưởng muốn lệ thuộc vào Bắc Kinh và đang nắm giữ một phần các hoạt động kinh tế của đất nước Triều Tiên gắn với đối tác ở Trung Quốc.

Cũng theo phân tích của chuyên gia Da Zhigang, kết cục bi kịch của ông Jang Song Thaek “phản ánh sự phân hóa trong nội bộ đảng Lao động Triều Tiên, sự rạn nứt trong quan hệ giữa Chính phủ và quân đội nước này liên quan đến các chính sách ngoại giao và tương lai phát triển của đất nước”.

Bình Nhưỡng đang tỏ ra rất cáu kỉnh và sốt ruột muốn rũ bỏ hoàn toàn sự lệ thuộc vào Trung Quốc và tháo gỡ những vật cản quan trọng nhằm khai thông con đường đối thoại và bình thường hóa quan hệ với Mỹ”, Da Zhigang viết trong một bài phân tích phản biện đăng trên tờ Thời Báo Hoàn Cầu – một phụ bản của tờ Nhân dân Nhật báo thuộc đảng cộng sản Trung Quốc.

Nếu vụ hành quyết Jang Song Thaek được hiểu theo hàm ý là Bình Nhưỡng đang tăng tốc quá trình ‘bài Trung Quốc’ thì rất có thể cái đích tiếp theo của Bình Nhưỡng là chiến lược ‘pro-US’ (thân thiện, ủng hộ Mỹ). Trong lịch sử của Triều Tiên, đã có quá nhiều ví dụ về việc những nhân vật cao cấp có tư tưởng thân Bắc Kinh bị “khử” nhân danh các vụ thanh trừng nội bộ. Rõ ràng, cái chết của ông Jang là sự tăng tốc của quá trình chuyển hướng từ phía Bắc (Trung Quốc) về phía Mỹ”, chuyên gia Da Zhigang kết luận.

"Cựu công thần" Jang Song Thaek bị bắt ngay trong một cuộc họp của đảng Lao động Triều Tiên. (Ảnh do KCNA công bố).

Có vẻ như dự báo của Da Zhigang đang đi đúng hướng khi trong thông điệp chào năm mới 2014 vừa qua, chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đã lên tiếng kêu gọi “đã đến lúc kết thúc những lời vu khống không tốt đẹp”, thúc giục Hàn Quốc tiến tới cải thiện mối quan hệ xuyên biên giới của hai quốc gia.

"Chúng tôi sẽ tiến về phía trước cùng với bất cứ ai coi trọng giá trị con người và mong muốn (cho) sự thống nhất mà không phân biệt quá khứ của mình, và tích cực thực hiện những nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ Bắc-Nam", ông Kim Jong Un nói trong Thông điệp năm mới của mình.

Trong bài viết của mình, chuyên gia Da cũng đưa ra những cảnh báo rằng Triều Tiên sẽ trở nên ngày càng khó lường hơn sau cái chết của ông Jang Song Thaek. “Ông Jang là một trong những nhân vật theo đuổi chính sách ngoại giao hòa hoãn, mềm dẻo và là một người kịch liệt phản đối các vụ phóng tên lửa hay thử hạt nhân. Việc ông Jang bị xử tử sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho phe ‘diều hâu’ trong quân đội Triều Tiên hồi sinh”, ông Da nói, “Đây có thể là tín hiệu cho thấy vụ thử hạt nhân lần thứ tư và tập trung phát triển năng lực quân sự sẽ được ưu tiên hơn cả trong các chính sách phát triển kinh tế của nước này”.

Dẫu vậy, đến nay cả Mỹ và Hàn Quốc đều vẫn đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ những diễn biến tiếp theo ở Triều Tiên trong tâm trạng lo ngại rằng Bình Nhưỡng sẽ tiến hành những vụ khiêu khích mới sau khi xử tử ông Jang.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại