Kể từ khi ông Kim Jong-un trở lại chính trường sau hơn một tháng vắng mặt, mối quan hệ giữa Triều Tiên và Mỹ đã có những diễn biến mới đáng chú ý.
Triều Tiên nhượng bộ?
Hôm 21/10 vừa qua, phía Triều Tiên đã bất ngờ trả tự do cho công dân Mỹ Jeffrey Fowle, người trước đây bị Bình Nhưỡng cáo buộc có ý đồ truyền giáo khi tới Triều Tiên du lịch. Theo báo cáo của hãng thông tấn Triều Tiên KCNA, chính Kim Jong-un là người đã trực tiếp đưa ra chỉ thị "ân xá" này.
Đáng nói hơn, đây là động thái đơn phương từ phía Triều Tiên. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thừa nhận với hãng tin Reuters, đã không hề có một thỏa thuận nào được đặt ra để đổi lấy sự tự do cho ông Fowle. Nên nhớ trước đây cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton đã phải đích thân đến Triều Tiên để thuyết phục chính quyền Kim Jong-il khi đó trả tự do cho hai nhà báo Mỹ bị bắt. Có thể nói, nước đi lần này cho thấy Bình Nhưỡng muốn gửi một thông điệp "thiện chí" nào đó đến Washington.
Cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton trong chuyến đi Triều Tiên năm 2009 Ảnh: Reuters
Tuy nhiên theo Mitchell Reiss, người từng công tác tại Bộ Ngoại giao Mỹ, việc Triều Tiên trả tự do cho ông Fowle chưa đủ để coi là một bước "đột phá" trong mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
"Động thái này của Triều Tiên rõ ràng mang một hàm ý nhất định, nhưng vào thời điểm này tôi chưa dám khẳng định nó sẽ đem lại điều gì," ông Reiss phát biểu với báo chí Mỹ.
Trong khi đó, Gary Samore, nguyên điều phối viên Nhà Trắng về vấn đề kiểm soát vũ trang và vũ khí hủy diệt hàng loạt, cho rằng Triều Tiên đang muốn "lấy lòng" Mỹ để nối lại đàm phán và qua đó tiếp nhận lợi ích kinh tế từ phía Washington.
"Tôi nghĩ việc trả tự do cho ông Fowle cho thấy phía Triều Tiên đang muốn thúc đẩy hợp tác với Mỹ nhằm giảm sự lệ thuộc của họ vào Trung Quốc trong các vấn đề như lương thực hay nhiên liệu," ông phát biểu.
Hạt nhân - Rào cản muôn thuở
Về phần mình, Ngoại trưởng John Kerry khẳng định Mỹ sẵn sàng nối lại đàm phán nếu như phía Triều Tiên cho thấy những động thái tích cực trong việc cắt giảm vũ khí hạt nhân. Đổi lại, phía Mỹ cũng sẽ xem xét việc rút khỏi các căn cứ quân sự ở khu vực tranh chấp của hai miền Triều Tiên.
Những vòng đám phán sáu bên (Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, và Triều Tiên) trước đây về vấn đề hạt nhân đã vấp phải nhiều trở ngại. Thỏa thuận viện trợ cho Triều Tiên để đổi lấy việc nước này chấm dứt chương trình phát triển vũ khí hạt nhân đạt được vào năm 2005 đã bị hủy bỏ 3 năm sau đó do Bình Nhưỡng cương quyết không từ bỏ tham vọng của mình.
Những vụ thử tên lửa hạt nhân của Triều Tiên đã phá vỡ thỏa thuận của đàm phán sáu bên Ảnh: EPA
"Chúng tôi cần những bước đi rõ rệt từ phía chính quyền Kim Jong-un, rằng họ đã thực sự sẵn sàng đối thoại một cách nghiêm túc về vấn đề hạt nhân. Chúng tôi không muốn nối lại đàm phán để rồi lại không đi đến kết quả," ông Kerry phát biểu.
Washington cũng khẳng định sẽ tiếp tục có những can thiệp về mặt quân sự trong thời gian tới, chừng nào mối đe dọa hạt nhân còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Sự hiện diện của quân đội Mỹ khiến Bình Nhưỡng hết sức tức giận và đã không ít lần đe dọa sẽ phóng tên lửa tấn công Mỹ đồng thời cho Hàn Quốc "chìm trong biển lửa".
Những bước đi kế tiếp của Kim Jong-un
Như đã nói ở trên, mục đích của việc Triều Tiên trả tự do cho ông Fowle là nhằm lôi kéo Mỹ trở lại bàn đàm phán. Nhưng theo như những phát biểu của Ngoại trưởng Kerry thì phía Mỹ cần nhiều hơn thế. Để "lấy lòng" được Mỹ hay rộng hơn là cả Liên Hợp Quốc, nhiều khả năng ông Kim Jong-un sẽ phải tiếp tục nhượng bộ.
Hiện tại, Bình Nhưỡng vẫn đang giữ trong tay hai công dân Mỹ mà họ cáo buộc là "có hành động thù địch" và "âm mưu lật đổ chính quyền Triều Tiên". Matthew Miller (6 năm) và Kenneth Bae (15 năm) đang phải thi hành bản án lao động khổ sai của mình, trước những lời kêu gọi trả tự do từ gia đình hai người này cũng như chính phủ Mỹ. Nếu được thực hiện, việc trả tự do cho Miller và Bae nhiều khả năng sẽ là bước ngoặt cần thiết để Triều Tiên có thể đưa Mỹ trở lại bàn đàm phán.