Sau hơn 40 tiếng đồng hồ đàm phán ở Bàn Môn Điếm, ngày 25/8, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Triều Tiên Hwang Pyong So đã có tuyên bố chính thức với người dân về kết quả đạt được và "lời xin lỗi" với phía Hàn Quốc.
Trên sóng truyền hình Trung ương, ông Hwang, một thành viên của đoàn đàm phán, nói:
"Thông qua các cuộc đàm phán cấp cao liên Triều mới nhất, chính quyền Hàn Quốc đã học được một bài học quan trọng từ cuộc đàm phán cấp cao.
Họ học được rằng việc đơn phương bịa đặt ra vụ việc, đơn phương đánh giá nó, đơn phương hành động chỉ gây ra sự tức giận (cho Triều Tiên), khiến tình hình trở nên căng thẳng, dẫn tới xung đột quân sự".
Ông Hwang cứng rắn khẳng định, thỏa thuận đạt được là nhờ "cuộc đấu tranh có nguyên tắc” của nhân dân và quân đội Triều Tiên.
Hãng tin Mỹ AP cho rằng, phát biểu của ông Hwang cho thấy sự lựa chọn từ ngữ khá cẩn thận, nhưng lại rất mơ hồ về nội dung. Bình Nhưỡng ám chỉ rằng, họ không có ý định chịu trách nhiệm về vụ nổ mìn tại khu vực biên giới.
Ông Hwang trên sóng truyền hình Triều Tiên ngày 25/8.
Đồng quan điểm này, trang web của kênh truyền hình Nhật Bản NHK đánh giá việc ông Hwang không hề nhắc tới vụ nổ mìn cho thấy giới lãnh đạo Triều Tiên đang muốn nói với người dân rằng họ không có trách nhiệm gì với việc đó.
Tờ Chosun Ilbo (Hàn Quốc) thì đánh giá, Triều Tiên muốn khẳng định với người dân rằng, kết quả đạt được là một chiến thắng hoàn toàn đối với họ.
Học giả Lee Soo Seok từ Viện Chiến lược an ninh Quốc gia Hàn Quốc chỉ ra: "Bình luận của ông Hwang là một kiểu tuyên truyền điển hình cho người dân trong nước".
Trước đó, theo Yonhap, cuộc đàm phán cấp cao giữa Hàn Quốc và Triều Tiên tại Bàn Môn Điếm đã kết thúc với 6 thỏa thuận chung, chấm dứt căng thẳng mới bùng phát giữa 2 miền.
Theo đó, Triều Tiên lấy làm tiếc về việc các binh sĩ Hàn Quốc bị thương trong vụ nổ mìn ở khu phi quân sự (DMZ) bên phía Hàn Quốc thời gian vừa qua, còn Hàn Quốc đồng ý ngừng chiến dịch tuyên truyền bằng loa phóng thanh tại biên giới.
Một nguồn tin giấu tên, hiểu biết các vấn đề Triều Tiên của báo Nhật Asahi xác nhận: "Bằng cách không chỉ ra ai người đứng sau (vụ nổ mìn), Triều Tiên có thể ám chỉ rằng họ không gây ra vụ việc.
Nước này cũng cố gắng ngăn chặn loa tuyên truyền từ Hàn Quốc trong khi khéo léo tránh được một lời xin lỗi thực sự".
Một số nhà phân tích cho rằng, thỏa thuận mới đạt được chỉ là một bước đi của nhà lãnh đạo Kim Jong Un, nhằm âm thầm chuẩn bị cho một vụ thử nghiệm hạt nhân hoặc phóng tên lửa tầm xa, kỉ niệm 70 năm thành lập đảng Lao động.
Về phần mình, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye đã chấp nhận và hoan nghênh động thái từ Triều Tiên, dù rằng, theo Asahi, đó chưa phải là lời xin lỗi mà bà hoàn toàn mong muốn.
Lý do là bởi Hàn Quốc đã đặt được một sự đồng thuận với Triều Tiên về việc hỗ trợ các gia đình bị ly tán bởi Chiến tranh Triều Tiên được đoàn tụ - đây là một mục tiêu quan trọng trong chính sách của chính quyền nữ Tổng thống Park.
Cựu Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Donald Gregg lạc quan khi cho rằng, nhận định cuộc đàm phán đã mang lại "tin tức tốt lành... Điều này có thể mở ra chương mới trong quan hệ Triều Tiên - Hàn Quốc".