Sau ba ngày thương lượng tại Genève, ngày 14/9, Ngoại trưởng Nga và Mỹ đạt được thỏa thuận khung về việc đảm bảo và tiêu hủy 1.000 tấn vũ khí hóa học của chính phủ Syria. Từ nay cho đến giữa năm 2014, các lực lượng quốc tế sẽ giải trừ kho vũ khí hóa học này của Damas, do Matxcơva cung cấp từ thời Liên Xô cũ.
Cả hai Ngoại trưởng John Kerry và Serguei Lavrov đều gọi đây là "một bước đột phá" và cùng ca ngợi quyết tâm của hai nước "phá hủy vũ khí hóa học của Syria một cách nhanh chóng nhất". Nhưng thật ra thỏa thuận này chứng tỏ Washington và Matxcơva ưu tiên trước hết cho quyền lợi tay đôi của mỗi bên hơn là để giải quyết rốt ráo cuộc nội chiến ở Syria.
Tổng thống Obama và Tổng thống Putin bắt tay nhau tại Hội nghị G20 tại St. Petersburg hồi đầu tháng 9. Ảnh: Getty Images
Mỗi bên giành được một điểm
Ngoại giao là nghệ thuật của những điều không thể! Trước đây vài tuần mấy ai dám bảo đảm Matxcơva ngăn chặn được kế hoạch tấn công của Mỹ vào phút chót của quyết định, còn Mỹ thì buộc phải chấp nhận cho Nga một vai trò trong việc tìm kiếm giải pháp ở Syria?
Trong cuộc họp báo chung, ngoại trưởng Kerry và Lavrov đã trưng lên một số khía cạnh đạt "nhất trí chung" và nhấn mạnh đến những quan điểm "tương đồng" giữa hai nước. Ngoại trưởng Nga khen đồng nhiệm Mỹ là nhà thương thuyết "lỗi lạc", đổi lại một nhà ngoại giao Mỹ thẩm định phía Nga tỏ ra "rất chuyên nghiệp và nghiêm túc" trong đàm phán. Thực tế, lập trường hai bên hoàn toàn đối nghịch nhau: Nga ủng hộ chính quyền al-Assad, Mỹ đứng sau lưng phe đối lập nổi dậy.
Một số giới quan sát cho rằng, chính Nga đã chủ động tung đòn ngoạn mục. Vài giờ trước cuộc gặp Kerry - Lavrov tại Genève, Tổng thống Putin có một bài viết đăng trên New York Times hôm 11/9 đe dọa Hoa Kỳ trong trường hợp nước này đơn phương tấn công Damascus. Ngược lại, nhiều nhà phân tích lại nhìn nhận Hoa Kỳ đã thắng Nga được một điểm, khi buộc Matxcơva chấp nhận đưa điều 7 trong hiến chương LHQ vào thỏa thuận giải trừ vũ khí hóa học của Damascus.
Điều 7 quy định các biện pháp chế tài, từ trừng phạt kinh tế đến quân sự trong trường hợp al-Assad không tuân thủ. Điều 7 đã từng được thi hành trong chiến tranh Triều Tiên (1953), Iraq (1991) và gần đây nhất biện minh cho cuộc can thiệp vào Libya (2011) khiến Nga bất lực thụ động.
Tại Damascus, những người dân ủng hộ chế độ đã tỏ ra an tâm vì có Nga che chở. Trong khi hai Thượng nghị sĩ có thế lực nhất trong giới lập pháp là John McCain và Lindsey Graham đã không che giấu thất vọng. Hai ông đánh giá thỏa thuận Mỹ-Nga là một thảm họa, vì không giải quyết được gốc rễ của nội chiến mà còn làm cho đồng minh cũng như kẻ thù của Mỹ xem đây là biểu hiện thiếu cứng rắn của một siêu cường.
Theo AFP, dù đạt thỏa thuận, hai nước không thể cải thiện được mối quan hệ chứa đầy nghi kỵ. Nga cảnh báo Matxcơva sẽ "kiểm chứng kỹ lưỡng mọi lời tố cáo Damascus vi phạm thỏa thuận". Washington cũng thận trọng không kém khi ông Obama tuyên bố không nhẹ dạ tin theo những phát biểu của Nga và al-Assad.
Thực chất là đòn "trì hoãn chiến"
Thật ra, quan hệ Mỹ-Nga "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" kể từ vụ cựu nhân viên tình báo Edward Snowden đến Nga tị nạn khiến Obama hủy cuộc gặp đã lên chương trình với Putin bên lề hội nghị G-20 ở St. Petersburg hồi đầu tháng 9. Một quyết định chưa từng xảy ra giữa lãnh đạo hai nước.
Tại G-20 vừa qua, hai tổng thống bắt tay nhau hời hợt trước ống kính truyền hình và cũng chẳng nồng ấm gì trong các buổi thảo luận. Quan hệ hai bên càng căng thẳng khi Hoa Kỳ khẳng định có bằng chứng al-Assad sử dụng vũ khí hoá học trong một cuộc tấn công vào phe chống đối khiến hơn 1.400 người chết, trong đó có nhiều trẻ em.
Nhưng rồi những lời hăm dọa can thiệp quân sự dù với quy mô hạn chế không hấp dẫn như lúc ban đầu. Các đồng minh "ruột" của Mỹ ở châu Âu ngãng ra, người dân trong nước phản đối quá bán và Quốc hội Mỹ đe sẽ không ủng hộ Tổng thống trong một chiến dịch mà chưa rõ mục tiêu. Lật đổ chế độ Assad? Hay chỉ làm yếu chế độ đó? Sau khi al Assad ra đi thì sao?
Tình báo Mỹ biết hiện nay quân khủng bố al-Qaeda đã xâm nhập sâu vào hàng ngũ quân nổi dậy. Hơn 1.200 nhóm nổi dậy này có thể đẩy cuộc nội chiến hiện nay ra ngoài đường biên giới quốc gia Syria và để lại những hậu họa khôn lường. Al-Qaeda có thể biến cuộc nội chiến Syria thành cuộc thánh chiến giữa những người Sunni và Shia trên quy mô ngày càng mở rộng.
Chính vì nhìn quy mô chiến trường vượt ra ngoài phạm vi cuộc nội chiến ở Syria nên Obama chấp nhận sáng kiến của Putin, dù biết rõ các ý đồ của Nga đằng sau sáng kiến này. Không chỉ chấp nhận, Obama còn khéo kể công rằng, nhờ ông hăm dọa về biện pháp quân sự và nhờ ông tích cực đối thoại với Putin, nên lần đầu tiên trong vòng hai năm rưỡi nội chiến Syria, nay Nga đã cùng cộng đồng quốc tế gây áp lực để al-Assad từ bỏ vũ khí hóa học.
Khi Putin "tố ngược" bằng đòn ngoại giao và tỏ ý trắc nghiệm lá bài Liên hợp quốc, Tổng thống Mỹ đành nói nước đôi. Một mặt, Obama vẫn chưa rút biện pháp quân sự, nhưng mặt khác, ông vẫn phải chụp lấy cái "phao" Putin. Thật ra cả đôi bên đều đang đánh đòn "trì hoãn chiến".
Trước mắt, Obama lẫn Putin đều hài lòng, vì cả hai không muốn thấy một quốc gia có vị trí chiến lược như Syria bị kiểm soát bởi các phần tử tôn giáo cực đoan. Nga có thể là bên lo lắng hơn, bởi đường biên giới phía Nam của nước này tiếp giáp với các quốc gia Hồi giáo từng là các nước Cộng hòa của Liên Xô (cũ).
Trong khi đó, Mỹ cũng đang "sốt vó" về việc ngày càng nhiều vùng lãnh thổ có nguy cơ bị kiểm soát bởi các tay súng của tổ chức al-Qaeda. Dù sao Obama sẽ thoát khỏi thế chính trị lưỡng nan do ông tự tạo ra khi tuyên bố Mỹ đã sẵn sàng tấn công. Nhưng nếu ông thua trong "ván bài" do ông Putin cài đặt thì sự lựa chọn hiện nay có thể xói mòn và làm ảnh hưởng uy tín của ông trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ thứ hai này.
Tin bài và ý kiến đóng góp cho chuyên mục, vui lòng gửi về địa chỉ email: [email protected]. Trân trọng!