Phát biểu với các phóng viên trên đường tới Hàn Quốc tham dự hội nghị an ninh cấp cao, ông Carter nói: "Sự quan tâm chú ý tới những tuyên bố chủ quyền chồng chéo ở Biển Đông cũng như tính chất nổi bật của những tranh chấp này đã có tác động khiến nhiều nước trong khu vực muốn tăng cường hợp tác an ninh với Mỹ".
Ông Carter cho biết chủ đề thảo luận tại hội nghị quốc phòng cấp cao sắp tới tại Malaysia sẽ bao gồm những diễn biến tại Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh vấn đề đáng lưu ý nhất trong năm ngoái là hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo (trên khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam) cũng như hoạt động quân sự với cường độ chưa từng thấy của Trung Quốc.
* Hải quân Mỹ-Nhật tập trận chung ở Biển Đông
Theo báo chí Nhật, Hải quân Nhật Bản và Hải quân Mỹ hiện đang có cuộc tập trận chung đầu tiên ở Biển Đông, diễn ra chỉ vài ngày sau khi Mỹ đưa chiến hạm vào khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Nhật báo "Yomiuri Shimbun" số ra ngày 31/10 cho biết khu trục hạm Fuyuzuki của Nhật hiện đang tham gia tập trận chung trên Biển Đông với hàng không mẫu hạm Theodore Roosevelt của Mỹ.
Theo tờ báo, cuộc thao dượt giữa hải quân hai nước đã bắt đầu từ hôm 28/10 và sẽ kéo dài nhiều ngày.
Một nhật báo khác của Nhật, tờ "Mainichi" cho biết là khu trục hạm Fuyuzuki và hàng không mẫu hạm Theodore Roosevelt sẽ đi đến khu vực phía Bắc đảo Borneo ở Biển Đông.
Cũng theo tờ báo này, chiến hạm của Nhật sẽ trở về nước ngày 10/11, như vậy có nghĩa là cuộc tập trận với Hải quân Mỹ sẽ kéo dài ít nhất là gần 2 tuần.
Cho tới nay, sự tham gia của Hải quân Nhật Bản vào các hoạt động ở Biển Đông còn giới hạn.
Gần đây nhất là vào tháng 8 vừa qua, Hải quân Nhật đã tham gia cuộc huấn luyện về cứu trợ nhân đạo với Mỹ và Philippines ở ngoài khơi Vịnh Subic, nơi trước đây là một căn cứ hải quân của Mỹ.