Ngày 15/7 vừa qua, Trung Quốc tuyên bố di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 khỏi khu vực biển Hoàng Sa (thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam). Giải thích với Reuters, một quan chức Bộ Công nghiệp Trung Quốc giấu tên cho rằng, Hải Dương 981 là giàn khoan dầu ngoài khơi mới nhất và hiện đại nhất của Trung Quốc, vì thế, việc di chuyển sớm hơn so với tuyên bố ban đầu của họ (15/8) là để giàn khoan này có thể tham gia vào các hoạt động khác nữa.
Đối với nhà phân tích tình báo nguồn mở, nhà tư vấn quản lý rủi ro địa chính trị Clint Richards, việc Trung Quốc thông báo di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 khỏi vùng biển của Việt Nam trước thời hạn tuyên bố 1 tháng là động thái "gây bất ngờ" và "làm dấy lên một số nghi vấn".
Trong một bài viết trên trang The Diplomat, ông Richards cho rằng, “việc Trung Quốc đột ngột di chuyển giàn khoan trước thời hạn mà không hề báo trước và rất ít phô trương đưa tới một giả định hợp lý rằng Trung Quốc đang tìm cách giảm căng thẳng với Việt Nam và bẻ hướng áp lực dư luận về những đòi hỏi chủ quyền ngày càng hung hăng ở biển Đông”.
Với thái độ cảnh giác, Clint Richards nhận định, những lời giải thích “mơ hồ” của Phó Giám đốc Phòng nghiên cứu chính sách của Tổng công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) Wang Zhen rằng “việc khai thác thử nghiệm không thể bắt đầu trước khi có đánh giá toàn diện về dữ liệu" đồng nghĩa với việc Bắc Kinh có thể tự quyết định khi nào quay trở lại gây rối ở biển Đông.
Nhận định này dường như có vẻ hợp lý khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi bình luận ngang ngược rằng Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc sẽ nghiên cứu dữ liệu và "vạch ra một kế hoạch làm việc cụ thể ở bước tiếp theo".
Trả lời phỏng vấn BBC, Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan Anh, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biển Đông của Học viện Ngoại giao Việt Nam, nhận định việc Trung Quốc di chuyển giàn khoan sớm hơn 1 tháng so với dự định được xem như là "thắng lợi về mặt ngoại giao" của Việt Nam sau những "kiên trì, tuân thủ luật pháp quốc tế và thiện chí hoà bình".
Theo bà Lan Anh, "dù trực tiếp hay gián tiếp thì rõ ràng hành động này của Trung Quốc không thể không tính đến phản ứng từ phía Việt Nam và thế giới. Việt Nam đã làm tất cả mọi việc cần thiết về ngoại giao và dư luận thế giới cũng có những phản ứng thể hiện quan điểm".
Nhận định về lý do mưa bão mà Bắc Kinh đưa ra, Tiến sĩ Lan Anh phân tích, chính quyền Trung Quốc "muốn giải thích với dư luận trong nước... và giữ thể diện một nước lớn".
Cố vấn cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ở Washington Bonnie Glaser đánh giá: "Đây là một cách kết thúc trong thể diện bế tắc kéo dài 2 tháng với Việt Nam".
Xem thêm Video:
60 tàu TQ hộ tống giàn khoan 981 rút khỏi vị trí hạ đặt. Nguồn VTV
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA