Tạp chí Foreign Policy vừa cho đăng tải bài bình luận mới nhất về việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vạch rõ những toan tính của Bắc Kinh khi đi nước cờ này, cùng với đó là những thách thức đối Washington trong tranh chấp ở Biển Đông. Dưới đây là tóm lược những ý chính:
Trung Quốc và Việt Nam đã bước vào tuần thứ hai kể từ khi Bắc Kinh châm ngòi cho leo thang căng thẳng nguy hiểm ở Biển Đông sau việc triển khai giàn khoan HD-981 ở vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Vài câu hỏi lớn đã được đặt ra: Bắc Kinh thực sự đang nhắm tới điều gì? Liệu sự việc sẽ diễn biến đến đâu? Và những sự kiện ở Biển Đông có ý nghĩa như thế nào trong việc Hoa Kỳ “xoay trục” tới Châu Á?
Ngay cả giới quan sát ở Trung Quốc cũng đang “bối rối” trước thái độ hung hăng của Bắc Kinh. Thái độ này có vẻ như đang “chệch hướng” với cách tiếp cận trước đây trong những mối quan hệ trong khu vực và có thể gây ra hiệu ứng ngược.
Đây là vụ tranh chấp nghiêm trọng nhất kể từ lần căng thẳng cuối cùng giữa Việt Nam và Trung Quốc vào năm 2007. Sự kiện này sẽ là vấn đề ưu tiên hàng đầu được thảo luận vào hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào cuối tuần. Đây không phải là điều mà Bắc Kinh mong chờ, bởi ho không muốn có bất cứ tổ chức quốc tế nào thảo luận về tranh chấp Biển Đông mà chỉ muốn giải quyết trên cơ sở song phương với từng nước.
Ngay cả Manila cũng đang có những tranh chấp riêng với Bắc Kinh khi vào ngày 6/5 lực lượng cảnh sát biển Philippines tuyên bố rằng đã bắt giữ một tàu đánh bắt cá trái phép của Trung Quốc. Manila đang tìm cách đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông tới hội nghị ASEAN và thúc đẩy việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) để cung cấp cho quốc gia này một biện pháp hòa bình trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Đáp lại, Trung Quốc đã sử dụng những phương tiện truyền thông để chỉ trích Philippines đang “kích động căng thẳng” trong khu vực bằng việc đưa các tranh chấp lên hội nghị thượng đỉnh ASEAN.
Trung Quốc cũng lớn tiếng chỉ trích Hoa Kỳ rằng nước này bằng việc “xoay trục” tới Châu Á đã khiến cho các nước trong khu vực có lập trường cứng rắn và khiêu khích với Bắc Kinh trong những năm gần đây.
Trong cuộc họp báo chiều qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Hoa Xuân Oánh ngang ngược nhắc lại rằng: “Hàng loạt những nhận xét thiếu trách nhiệm và vô căn cứ về thực trạng của vùng biển đang tranh chấp mà mà không đếm xỉa đến thực tế tại đây của phía Mỹ đã khuyến khích 'thái độ nguy hiểm và khiêu khích' của một số nước”.
David Lai, một chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc tại Viện nghiên cứu chiến lược thuộc Trường cao đẳng quân sự lục quân Mỹ (US Army War College) nhận định: “Có một thay đổi cốt yếu trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc” và “Người Trung Quốc đang chuyển từ vị trí dò xét-giấu mình sang trạng thái chủ động”
Lai đã dành nhiều năm để giảng dạy cho các quan chức quốc phòng Hoa Kỳ để họ có thể nắm rõ chiến lược của “trò chơi cờ vây” mà Trung Quốc thường xuyên sử dụng ở Châu Á đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á. Nhà nghiên cứu này cho rằng việc Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, hành động vốn khó giải thích giải thích về mặt kinh tế, sẽ dễ hiểu hơn nếu coi đó như một quân cờ được đặt một cách đầy toan tính trên bàn cờ vây".
“Cờ vây là trò chơi chiến lược, một khi quân cờ được đặt lên bàn, nó sẽ chứng tỏ sức mạnh về vị trí. Giàn khoan dầu của Trung Quốc đang xâm lấn ở vùng biển của Việt Nam có ý nghĩa hoàn toàn tương đồng với quân cờ vừa đặt” – Lai nói.
Giáo sư David Lai
Các chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc khác của Hoa Kỳ lại cho rằng thái độ hung hăng của những nhà cầm quyền ở Bắc Kinh bắt nguồn từ những bất ổn trong nước. Trung Quốc đang đứng trước thời kỳ khủng hoảng vì tốc độ phát triển kinh tế của nước này chậm lại cùng với sự đe dọa nổ tung của bong bóng bất động sản.
“Ổn định chính trị trong nước có lẽ là mục tiêu hàng đầu mà Trung Quốc đang theo đuổi trong chiến lược hàng hải của họ” – Peter Dutton, người đứng đầu Viện nghiên cứu hàng hải Trung Quốc thuộc Trường cao đẳng quân sự hải quân Hoa Kỳ (U.S. Naval War College) nói. Ông nhận thấy có sự tương đồng trong cách mà Bắc Kinh thổi bùng ngọn lửa của chủ nghĩa dân tộc và chống Nhật trong vụ tranh chấp năm 2012 ở đảo Senkaku/Điếu Ngư với vụ việc Trung Quốc đưa giàn khoan dầu vào vùng biển của Việt Nam. “Đây là cách mà những nhà cầm quyền Trung Quốc giảm nhẹ bầu không khí chính trị đang rất căng thẳng ở nước này”.
Một câu hỏi lớn nữa cũng tiếp tục được đặt ra: Những chiến hạm Trung Quốc quanh giàn khoan HD-981 liệu có tiềm năng trở thành vấn đề nghiêm trọng hay không? Có một vài lý để lo lắng về điều đó. Việt Nam khác với Philippines và Nhật Bản, không có thỏa thuận quốc phòng chính thức với Hoa Kỳ. Điều đó có nghĩa là Bắc Kinh chẳng cần phải lo lắng tới việc sẽ có sự can thiệp của Washington.
Thế còn vấn đề này ảnh hưởng tới Hoa Kỳ như thế nào? Ở Nhật Bản, Obama đã luôn nhấn mạnh rằng an ninh của nước Mỹ mở rộng tới tận quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Nhưng trong vấn đề ở Biển Đông, Washington chỉ đơn giản nhắc lại rằng, họ muốn bảo vệ tự do hàng hải trong khu vực và thúc giục các nước sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp.
Nhưng việc Washington không muốn tham gia vào tranh chấp ở Biển Đông không có nghĩa là họ có thể tránh né được vấn đề. “Đây thực sự là thách thức đối với Hoa Kỳ. Họ có trách nhiệm trấn an đồng minh, bạn bè và đối tác chiến lược. Và nếu Mỹ không tham gia, thì khả năng và trách nhiệm trấn an đó sẽ bị nghi ngờ”, Peter Dutton kết luận.
Xem thêm: [Video] Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam họp báo ngày 9/5
Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam trả lời họp báo
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA