Bài phân tích được đăng tải trên Sina vào rạng sáng 6/10 (giờ địa phương), vài tiếng sau khi Bộ trưởng của 12 nước thành viên TPP chính thức tuyên bố kết thúc đàm phán và đạt được thoả thuận cuối cùng cho Hiệp định này.
TPP cũng là cơ hội kinh tế quan trọng của toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương
TPP là sức mạnh quan trọng thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Mỹ mượn TPP để nâng cao quan hệ kinh tế mậu dịch với các nền kinh tế mới nổi ở châu Á, tạo ra một "sân khâu" hợp tác kinh tế khu vực tiêu chuẩn cao.
Các nền kinh tế tham gia "sân chơi" TPP chiếm tới một nửa GDP toàn cầu và 40% kim ngạch mậu dịch.
Đây là một cơ hội vô cùng to lớn mà Trung Quốc nên chớp lấy và phát huy tiềm lực sẵn có trong môi trường hội nhập kinh tế châu Á-Thái Bình Dương.
TPP mở ra cơ hội lớn để Trung Quốc khai thác thị trường châu Á.
Thận trọng đối với vai trò chủ đạo của Mỹ trong tiến trình hội nhập kinh tế châu Á-Thái Bình Dương
Trong vai trò "lãnh tụ" của thế giới, Mỹ lo ngại bị "loại trừ" ra khỏi khu vực hội nhập Đông Á, vì vậy nước này ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Singapore và Hàn Quốc, tiến hành đàm phán FTA với Thái Lan và một số nước khác.
Trong tiến trình hội nhập kinh tế châu Á-Thái Bình Dương cần phải có một sức mạnh chủ lực. Mỹ, bằng sức ảnh hưởng to lớn về chính trị và kinh tế, đã có ý định dẫn dắt tiến trình này.
Trong vấn đề "quyền chủ đạo" TPP, Trung Quốc không thể cạnh tranh trực tiếp với Mỹ, nhưng có thể "vay mượn" sức mạnh của Mỹ để mở ra nhiều thị trường ở châu Á hơn, giúp doanh nghiệp Trung Quốc sáng tạo ra môi trường thị trường quốc tế thuận lợi hơn.
Có thể đàm phán tham gia TPP vào thời điểm thích hợp
Châu Á-Thái Bình Dương đã xuất hiện ngày càng nhiều hiệp định thương mại tự do song phương, cũng như các hiệp định thương mại khu vực. Mỗi hiệp định này đều có những ưu đãi và quy tắc khác nhau.
Hiện tượng "hỗn tạp" của các loại hiệp định ngày càng rõ ràng. Một hiệp định FTA vốn nhằm thúc đẩy tự do thương mại thậm chí có thể trở thành "chướng ngại vật" cản trở tự do thương mại.
Việc thông qua đàm phán để đưa các hiệp định thương mại khác nhau ở châu Á-Thái Bình Dương hội nhập dưới một hiệp định thống nhất sẽ giúp hạ giá thành các giao dịch, giảm bớt sự trùng lặp và phức tạp của các FTA trong khu vực.
Đẩy nhanh tiến trình hợp tác thương mại một cách thực chất giữa các nền kinh tế Đông Á
Hiện nay, Trung Quốc đang từng bước thực hiện những cam kết với Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Tiến trình vòng đàm phán Doha không phải là mối quan tâm hàng đầu của Bắc Kinh trong ngắn hạn.
Trung Quốc vẫn cần nỗ lực nhiều hơn trong lĩnh vực hợp tác kinh tế khu vực, đặc biệt là khu vực Đông Á.
Mặc dù giá trị của hội nhập kinh tế Đông Á không lớn, song khu vực này lại có sức ảnh hưởng rất lớn về chính trị và an ninh, liên quan đến sự tranh chấp "quyền lãnh đạo" giữa Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản tại đây.
Hoạch định các dự án đối phó với rào cản thương mại về tiêu chuẩn về lao động và môi trường xanh
Mỹ hy vọng thông qua đàm phán để xây dựng TPP trở thành mô hình tiêu chuẩn cho các hiệp định thương mại trong thế kỷ XXI.
Có thể dự đoán, bất kể là ở mặt bằng khu vực hay đa phương, việc đàm phán về tiêu chuẩn lao động và môi trường xanh đều sẽ được đẩy nhanh.
Trung Quốc cần phải hoạch định các dự án của riêng mình và có phương án thích nghi với tình hình trên. Bởi trong tương lai, doanh nghiệp Trung Quốc nhiều khả năng phải đối diện với những "đòn tấn công" xoay quanh các vấn đề này.
Bộ trưởng của 12 nước thành viên TPP họp tại Atlanta, Mỹ. Ảnh: Reuters
Chuẩn bị tốt về ngành nghề: Phát triển các ngành chế tạo "xanh", nâng cấp các ngành dịch vụ hiện đại
Mỹ đã có sự chuẩn bị chu toàn. Nếu như vòng đàm phán ở Doha không thể thỏa mãn mối quan tâm của Washington đối với vấn đề tiêu chuẩn lao động và môi trường xanh, thì Mỹ đã thông qua TPP để thúc đẩy những tiêu chuẩn này.
Thêm vào đó, Mỹ đã khởi động kế hoạch phát triển ngành chế tạo "xanh", có khả năng nước này sẽ cho "ra lò" những biện pháp "môi trường thương mại xanh" nhằm vào Trung Quốc.
Hiệp định TPP được ký kết cũng đẩy nhanh tiến trình tự do hóa các ngành dịch vụ.
Trong đàm phán TPP, Mỹ trọng điểm quan tâm vấn đề tiếp cận thị trường, độ minh bạch và bảo hộ đầu tư đối với các ngành như chuyển phát nhanh, dịch vụ tài chính, thanh toán điện tử, cung cấp điện, dịch vụ viễn thông, dịch vụ nghe nhìn, sở hữu trí tuệ, dịch vụ năng lượng...
Trung Quốc cần phải nâng cao trình độ các ngành dịch vụ của mình, tạo thành hệ thống công nghiệp trong nước vững chắc chống đỡ cho "cuộc chơi nước lớn" của Bắc Kinh trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực.
Hợp tác với Mỹ trong các ngành chiến lược mới nổi
Mỹ đã và đang sở hữu ngành chế tạo có hiệu suất cao nhất, từng hoạch định các biện pháp thúc đẩy lợi dụng nguồn năng lượng mới và đang thiết lập các phương án khích lệ, thúc đẩy ngành chế tạo thiết bị năng lượng sạch.
Đó là những ngành mới nổi có tính cạnh tranh tốt nhất trên thế giới. Trung Quốc có thể tranh thủ cơ hội Mỹ phát triển các ngành chế tạo "xanh" để tăng cường hợp tác về kỹ thuật, giảm thiểu "ma sát" về mậu dịch, đặt nền móng phát triển ngành năng lượng sạch.
Mỹ-Trung có thể hợp tác trong các lĩnh vực: Công nghệ năng lượng gió, năng lượng mặt trời; công nghệ lưu trữ và vận chuyển năng lượng mới (pin, lưới điện...); xe điện và linh kiện; công nghệ giảm khí thải độc hại, hạn chế hiệu ứng nhà kính...