"Bước đi tiếp theo của ASEAN là buộc Trung Quốc rút khỏi vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đây đang là nhiệm vụ hàng đầu" tờ Wall Street Journal dẫn lời ông Lê Lương Minh.
Theo Tổng thư ký ASEAN, việc làm trên "sẽ khôi phục niềm tin" rằng các cuộc đối thoại có thể giải quyết tranh chấp chủ quyền giữa một vài quốc gia có chung lợi ích trên vùng biển giàu tài nguyên – Biển Đông.
Trước đó, Việt Nam khẳng định từ ngày 1/5, Trung Quốc đã hạ đặt trái phép giàn khoan dầu hiện đại trị giá 1 tỷ USD Hải Dương-981 vào vùng biển thuộc Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và chỉ cách đảo Lý Sơn 180 hải lý.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã ngang nhiên cho rằng giàn khoan dầu Hải Dương-981 hoạt động trong khu vực hải phận quốc gia và nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của chuỗi đảo mà Bắc Kinh chiếm đóng trái phép của Việt Nam từ năm 1974.
Tuyên bố của Tổng thư ký ASEAN được xem là phát ngôn mạnh mẽ nhất trong số 10 thành viên thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Trong đó, 4 quốc gia thành viên của ASEAN là Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên Biển Đông.
Ông Lê Lương Minh nhấn mạnh hành động hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc đã gây cản trở cho tiến trình đối thoại giữa các nước trong khu vực. Ngoài ra, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc ký kết với ASEAN vào năm 2002 "đã không đủ hiệu quả để ngăn chặn những sự kiện như trên".
Tổng thư ký ASEAN cho rằng việc thiếu tiến triển trong nỗ lực đàm phán giải quyết tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc là điều đáng "thất vọng". Sự kiện gần đây cho thấy "tầm quan trọng ngày càng lớn của các cuộc tham vấn và đàm phán".
Trả lời tờ Wall Street Journal, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia, ông Marty Natalegawa cho biết ông đồng quan điểm với Tổng thư ký ASEAN rằng "Tình hình hiện tại đang hết sức nguy hiểm". Ông Natalegawa cũng kêu gọi các thành viên ASEAN "đổi mới lối suy nghĩ về những vấn đề liên quan tới Biển Đông".
Thậm chí, Bộ trưởng Natalegawa nhấn mạnh: "Trung Quốc cần chính thức đưa ra lời hứa thực thi tuyên bố DOC ký kết năm 2002 và tiến hành các cuộc đối thoại với thái độ nghiêm túc".