Theo tuyên bố của ông Poroshenko, kế hoạch tái sát nhập Crimea về Ukraine không phải bằng con đường quân sự và vũ lực, tờ CNBC đưa tin, mà là “một kiến nghị về kinh tế và dân chủ”.
“Chúng tôi có một vấn đề quan trọng. Mọi người bảo chúng tôi mất Crimea. Không, Crimea đã bị xâm lược. Nhưng Crimea sẽ trở lại với chúng tôi”, ông Poroshenko phát biểu tại Hội nghị Chiến lược châu Âu Yalta (YES) đang được tổ chức ở Kiev.
Hội nghị YES, thường tổ chức tại thành phố Yalta, được tổ chức tại Kiev trong năm nay vì Yalta thuộc Crimea.
Viktor Yushchenko, cựu Tổng thống thân phương Tây của Ukraine, cũng nói rằng mối quan hệ hiện tại với điện Kremlin đã ‘tả tơi’ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin từ chối tham gia vào các cuộc thảo luận.
Giống như Poroshenko, ông Yushchenko tỏ ra tự tin rằng Ukraine có thể được thống nhất một lần nữa nhưng nói rằng nước này cần hỗ trợ nhiều hơn trước.
Cùng tham dự sự kiện này là Thị trưởng thành phố Kiev Vitaly Klitschko, cựu vô địch quyền anh thế giới, đồng thời là đối thủ của ông Poroshenko trong cuộc bầu cử tổng thống. "Chúng tôi muốn hòa bình, nhưng có người không muốn làm điều đó. Họ muốn gây mất ổn định tình hình ở Ukraine. Bởi vì họ không đồng ý với việc chúng ta trở thành một quốc gia thuộc châu Âu", ông nói với tờ CNBC.
Trả lời phỏng vấn của CNBC, ông Poroshenko cho biết, vấn đề quan trọng đối với Ukraine là “độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” khi ông kêu gọi Nga rút quân hoàn toàn khỏi biên giới.
Ông Poroshenko nhấn mạnh Ukraine hy vọng được sự bảo trợ về an ninh của NATO, ngay cả trước khi tham vọng trở thành thành viên chính thức của liên minh quân sự này trở thành hiện thực.
"Không thể đàm phán với Tổng thống Putin, ông ấy thậm chí còn không được tham gia vào các cuộc thảo luận. Con rối của ông đang nói thay cho anh ta", ông nói với CNBC thông qua một thông dịch viên tại hội nghị ở Kiev.
EU đã áp đặt lệnh trừng phạt mới có hiệu lực ngay lập tức chống lại nước Nga hôm thứ Sáu (12/9), trong đó hạn chế tài chính đối với các công ty nhà nước Nga và đóng băng tài sản của các chính trị gia hàng đầu nước này.
Ông Poroshenko cho biết các biện pháp trừng phạt cho thấy mức độ đoàn kết của châu Âu với Ukraine trong cuộc đối đầu với Nga. "Tôi tự hào là người Ukraine. Tôi cảm thấy mình là một thành viên đầy đủ của gia đình Liên minh châu Âu", ông nói.
Các lệnh trừng phạt mới đánh vào 24 cá nhân thông qua cấm thị thực và đóng băng tài sản, nâng tổng số cá nhân bị trừng phạt lên 119 người.
Cũng trong hôm nay, hãng thông tấn AFP dẫn lời Petro Poroshenko cho biết, Quốc hội nước này sẽ triệu tập một phiên họp vào ngày 16/9 tới để thông qua một thỏa thuận liên kết lịch sử với Liên minh châu Âu (EU).
Phát biểu tại một diễn đàn doanh nghiệp quốc tế ở thủ đô Kiev, ông Poroshenko khẳng định việc thông qua thỏa thuận chính trị-thương mại này sẽ là "thời khắc lịch sử" của Ukraine.
Đây là là dấu hiệu tiếp theo cho thấy Kiev đang ngày càng xa rời quỹ đạo của Nga.
Ngoài ra, Tổng thống Poroshenko bày tỏ hy vọng sẽ giành được một "quy chế đặc biệt" với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong chuyến công du Mỹ vào tuần tới.
Ông Poroshenko nói: "Trong vài ngày tới, tôi sẽ tới Mỹ. Tại đây, chúng tôi sẽ tiến hành một cuộc gặp rất quan trọng với các thành viên trong Quốc hội Mỹ và Tổng thống (Barack Obama). Chúng tôi cũng kỳ vọng sẽ giành được quy chế đồng minh phi NATO trong tương lai gần".