Phát biểu tại Damascus, Tổng thống Assad bày tỏ hoài nghi về khả năng "hội tụ được tất cả các điều kiện và yêu cầu cần thiết trong vòng một tuần".
Hãng thông tấn SANA của Syria dẫn lời ông Assad nêu rõ: "Ngừng bắn, nếu diễn ra, không có nghĩa là mọi bên đều dừng sử dụng vũ khí". Ông đặt ra vấn đề nếu một nhóm khủng bố từ chối ngừng bắn thì ai sẽ là người đứng ra trừng phạt, vì vậy "trên thực tế, nói về ngừng bắn là rất khó".
Tổng thống Syria nhấn mạnh: "Ngừng bắn có thể không có nghĩa là tất cả dừng sử dụng vũ khí, mà trước hết phải là ngăn chặn các phần tử khủng bố củng cố các vị trí của chúng. Các hoạt động vận chuyển vũ khí, thiết bị quân sự cũng như di chuyển của các phần tử khủng bố phải bị cấm".
Trước đó, tại hội nghị ở Munich (Đức) ngày 12/2, lãnh đạo các nước "Nhóm quốc tế ủng hộ Syria" đã nhất trí về kế hoạch "dừng các hoạt động thù địch", dự kiến bắt đầu thực hiện một tuần sau đó.
Các bên kêu gọi lập tức tạo điều kiện cho các hoạt động nhân đạo trên toàn Syria. Tuy nhiên, cách thức thực hiện thỏa thuận vẫn chưa được thảo luận chi tiết.
Trong khi đó, tình trạng bạo lực gia tăng trên thực địa ở Syria có nguy cơ làm tiêu tan hy vọng thực hiện được kế hoạch ngừng bắn nói trên.
Ngày 16/2, các cuộc không kích trúng 5 cơ sở y tế và 2 trường học tại các tỉnh Aleppo và Idlib ở miền Bắc Syria đã làm gần 50 dân thường thiệt mạng, trong đó có nhiều trẻ em. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã lên án các cuộc không kích trên "vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế".
Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố cho rằng các cuộc tấn công như vậy "làm dấy lên nghi ngờ về khả năng cũng như sự sẵn sàng của Nga trong việc giúp chấm dứt cuộc chiến hiện nay ở Syria".
Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại Federica Mogherini nhấn mạnh các cuộc tấn công trên là "không thể chấp nhận được" và kêu gọi tất cả các bên "tôn trọng các nguyên tắc căn bản của luật pháp quốc tế".
Bà khẳng định không kích bệnh viện là "hành động cấu thành tội ác chiến tranh".
Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Syria Riad Haddad khẳng định máy bay Mỹ đã không kích bệnh viện. Theo số liệu của LHQ, hơn 260.000 người đã thiệt mạng kể từ khi xung đột bùng phát ở Syria hồi tháng 3/2011.