Trở lại một tuần trước đây, sau khi bão đổ bộ, hàng ngàn người đã chết, sự giận dữ thì lớn dần lên trước các nỗ lực giải quyết hậu quả quá chậm chạp và lòng tin vào Tổng thống Aquino đang bị đe dọa – dù ông là người đứng đằng sau những cải cách đưa Philippines thành một trong những nền kinh tế mới nổi tăng trưởng nhanh và nóng nhất châu Á.
Benigno Aquino đang đối mặt với một thách thức có thể khiến vị trí của ông bị lung lay mạnh mẽ, như cách mà siêu bão Haiyan với sức gió 313 km/giờ và những cột nước tựa sóng thần đã biến các vùng ven biển thành những bãi rác ngổn ngang xác người.
Vị tổng thống 53 tuổi và sự nghiệp chính trị đang lên của ông dường như bị bất ngờ trước sự lạnh lùng đến tàn khốc của cơn bão và hiện rất vất vả để làm dịu bớt nỗi thất vọng của những người sống sót.
Ông dường như xuất hiện rất ít trên truyền hình, một lần ở Tacloban để hội ý với quan chức địa phương và lần khác ở dinh Tổng thống Malacanang để tuyên bố về tình trạng thảm họa quốc gia, còn lại những lần xuất hiện trước truyền thông khác, cả ở Thủ đô Manila và những khu vực bị ảnh hưởng, đều rất hãn hữu.
“Tổng thống cần nắm rõ mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng,” Ramon Casiple, Giám đốc Viện Cải cách bầu cử và chính trị tại Manila, nói.
“Điều này rất quan trọng. Nếu không có biện pháp hữu hiệu vào tuần sau, tình hình không được cải thiện, ông ấy sẽ gặp rắc rối chính trị lớn.”
Người phát ngôn của Tổng thống, Herminio Coloma, một mặt vẫn lên tiếng bảo vệ Tổng thống nhưng mặt khác cũng nói rằng sự chỉ trích dành cho chính phủ là có thể hiểu được.
Vì Tổng thống hạn chế đến thăm các vùng bị tàn phá nặng, nên các quan chức chính quyền địa phương vẫn phải căng mình gánh vác các công việc giảm nhẹ hậu quả thiên tai, Coloma nói thêm.
“Chúng ta không thể phủ nhận rằng thiếu sót là khó tránh khỏi, nhưng ở đây nó đã vượt quá sự chịu đựng…Mức độ tàn khốc của thảm họa là chưa từng có từ trước đến nay và chúng ta cũng chưa từng có kinh nghiệm đối phó với một thảm họa như vậy,” ông nói.
“Vậy ai phải chịu trách nhiệm?”
Chủ nhật tuần trước, khi đang ở Tacloban, Aquino đã bác bỏ một số liệu báo cáo rằng thành phố 220.000 dân này đã bị phá hủy 95%, tại một vài nơi còn xảy ra nạn cướp bóc, một cán bộ thuật lại khi ông có mặt cùng Tổng thống gặp gỡ quan chức địa phương.
Tổng thống khi đó phàn nàn các quan chức đã đưa cho ông những báo cáo mâu thuẫn, thiếu cơ sở tin cậy sau khi cơn bão phá hỏng hệ thống điện và viễn thông, viên chức này nói tiếp và từ chối công khai danh tính.
Một kênh truyền hình đã dẫn lời Aquino khi ông nói với người đứng đầu một cơ quan chống thảm họa rằng ông đã gần như mất kiên nhẫn. Bộ trưởng quốc phòng Voltaire Gazmin cho hay, Tổng thống chỉ tỏ ra “thất vọng” với những số liệu không đầy đủ mà ông được báo cáo.
Môt trong những vấn đề phức tạp của Aquino là vận chuyển và phân phát hàng cứu trợ quá chậm. Trong 6 ngày đầu tiên, chính phủ chỉ phân phát được 50.000 túi thức ăn một ngày, mỗi túi chứa 6 kg gạo và thức ăn đóng hộp, cho chỉ 3% của tổng cộng 1,73 triệu gia đình bị ảnh hưởng, theo số liệu thống kê chính thức.
Khi sự thất vọng lớn dần, truyền thông địa phương bắt đầu nghi ngờ về khả năng lãnh đạo của Tổng thống.
“Ai phải chịu trách nhiệm ở đây?” tờ Philippine Daily Inquirer chạy dòng tít lớn hôm thứ năm.
Sự bất ổn đang đe dọa Tổng thống Aquino – và cả Philippines, một trong những nền kinh tế ấn tượng nhất của châu Á năm nay. Sau khi giành quyền kiểm soát tại Quốc hội trong cuộc bầu cử tháng 5 vừa qua, Aquino dự định tăng chi tiêu cho xây dựng đường sá và sân bay lên mức kỷ lục vào năm sau để thu hút đầu tư nhiều hơn.
Kể từ khi Aquino nhậm chức vào ngày 1/7/2010 đến nay, chỉ số chứng khoán Philippines đã tăng gần 90% và đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng hơn gấp đôi.
Nhưng sự thất vọng đến khó tả của người Philippines, trên đường phố Tacloban và cả trên mạng xã hội, có thể sẽ làm nhiệm kỳ 6 năm của ông tới cuối 2016 kết thúc sớm hơn.
“Một số người lo lắng cho uy tín của Tổng thống và sự ổn định chính trị của đất nước, nhưng người ta còn lo lắng hơn rằng liệu điều này có ngăn trở tiến trình cải cách trong khoảng thời gian còn lại trong nhiệm kỳ của ông hay không,” Euben Paracuelles, kinh tế gia về Đông Nam Á tại Công ty quản lý tài sản Nomura Singapore, nhận định.
“Hãy cứu chúng tôi”
Lực lượng quân đội đang đi tiên phong trong các hoạt động phục hồi và giảm nhẹ hậu quả thiên tai, các cơ quan chính phủ thì vất vả với việc xoay sở phân phát nhu yếu phẩm, nhưng số người ủng hộ Aquino đang giảm dần, điều mà các chính phủ tiền nhiệm cũng từng trải qua trong những giai đoạn khó khăn của họ.
2 vị nguyên thủ Philippines đã mất chức trong 3 thập kỷ vừa qua, trong khi chính phủ của nữ Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo thì cũng phải đối mặt với những chỉ trích dữ dội trong 9 năm cầm quyền đầy rắc rối.
Giới phân tích chính trị nói rằng, tỷ lệ ủng hộ cho Tổng thống đương nhiệm Aquino nhiều khả năng sẽ sụt giảm trong cuộc trưng cầu tới, đặc biệt tại các tỉnh miền Trung Philippines, nơi cơn bão quét qua, vốn từng là những pháo đài ủng hộ ông. Các khu vực này trước đó có tỷ lệ ủng hộ ông cao nhất với mức độ đánh giá dành cho ông là “xuất sắc”.
Đi dọc miền Trung Philippines, hình ảnh các gia đình khốn khổ xuất hiện thường xuyên trên chương trình thời sự trên truyền hình, trong nước mắt, và một số thì ra dấu rằng “Hãy giúp chúng tôi” hay “Chúng tôi cần thức ăn”.
Dù trước khi bão tới, chính phủ đã cảnh báo về sức gió và sóng biển có thể phá vỡ mọi kỷ lục, công tác sơ tán vẫn được thực hiện rất tồi tệ.
Và hoạt động cứu trợ cũng triển khai một cách chậm chạp.
Các tổ chức cứu trợ nước ngoài nói rằng nguồn lực giảm nhẹ hậu quả thiên tai đã bị dàn mỏng sau trận động đất lớn tại tỉnh miền Trung Bohol tháng trước và sự chiếm đóng của quân phiến loạn trong các cuộc giao tranh tại miền Nam càng làm cho nỗ lực cứu trợ trở nên phức tạp.
Aquino vẫn lên tiếng bảo vệ hành động của chính phủ, nói rằng số người chết có thể còn cao hơn nếu như chính phủ không tổ chức sơ tán dân và chuẩn bị sẵn sàng đồ cứu trợ.
Số người chết, đến giờ vẫn còn là tâm điểm của các cuộc tranh cãi.
Vào ngày thứ ba 12/11, Aquino nói số người chết đã bị nói quá và chỉ khoảng 2.000 – 2.500, một con số mà các cơ quan cứu trợ và giới phân tích cho là quá thấp khi thiếu những báo cáo chính xác từ các vùng mà có đến hàng ngàn người mất tích ở khắp nơi.
Aquino nói, ước tính 10.000 người chết của các quan chức địa phương là nói quá và là kết quả của một “sự rối trí”. Elmer Soria, Cảnh sát trưởng một khu vực bị ảnh hưởng, người cung cấp con số này cho giới truyền thông đã bị sa thải vào ngày thứ năm. Một ngày sau đó, Tòa thị chính Tacloban ước tính số người thiệt mạng toàn quốc là 4.000.
“Hạ thấp tác động thảm họa, như việc công bố giảm số người chết, không làm người ta thấy tốt hơn,” Mars Buan, nhà phân tích cao cấp tại Công ty tư vấn rủi ro chính trị Pacific Strategies & Assessments, nói.
Aquino cũng nhấn mạnh, không có chính phủ nào có thể lường hết và chuẩn bị đầy đủ cho thảm họa, và bình luận thêm rằng người ta đã lợi dụng điều này để chỉ trích chính phủ.
“Ông ấy đã quay ngoắt 180 độ,” Benito Lim, một giáo sư tại Đại học Ateneo de Manila, nói. “Ông ấy đang cố gắng tự thanh minh cho những gì ông ấy đã nói trước đó, rằng: “sẽ không có ai thiệt mạng cả”.
Năm ngoái, Aquino, con trai duy nhất của biểu tượng chính trị, cựu Tổng thống Corazon Aquino, giành được 74% số phiếu ủng hộ trong một cuộc điều tra.
Sau đó, vụ scandal về hành vi sử dụng quỹ công sai mục đích của các nghị sĩ bị vỡ lở, đẩy Aquino đứng trước mối đe dọa của một vụ bê bối tham nhũng.
Một trong những người phát hiện ra vụ việc này tiết lộ hồi tháng 7 rằng, vài nghị sĩ, trong đó có cả những người thuộc liên minh của Tổng thống, đã biển thủ tới một nửa số tiền được cấp cho các dự án ở địa phương từ nhiều quỹ chính phủ.
Kể từ đó, Aquino bị cáo buộc không ngăn chặn hiệu quả cái gọi là “văn hóa bảo hộ chính trị”. Tỷ lệ ủng hộ ông đã giảm còn 49% trong tháng 9 vừa qua.
Thách thức hiện nay cho Aquino, một tuần sau bão Haiyan, là tích cực thúc đẩy các hoạt động cứu trợ và xây dựng lại lòng tin của một quốc gia đã vỡ tan bởi sức mạnh của một trong những thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất lịch sử.
“Tôi cho rằng ông ấy sẽ khó lấy lại niềm tin, dù ông ấy đang nỗ lực hết mình,” Lim nói.