Tòa dám xử vụ Philippines kiện Trung Quốc - thắng lợi của luật quốc tế

Bích Đào |

Thắng lợi ban đầu của Philippines trong vụ kiện Trung Quốc mở ra hướng mới trong giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.

Ngày 29/10/2015, Tòa Trọng tài Thường trực quốc tế (PCA) đóng tại Hague, Hà Lan (PCA) đưa ra phán quyết đầu tiên về vụ Philippines kiện Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền trái phép ở Biển Đông.

Phán quyết của PCA nêu rõ, cả Philippines và Trung Quốc đều là các bên tham gia Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và vì thế phải có trách nhiệm giải quyết tranh chấp theo quy định của UNCLOS.

Phán quyết của PCA nói rằng vụ việc được tiến hành theo đúng Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, và PCA có thẩm quyền xét xử vấn đề.

Quyết định của Trung Quốc không tham gia vụ kiện sẽ không làm thay đổi quyền phán quyết của PCA và việc Philippines quyết định đơn phương tiến hành vụ kiện không hề vi phạm tiến trình giải quyết tranh chấp theo UNCLOS.


Ảnh chụp từ trên máy bay quân sự cho thấy, Trung Quốc cải tạo đảo nhân tạo trên Biển Đông với tốc độ chóng mặt (Ảnh AFP).

Ảnh chụp từ trên máy bay quân sự cho thấy, Trung Quốc cải tạo đảo nhân tạo trên Biển Đông với tốc độ "chóng mặt" (Ảnh AFP).

Thắng lợi của luật pháp quốc tế

Theo AFP, ngay sau khi có phán quyết của PCA, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ tại Washington đã lên tiếng hoan nghênh phán quyết của tòa án là “một thắng lợi của luật pháp quốc tế”.

AFP dẫn lời quan chức quốc phòng cấp cao nói: "Chúng tôi rất hoan nghênh phán quyết của tòa. Điều này chứng tỏ luật pháp quốc tế có vai trò trong việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông".

"Điều này chứng tỏ rằng những tuyên bố chủ quyền không nhất thiết là không thể tranh cãi và việc ra phán quyết về vấn đề chủ quyền theo luật pháp và thông lệ quốc tế là con đường có thể giúp quản lý và giảm thiểu nguy cơ xảy ra xung đột.

Chúng tôi rất hoan nghênh các hoạt động của tòa".

Trả lời phỏng vấn của VOV, Tiến sĩ Phạm Lan Dung, Trưởng Ban Quốc tế, Học viện Ngoại giao của Việt Nam, cho rằng, bà cũng như nhiều chuyên gia nghiên cứu các vấn đề quốc tế khác, coi phán quyết của PCA là thắng lợi lớn của Philippines.

Không những thế, thắng lợi này còn giúp cho các nước có tranh chấp thấy lạc quan, rằng từ nay có thể sử dụng Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và đưa ra Tòa Trọng tài Quốc tế để giải quyết các khác biệt về tranh chấp lãnh thổ.

Bà Phạm Lan Dung trích dẫn UNCLOS rằng, Luật này yêu cầu các nước phải tôn trọng các biện pháp hòa bình, Không được sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong khi giải quyết các tranh chấp, Phải dùng các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp.

Bà Phạm Lan Dung nói:  “Việc Tòa Trọng tài Quốc tế có thể xét xử vụ kiện chính là biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp”.

Khi vấn đề thẩm quyền của PCA được giải quyết, vụ kiện có thể chuyển hướng sang các thủ tục tiếp theo, bao gồm: thu thập, đánh giá về tính pháp lý trong các luận điểm về chủ quyền của Philippines ở Biển Đông.


Ảnh chụp ngày 3/9/2015 từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã xây dựng nhiều căn cứ trên đảo nhân tạo ở Biển Đông (Ảnh CSIS).

Ảnh chụp ngày 3/9/2015 từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã xây dựng nhiều căn cứ trên đảo nhân tạo ở Biển Đông (Ảnh CSIS).

Chặng đường phía trước còn dài

Tạp chí The Diplomat phân tích, Philippines mong muốn PCA xem xét và phán quyết về 4 vấn đề, trong đó vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất là yêu sách của Trung Quốc về cái gọi là “Đường 9 đoạn” (hay còn gọi là Đường lưỡi bò) ở Biển Đông.

Theo đó, Manila lập luận rằng “Đường 9 đoạn” là một yêu sách “không thể chấp nhận được” và không phù hợp với quyền lợi của các quốc gia ven biển chiểu theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) mà cả Trung Quốc, Philippines cùng nhiều nước khác đã ký kết năm 1982.

Cho đến nay, Trung Quốc vẫn không đưa ra được những chứng cứ pháp lý về phạm vi của “Đường 9 đoạn”.

Thứ hai, Philippines cho rằng việc Trung Quốc chiếm đóng, bồi đắp nhiều đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa trên Biển Đông là bất hợp pháp.

Manila đưa ra lập luận này vì cho rằng Bắc Kinh có “những yêu sách về sở hữu hoặc chủ quyền không chính đáng đối với các khu vực hoàn toàn ngập nước, hoặc quyền lịch sử không chính đáng đối với tài nguyên sinh vật và phi sinh vật, bao gồm cả quyền kiểm soát hàng hải”.

Thứ ba, đề nghị tòa án sẽ xem xét và đánh giá tính pháp lý đối với cáo buộc của Philippines rằng Trung Quốc đang khai thác trái phép tài nguyên thiên nhiên trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines theo UNCLOS.

Thứ tư, Philippines cáo buộc Trung Quốc đã can thiệp vào quyền tự do đi lại của Manila trong chính Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của quốc đảo này.

Trong một bài viết của mình, Tạp chí Wall Street Journal dẫn lời Luật sư trưởng người Mỹ, ông Paul Reichler, phụ trách hồ sơ vụ kiện của Philippines, lập luận rằng cái gọi là “Đường 9 đoạn” của Trung Quốc, mà theo đó Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với gần như tất cả Biển Đông, không có căn cứ theo luật quốc tế quy định trong Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển.

PCA cũng đã yêu cầu Manila làm rõ một số luận điểm và sẽ xem xét các vấn đề còn lại trong giai đoạn đánh giá tính pháp lý của các lập luận này.

Sau khi vấn đề về thẩm quyền của PCA đã được giải quyết, vụ kiện có thể tiến triển đến giai đoạn đánh giá tính pháp lý về các luận điểm Philippines đưa ra về vấn đề Biển Đông. PCA dự kiến sẽ đưa ra phán quyết sơ bộ vào năm 2016./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại