Tình tiết bí mật đằng sau vụ Edward Snowden đào thoát khỏi Hồng Kông

Luật sư tại Hồng Kông của Edward Snowden đã thuật lại chi tiết hành trình rời khỏi Hồng Kông của vị thân chủ với sự "đồng tình ngầm" của chính quyền đặc khu này.

Albert Ho đã được Snowden mời làm luật sư ngay sau khi bay tới Hồng Kông, theo BBC.

Jonathan Man, phụ tá của luật sư Ho, chính là người đã đi cùng với Snowden khi anh này trả phòng rời khỏi khách sạn Mira ở Hồng Kông để đến một địa điểm bí mật, sau khi danh tính của anh được truyền bá rộng rãi trên khắp thế giới.

Hình của cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden được trưng tại một khu trung tâm ở đặc khu Hồng Kông hôm 17.6 - Ảnh: Reuters

Ông Ho miêu tả thân chủ của mình là một người thông minh, lanh lẹ và rất rành về công nghệ, đồng thời rất quan tâm đến chính trị Mỹ.

Ban đầu, Snowden dường như muốn trú ngụ luôn tại Hồng Kông và muốn chống lại yêu cầu dẫn độ thông qua tòa án địa phương.

Tuy nhiên, luật sư Ho đã nói với thân chủ Mỹ của mình rằng có thể sẽ phải chờ đợi trong tù rất lâu cho thời gian giải quyết các thủ tục pháp lý, đồng thời quyền tự do và các hoạt động của Snowden tại Hồng Kông sẽ bị hạn chế rất nhiều.

Snowden cũng yêu cầu ông Ho đại diện mình liên hệ với chính quyền Hồng Kông để tìm hiểu quan điểm của chính quyền đặc khu này về vấn đề của Snowden.

Luật sư Ho sau đó đã gặp gỡ một quan chức cấp cao của Hồng Kông vào hôm 21.6 theo yêu cầu của thân chủ để thảo luận về tình hình của Snowden tại Hồng Kông và làm rõ một số vấn đề về pháp lý, nhưng ông Ho cho biết đã không nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Sau cuộc gặp gỡ, một tin nhắn có nội dung liên quan đến việc Snowden trú ẩn tại Hồng Kông đã được gửi đến cho cựu nhân viên tình báo Mỹ thông qua một người trung gian, tờ South China Morning Post (Trung Quốc) dẫn lời luật sư Ho.

Ông Ho nói rằng người trung gian tự nhận là đại diện cho chính quyền đặc khu Hồng Kông và thúc giục rằng Snowden nên rời khỏi Hồng Kông.

Luật sư Albert Ho, người được Snowden mời làm luật sư ngay sau khi bay tới Hồng Kông - Ảnh: South China Morning Post

Người này cũng đảm bảo với Snowden rằng anh sẽ không bị bắt khi rời khỏi nơi trú ngụ bí mật của mình.

"Sử dụng các kênh không hoàn toàn hợp pháp và một người mà danh tính cũng không rõ ràng để nói với Snowden rằng chính quyền Hồng Kông muốn anh nên rời đi, đây là một hành động hết sức không bình thường”, ông Ho nhận xét.

Do không tin vào tin nhắn này, nên Snowden đã yêu cầu luật sư Ho xác nhận nội dung tin nhắn với chính quyền Hồng Kông.

Ông Ho cho biết ông đã gọi điện cho một quan chức cấp cao của chính quyền Hồng Kông, nhưng một lần nữa, ông vẫn không nhận được câu trả lời.

Trong lúc đó, Mỹ công khai truy tố Snowden tội gián điệp và gia tăng sức ép đòi dẫn độ anh về lại Mỹ, buộc anh này phải tính đến chuyện rời Hồng Kông.

Luật sư Ho thuật lại rằng ban đầu Snowden định bay sang thủ đô Moscow vào tối 22.6 (giờ địa phương), nhưng có lẽ việc ông Ho không liên lạc được với chính quyền Hồng Kông khiến anh này lo sợ và hoãn lại kế hoạch rời khỏi nơi trú ngụ bí mật tại Hồng Kông, theo BBC.

Tuy nhiên, vào hôm 23.6, Snowden đã ra sân bay với sự tháp tùng của Man, trợ lý của luật sư Ho.

Snowden thể hiện tâm trạng lo lắng trong suốt quá trình ra sân bay, ông Ho cho hay.

Tại sân bay, ông Man đã chứng kiến Snowden làm thủ tục lên máy bay và đã bước qua cổng an ninh sân bay mà không gặp bất kỳ cản trở nào, đúng như cam kết trong tin nhắn được cho là đến từ một quan chức Hồng Kông.

Luật sư Ho, từng là ứng viên cho chức chủ tịch hành chính Hồng Kông hồi năm 2012, nói với BBC rằng tin nhắn gửi cho Snowden để yêu cầu anh này rời khỏi Hồng Kông đến từ chính quyền Trung Quốc.

Ông này nói quá trình tranh tụng về thủ tục dẫn độ Snowden về Mỹ nếu còn ở Hồng Kông sẽ gây hại cho quan hệ Trung - Mỹ và làm Trung Quốc xấu hổ.

BBC đã gửi thư phỏng vấn chính quyền Hồng Kông về vấn đề này nhưng đã không nhận được phản hồi.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại