Tuy nhiên, sự thật đó đã được chính người bạn thân nhất thưở thiếu thời của tên trùm phát xít này, August Kuzibek, tiết lộ trong cuốn sách mang tên "Thời niên thiếu của Hitler trong mắt tôi" xuất bản gần đây.
Thực ra, cuốn sách trên ra mắt bạn đọc từ khi Hitler còn trên đỉnh cao quyền lực. Nhưng để giữ thể diện cho đức Quốc trưởng, những đoạn miêu tả về cuộc tình thầm yêu trộm nhớ của Hitler với người thiếu nữ Do Thái xinh đẹp có tên Stephanie Isaac đã bị cắt bỏ. Hơn 70 năm sau, cuốn sách được tái bản với toàn bộ những gì tác giả đã thể hiện và khi đó người ta mới biết rằng, chính Stephanie chứ không phải Eva Braun (vợ của Hitler) mới là người dạo những nhịp đầu tiên cho bản nhạc yêu đương trong trái tim Hitler.
Một đêm mùa xuân năm 1905, Hitler (khi đó vừa bước sang tuổi 16) và Kuzibek lững thững đi dạo dưới những tán cây trên con đường dẫn tới quảng trường thành phố Linz (Áo). Đột nhiên, Hitler giật tay Kuzibek hỏi: "Cậu thấy cô gái tóc vàng đang tản bộ cùng với mẹ đang đi ngược lại với chúng ta thế nào? Vẻ thướt tha của nàng khiến trái tim tớ run rẩy. Có lẽ tớ đã yêu nàng mất rồi". Quả thật, Stephanie quá đỗi xinh đẹp. Sự kiều diễm của cô không chỉ toát từ những khuôn vàng thước ngọc, vóc cao, dáng điệu, eo thon, mà còn cả ở đôi mắt: đẹp, sáng, long lanh như muốn nhấn chìm cả thế giới đàn ông.
Qua tìm hiểu, Hitler biết được Stephanie mang họ của người Do Thái, vừa tròn 17 tuổi, đang ở cùng mẹ là một quả phụ giầu có. Từ đó, cứ tới 5 giờ chiều Hitler lại đứng bên con đường lớn chỉ mong được ngắm nhìn người thiếu nữ đã mang tiếng sét ái tình đến cho mình. Tuy nhiên, sự nhút nhát và những mặc cảm về xuất thân nghèo hèn đã khiến Hitler không thể bày tỏ nỗi niềm cùng Stephanie. Do bị nén lại, nên mối tình câm lặng đó đã bật ra trang giấy. Không ai nghĩ, tên bạo chúa tàn ác, vô nhân tính ấy lại là tác giả của vô số bài thơ tình lãng mạn và nguồn cảm hứng của hắn không ai khác chính là Stephanie.
Yêu đơn phương, nhưng Hitler tin rằng giữa mình và Stephanie tồn tại một mối giao cảm đặc biệt, không cần tới sự biểu lộ của ngôn ngữ. Hitler từng khùng lên khi Kuzibek tỏ ý nghi ngờ điều đó. Hitler cũng cảm thấy vô cùng tức tối mỗi khi chứng kiến cảnh viên sỹ quan người Áo (người sau này trở thành chồng của Stephanie) ân cần chiều chuộng Stephanie.
Thậm chí, để giành lấy Stephanie, Hitler còn vạch kế hoạch bắt cóc người đẹp khi cô đi dạo cùng mẹ. Theo kế hoạch này, Kuzibek có nhiệm vụ ôm giữ mẹ của Stephanie, còn Hitler sẽ nhân cơ hội đó cướp người trong mộng mang đi. Tuy nhiên, sau khi bàn tính kỹ càng, Hitler đã chấp nhận hủy bỏ kế hoạch bắt cóc Stephanie. Sự non nớt của chàng trai mới lớn đã khiến Hitler không thể giải quyết được bài toán kinh tế trong trường hợp hắn và Stephanie phải bôn tẩu khắp nơi trốn tránh sự truy lùng của cảnh sát.
Hitler cứ như sôi lên khi nghĩ tới cảnh mất Stephanie. Trong cơn phẫn chí, Hitler đã nghĩ tới việc nhảy cầu tự sát. Tuy nhiên, thần may mắn đã mỉm cười với Hitler. Đêm hôm sau Hitler quyết định ra đi mãi mãi thì ngày hôm trước thành phố Linz tổ chức lễ hội hoa. Đó là vào khoảng tháng 6/1906. Vừa đi xem lễ hội, Hitler vừa buồn rầu tâm sự cùng Kuzibek. Một chiếc xe ngựa chở theo một số người đẹp tham dự lễ hội, trong đó có Stephanie chạy qua. Cũng như mọi người trên xe, Stephanie tung hoa xuống hai bên đường. Vô tình một đóa hoa hồng từ tay Stephanie rơi đúng vào Hitler. Không thể tả được sự vui sướng của Hitler, chàng ta nhảy cẫng lên, khoe với Kuzibek: "Cậu xem đây, nàng thích tớ rồi! Nàng thích tớ rồi!" Nhờ đó, Hitler đã quyết định đảo ngược kế hoạch quyên sinh, ở lại với đời và bông hồng cứu rỗi linh hồn đó được Hitler lưu giữ cẩn thận.
Năm 1907, Hitler bước sang tuổi 18, bắt đầu cuộc sống lưu lạc. Ôm ước vọng trở thành một họa sĩ, năm 1909, Hitler ghi tên thi vào Học viện mỹ thuật Viên, nhưng kết quả không như ý muốn. Trở thành một họa sĩ lang thang, xa rời Linz, nhưng Hitler vẫn kiên trì chủ đề sáng tác lấy Stephanie làm nguồn cảm hứng.
Tháng 5/1913, Hitler rời thủ đô Viên của Áo sang sống ở thành phố Munich (Đức) để sau đó trượt dài trên con đường phát xít. Ở quê nhà, Stephanie được gả cho một sĩ quan Áo, sau khi Chiến tranh Thế giới lần thứ II kết thúc cùng gia đình chuyển đến sống ở thủ đô Viên. Đối với Stephanie mà nói, việc không trở thành vợ của Hitler là một may mắn nhất trong đời vì nếu không, khi lá cờ Hồng quân Liên Xô tung bay trên tòa nhà Quốc hội Đức, có thể Stephanie chứ không phải Eva Braun đã phải cùng tên trùm phát xít uống thuốc độc tự tử.