Theo đó, vụ việc bắt đầu có sự tham gia của cả Tổ chức Ân xá quốc tế (Amnesty International) và Tòa án Nhân quyền châu Âu (European Court of Human Rights - ECHR), bất chấp sự phản đối và thái độ trì hoãn điều tra của Warsaw.
"Dất vết Ba Lan” của CIA
Mọi chuyện bắt đầu từ một cuộc họp báo, nơi luật sư người Ba Lan Mariusz Paplyarchik nộp lá đơn kiện lên Viện Kiểm sát Krakow vạch trần tội ác đối với thân chủ của ông - công dân Yemen có tên Waleed Mohammed Bin Attash. Nội dung lá đơn cho biết, tội ác nhằm vào Attash hoàn toàn diễn ra trên lãnh thổ Ba Lan.
Theo khẳng định của các đại diện Amnesty International, nạn nhân Bin Attash đã bị bắt giữ trái phép tại Pakistan 10 năm trước đây (năm 2003). Sau đó trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 9-2003, anh ta bị giam giữ tại một "nhà tù bí mật" ở Ba Lan, trước khi được đưa tới Rumani. Luật sư Mariusz Paplyarchik cho biết, Attash đã bị tra tấn và nói chung bị đối xử một cách tàn tệ tại Ba Lan.
Cần nhớ là quá trình điều tra về các "nhà tù bí mật" của CIA đã diễn ra từ gần 5 năm nay. Nói đúng hơn, đó chính là những cơ quan bí mật, là nơi các đại diện của Cơ quan Mật vụ Mỹ giam giữ những kẻ bị tình nghi là khủng bố. Nạn nhân của các nhà tù bí mật trên, theo số liệu của các phương tiện truyền thông đại chúng và các tổ chức nhân quyền quốc tế, chủ yếu là những công dân tới từ Afghanistan, Pakistan, Iraq.
Tất nhiên, những nhà tù kiểu như trên của mật vụ Mỹ trên danh nghĩa chỉ tồn tại một cách trái phép. Trong tình cảnh như vậy không thể nói gì về những chuyện kiểu như nhân quyền hay luật pháp quốc tế.
Điều tra bị trì hoãn
Các nhà hoạt động nhân quyền quốc tế cho rằng, chính quyền và các cơ quan hành pháp Ba Lan vẫn đang tìm cách trì hoãn điều tra vụ việc này. Đó là lý do khiến vụ điều tra về các nhà tù bí mật của CIA vẫn kéo dài suốt từ năm 2008 dưới vỏ bọc tuyệt mật. Đầu năm ngoái, trọng tâm điều tra đã chuyển từ Warsaw tới Krakow với những nạn nhân được nhắc tới chủ yếu là Abd Al-Rahman Al-Nasser (người Arập Xêút) và Abu Zubaydah (người Palestine).
Dù cho các nhà hoạt động nhân quyền và các quan sát viên đều cáo buộc Ba Lan tìm cách trì hoãn điều tra, nhưng mặt khác cũng phải thừa nhận rằng, đây là quốc gia duy nhất tại châu Âu cho công khai điều tra về các nhà tù bí mật của CIA. Dù sao đại diện Julia Hall của Amnesty International cũng đã vài lần nhấn mạnh rằng, tổ chức quốc tế này luôn bày tỏ sự lo ngại về tiến trình điều tra quá chậm chạp.
Ngoài ra, ECHR từ đầu năm nay cũng đưa ra quyết định gỡ bỏ quy định bí mật về hoạt động điều tra tại Ba Lan. Phán quyết trên được đưa ra ngay sau khi Tòa án châu Âu xem xét đơn kiện của nạn nhân Al-Nasiri, trong đó chính quyền Ba Lan đã khước từ chuyển giao cho các cơ quan hành pháp những tài liệu cần thiết.
Theo báo chí Ba Lan, mật vụ Mỹ sau khi bắt giữ những kẻ tình nghi khủng bố đã chuyển họ bằng máy bay từ Afghanistan tới căn cứ quân sự tại Szymany, phía đông bắc Ba Lan. Từ đây, các tù nhân được chuyển đến một nhà tù bí mật của CIA, được cho là nhiều khả năng nằm trong khuôn viên của một trường đào tạo tình báo tại ngôi làng Stare Kleykuty (cách sân bay 20 km). Bản thân những người Ba Lan, theo khẳng định của báo chí, cũng không được phép xuất hiện tại đây. Tất nhiên những đòn tra tấn và các hành vi trái phép khác của mật vụ Mỹ đều được chính quyền bí mật bật đèn xanh.
Hệ thống nhà tù kiểu trên được hình thành trong khuôn khổ cuộc chiến tổng lực với khủng bố nảy sinh sau sự kiện 11-9. Chính quyền của Tổng thống George Bush khi đó đã chấp thuận cho triển khai mạng lưới nhà tù bí mật của CIA trên khắp thế giới, cùng với đó là cả chuyện cho phép được áp dụng các thủ đoạn tra tấn tù nhân.
Ba Lan có bao che cho CIA?
Những ý kiến phản hồi về chủ đề các nhà tù bí mật của CIA đã khiến cho các đại diện của Nghị viện châu Âu phải bắt tay vào điều tra. Theo lời đại diện ủy ban đặc biệt của nghị viện chịu trách nhiệm điều tra vụ việc trên, chính quyền nhiều quốc gia trong EU đã "bật đèn xanh" cho việc xây dựng các nhà tù của CIA trên lãnh thổ của họ. Bản thân mật vụ Mỹ đôi khi vẫn hành động mà không cần sự đồng ý của chính quyền sở tại, trong đó có cả chuyện bắt giữ những kẻ tình nghi trên lãnh thổ các nước EU. Cơ sở của bản báo cáo từ ủy ban trên chính là những lời khai làm nhân chứng của hơn 130 người, trong đó có cả các quan chức.
Các đại diện Nghị viện châu Âu còn khẳng định, có một loạt các quốc gia liên quan đến hoạt động của các nhà tù bí mật của CIA như Anh, Áo, Ba Lan, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Ireland, Đức, Bồ Đào Nha, Italia và Thụy Điển. Ngoài ra còn có một vài quốc gia không nằm trong EU như Thổ Nhĩ Kỳ, Bosnia và Macedonia. Theo số liệu của báo chí nước ngoài, "những cơ quan tương tự" của CIA còn có mặt tại Rumani, Litva và một số nước khác. Chưa kể còn có nghi ngờ cho rằng, nhà tù của CIA còn hoạt động cả trên lãnh thổ Ukraina.
Những nhà tù bí mật của CIA trên lãnh thổ EU là nơi giam giữ những tù nhân bị bắt giữ không cần có lệnh hay cáo buộc chính thức nào. Nói cách khác, không có ai kiểm soát những hành động của các nhân viên mật vụ Mỹ đối với những kẻ tình nghi. Nhờ đó, họ có thể thoải mái tra tấn các tù nhân tương tự như đã làm tại nhà tù Abu-Graib tại Iraq. Các đại diện Hội đồng châu Âu đã tìm ra không ít bằng chứng khẳng định, các tù nhân tại nhà tù của CIA ở Ba Lan đã phải chịu những biện pháp "thẩm vấn bạo lực", trong đó có cả những trò tra tấn kiểu như dìm nước.
Trong khi đó, Viện Kiểm sát Ba Lan lại kéo dài thời hạn xem xét vụ nhà tù bí mật trên lãnh thổ nước mình cho tới tháng 10 năm nay. Đó là lý do khiến các chuyên gia cho rằng, công cuộc điều tra đang bị trì hoãn. Nếu không, nhiều khả năng khi vụ án hình sự về các nhà tù bí mật của CIA được chính thức đưa ra tòa, sẽ có không ít chính trị gia cao cấp của Ba Lan phải nhận lãnh hậu quả. Đó là chưa kể đến việc điều tra hoàn toàn có thể làm phức tạp thêm mối quan hệ giữa Warsaw và Washington.
Theo ý kiến của các nhà phân tích, CIA và chính quyền Mỹ đang gây sức ép lên Ba Lan, yêu cầu họ phải ngăn không cho vụ điều tra được đưa ra tòa. Về phần mình, Chính phủ và Viện Kiểm sát Ba Lan thì phủ nhận bất cứ sự can thiệp chính trị nào vào quá trình điều tra, khẳng định họ có thừa quyết tâm để tiến hành điều tra một cách đầy đủ và khách quan. Các nhà chức trách nước này tất nhiên vẫn phủ nhận sự tồn tại của bất kỳ một nhà tù nào của CIA trên lãnh thổ nước mình.