Tiết lộ chấn động về Huawei và cuộc chiến tình báo Trung - Mỹ

Anh Thư |

(Soha.vn) - Huawei, một tập đoàn công nghệ TQ bị Mỹ cáo buộc tiếp tay cho các hành động tình báo của TQ hóa ra lại là đối tượng bị Mỹ do thám từ lâu nay.

Từ người đi săn thành con mồi

Giới chức Mỹ từ lâu đã coi tập đoàn Hoa Vi (Huawei) - gã khổng lồ viễn thông của Trung Quốc - là một mối đe dọa an ninh đối với Mỹ, và đã ngăn cản tập đoàn này ký các thỏa thuận kinh doanh tại Mỹ do lo ngại Hoa Vi có thể tạo “các cánh cửa đen” trong các sản phẩm của mình để cho phép quân đội Trung Quốc hoặc giới tin tặc có trụ sở ở Bắc Kinh đánh cắp các bí mật của tập đoàn Mỹ hoặc chính phủ Mỹ.

Nhưng ngay cả khi Mỹ đã công khai về những mối nguy hiểm của việc mua bán giao dịch với Hoa Vi, thì các tài liệu mật lại cho thấy chính Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã tạo ra những cánh cửa đen của mình dẫn thẳng vào các mạng của Hoa Vi.

Theo các tài liệu của NSA bị rò rỉ, do cựu nhân viên CIA Edward J.Snowden tiết lộ, cơ quan này đã “thò mũi” vào các máy chủ đặt tại trụ sở kín như bưng của Hoa Vi ở Thâm Quyến, trái tim công nghiệp của Trung Quốc. NSA đã lấy được các thông tin về các thiết bị định tuyến và các mã nguồn phức tạp mà Hoa Vi tự hào kết nối 1/3 dân số thế giới, đồng thời theo dõi các thông tin của ban lãnh đạo cấp cao của công ty này.

Theo một tài liệu năm 2010 vừa được tiết lộ, một trong các mục tiêu ban đầu của chiến dịch mang tên mật là “Shotgiant” này là tìm mọi liên kết giữa Hoa Vi với Quân đội Trung Quốc. Nhưng các kế hoạch sau đó đã được mở rộng: hướng tới khai thác công nghệ của Hoa Vi để sao cho khi công ty này bán sản phẩm cho các nước khác – trong đó có cả các đồng minh của Mỹ và những nước tránh mua sản phẩm của Mỹ - thì NSA vẫn có thể truyền thông tin qua các mạng lưới máy tính và điện thoại của mình để theo dõi, và nếu được lệnh của Tổng thống, sẽ tiến hành các chiến dịch tấn công mạng.

Tài liệu rò rỉ của NSA cho biết: “Đa số mục tiêu của chúng tôi được truyền qua các sản phẩm do Hoa Vi sản xuất. Chúng tôi muốn đảm bảo biết rõ cách khai thác các sản phẩm này để có thể truy cập vào các mạng mà chúng tôi quan tâm” trên toàn thế giới.

Tài liệu này đã được tờ The New York Times và Der Spiegel tiết lộ, và cũng là một phần trong một cuốn sách do báo Der Spiegel xuất bản mang tên “The N.S.A Complex”. Theo các quan chức tình báo, các tài liệu này cung cấp những thông tin mới về cuộc chiến tranh lạnh kỹ thuật số mà Mỹ đang leo thang với Bắc Kinh. Trong khi Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu đối thoại về hạn chế xung đột mạng, dường như nó lại đang được tăng cường.

NSA đang theo dõi hơn 20 nhóm tin tặc của Trung Quốc – hơn một nửa số này là của các đơn vị Hải quân và Lục quân của Trung Quốc – khi họ đột nhập các mạng của chính phủ Mỹ, của các công ty như Google, và của cả các nhà sản xuất linh kiện máy bay và vũ khí hạt nhân. Giới chức Mỹ cho biết nhiều bằng chứng đã khẳng định lại phát hiện hồi cuối năm ngoái rằng một vài trong số các vụ tin tặc kinh khủng nhất của Trung Quốc xuất phát từ một doanh trại quân đội Trung Quốc, đơn vị 61398, ở Thượng Hải.

Chính quyền của Tổng thống Obama phân biệt rõ hành vi tin tặc và ăn trộm tập đoàn mà Trung Quốc thực hiện chống lại các công ty của Mỹ để củng cố công việc kinh doanh nhà nước của mình, với các hoạt động tình báo mà Mỹ tiến hành chống lại Trung Quốc và các mục tiêu khác. Giới chức Mỹ liên tục nhắc đi nhắc lại rằng NSA truy cập các mạng nước ngoài chỉ phục vụ mục đích bảo vệ an ninh quốc gia Mỹ một cách hợp pháp. Một người phát ngôn Nhà Trắng, Caitlin M.Hayden nói: “Chúng tôi không cung cấp thông tin tình báo mà chúng tôi có được cho các công ty của Mỹ để tăng tính cạnh tranh quốc tế của họ hay giúp tăng vị thế cho họ”.

Nhưng điều đó không có nghĩa là Chính phủ Mỹ không tiến hành do thám tập đoàn theo kiểu riêng của mình, với một mục đích khác. Những vụ do thám liên quan đến Hoa Vi đều được mô tả trong tài liệu năm 2010.

Một chuyên gia phân tích viết: “Nếu chúng ta có thể xác định các kế hoạch và ý định của công ty, chúng ta hy vọng điều đó dẫn chúng ta đến các kế hoạch và ý định của Trung Quốc. NSA thấy một cơ hội trong hoạt động do thám này: Khi Hoa Vi đầu tư vào công nghệ mới và đặt cáp ngầm dưới biển nối với ‘vương quốc mạng’ Trung Quốc, tức là công ty này quan tâm tới việc đào hầm vào nhà của các khách hàng chủ chốt của Trung Quốc, trong đó có các mục tiêu được ưu tiên cao như Iran, Afghanistan, Pakistan, Kenya, Cuba”.

Tuy nhiên, các tài liệu rò rỉ không giúp tìm ra câu trả lời cho một câu hỏi trung tâm: Hoa Vi là một công ty độc lập, hay cùng một chiến tuyến với quân đội Trung Quốc như giới chức Mỹ vẫn nghĩ nhưng chưa bao giờ chứng minh công khai?

Hai năm sau khi điệp vụ Shotgiant trở thành một chương trình lớn, Ủy ban Tình báo Hạ viện đã phát đi một báo cáo công khai về Hoa Vi và một công ty khác của Trung Quốc, ZTE, trong đó nêu rõ không có bằng chứng khẳng định những nghi ngờ về các quan hệ của các công ty này với Chính phủ Trung Quốc. Nhưng báo cáo tháng 10/2012 lại kết luận rằng các công ty này phải bị cấm “mua bán, chuyển nhương hoặc sang tên” tại Mỹ, và “không thể tin rằng họ không có ảnh hưởng của nước ngoài”.

Hoa Vi, công ty có tất cả nhưng lại phải dập tắt hy vọng bước vào thị trường Mỹ, than phiền rằng họ là nạn nhân của chủ nghĩa bảo hộ, dưới cái cớ liên quan đến an ninh quốc gia. Giới lãnh đạo công ty nhấn mạnh rằng công ty không có liên hệ nào với quân đội Trung Quốc.

William Plummer, một quan chức điều hành cấp cao của Hoa Vi tại Mỹ, cho biết công ty không hề nghĩ mình có thể là một mục tiêu của NSA. Ông nói: “Thật mỉa mai là điều mà họ đang làm với chúng tôi lại chính là điều mà họ luôn cáo buộc Trung Quốc đang làm thông qua chúng tôi”.

Ông Plummer nói thêm: “Nếu đúng là hoạt động do thám như vậy đã được tiến hành, rồi họ sẽ thấy công ty là một thực thể độc lập và không có quan hệ bất thường nào với bất cứ chính phủ nào, thì khi đó thông tin này phải được công bố rộng rãi để chấm dứt mọi hiểu nhầm”.

Những tử huyệt của Trung Quốc

Washington đã quan tâm tới Hoa Vi từ gần một thập kỷ nay, kể từ khi tập đòan RAND, một tổ chức nghiên cứu, đánh giá mối đe dọa tiềm ẩn của Trung Quốc đối với quân đội Mỹ. RAND kết luận rằng “các công ty tư nhân của Trung Quốc như Hoa Vi” là một phần của “tam giác kỹ thuật số” mới gồm các công ty, thể chế và cơ quan chính phủ cùng hoạt động bí mật.

Hoa Vi là một gã khổng lồ toàn cầu, chuyên sản xuất các thiết bị mạng và viễn thông giúp truy cập internet, chuyên đặt các loại cáp ngầm dưới biển từ châu Á tới châu Phi và đã trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ ba thế giới sau Samsung và Apple.

Người đứng đằng sau các chiến lược của Hoa Vi là Ren Zhengfei, nhà sáng lập công ty, vốn là một kỹ sư trong quân đội Trung Quốc những năm 1970. Đối với người Trung Quốc, ông là một Steve Jobs. Nhưng với các quan chức Mỹ, ông là một link dẫn tới quân đội Trung Quốc.

Họ đã chặn công ty này nhiều lần: hối thúc Sprint hủy một hợp đồng trị giá 3 tỷ USD mua công nghệ mạng thế hệ 4 (hay 4G) của Hoa Vi; phá hỏng một thương vụ 3Com đã được lên kế hoạch vì lo ngại Hoa Vi có thể thay thế mật mã đã được bán cho quân đội Mỹ; và thúc đẩy các đồng minh, như Australia, quay lưng lại các dự án lớn.

Các tài liệu rò rỉ cho biết ngay từ năm 2007, NSA đã bắt đầu một chương trình ngầm chống lại Hoa Vi. Đến năm 2010, đơn vị Tailored Access Operation của NSA – chuyên phá vỡ các mạng khó truy cập – đã phát hiện một cách để đột nhập vào trụ sở của Hoa Vi. Cơ quan này đã thu lại các cuộc liên lạc của Giám đốc Ren, dù các chuyên gia phân tích cho rằng đó chưa phải là tất cả.

Các chuyên gia phân tích của NSA cho biết họ tìm kiếm nhiều hơn “các dấu hiệu tình báo” về công ty và các liên kết của công ty với giới lãnh đạo Trung Quốc; họ muốn học cách chọc thủng các hệ thống của công ty này để khi các đối thủ hoặc cả đồng minh mua thiết bị của Hoa Vi, Mỹ có thể thâm nhập vào các mạng lưới này.

Các chiến dịch của NSA chống lại Trung Quốc không dừng lại ở Hoa Vi. Theo một tài liệu tháng 4/2013 mà Snowden tiết lộ thì, năm ngoái, cơ quan này đã phá mã của hai mạng điện thoại di động lớn nhất Trung Quốc để xâm nhập vào các đơn vị quân đội có tầm quan trọng chiến lược. Tài liệu này cũng cho biết các mục tiêu lớn khác là những nơi giới lãnh đạo Trung Quốc làm việc. Lãnh đạo nước này cũng giống như các nước khác, thường xuyên nâng cấp mạng wifi của mình cho tốt hơn, nhanh hơn, và NSA luôn tìm ra các cách tốt hơn để xâm nhập.

Trung Quốc cũng không vừa

Theo các quan chức tình báo đương nhiệm hoặc đã về hưu giấu tên của Mỹ, các vụ tấn công nhà nước của Trung Quốc chỉ gia tăng trong những năm gần đây. Khoảng hơn chục đơn vị quân đội Trung Quốc – bên cạnh đơn vị 61398 – làm công việc tấn công mạng từ các điểm nghe lén quanh Trung Quốc. Các mục tiêu của họ bang đầu là các cơ quan chính phủ và các Bộ Ngoại giao trên thế giới, nhưng sau này đã mở rộng sang cả khối tư nhân.

Các quan chức trên lấy ví dụ là Phòng 1 thuộc Cục 3 của quân đội, mà NSA bắt đầu theo dõi năm 2004 sau khi đơn vị này tấn công các mạng của Lầu năm Góc. Các mục tiêu của đơn vị này đã mở rộng đến mức bao gồm cả các công ty viễn thông và công nghệ chuyên về thiết bị mạng và mã hóa – trong đó có một số đối thủ cạnh tranh của Hoa Vi.

Trong một số vụ tấn công táo bạo nhất của mình, Trung Quốc dùng các tin tặc tại các trường đại học do nhà nước tài trợ và tại các công ty công nghệ tư nhân của nước này. NSA theo dõi hơn 10 nhóm như vậy, mà họ nghi là đang hoạt động cho Bộ Công an Trung Quốc.

Theo các quan chức Mỹ, mục tiêu của các nhóm này gắn chặt với các chỉ thị chiến lược và kinh tế của nhà nước Trung Quốc. Khi Trung Quốc cố gắng chế tạo máy bay tàng hình và tên lửa đạn đạo và phóng từ tàu ngầm thế hệ mới trong những năm gần đây, NSA và các đối tác thấy rằng một nhóm kỹ sư được tư nhân tuyển dụng có trụ sở tại Quảng Châu (miền Nam Trung Quốc) đã tìm cách ăn trộm các bản thiết kế tên lửa, vệ tinh, không gian và công nghệ đẩy hạt nhân từ các công ty của Mỹ, Canada, châu Âu, Nga và châu Phi.

Và khi Trung Quốc nỗ lực tạo ra các vụ xâm nhập vào web, người ta lại phát hiện một nhóm tin tặc tư nhân khác xâm nhập Google, Adobe và hàng chục công ty công nghệ toàn cầu khác vào năm 2010. Sau này, nhóm trên và các đối tác của họ cũng theo dõi các công ty an ninh, các ngân hàng, công ty hóa chất, nhà sản xuất xe hơi và cả các tổ chức phi chính phủ.

James A.Lewis, một chuyên gia an ninh máy tính tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế ở Washington nhận định: “Trung Quốc do thám mạng nhiều hơn tất cả các nước khác cộng lại”. Anh nói thêm: “Câu hỏi đặt ra không phải là các công ty nào đang bị Trung Quốc do thám, mà là họ không do thám công ty nào”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại