Hôm qua (11/9), Thụy Điển đã triệu tập Đại sứ Nga tại Thụy Điển, Victor Tatarintsev, và đề nghị ông này giải thích tuyên bố mang tính đe dọa mới đây của phát ngôn viên bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova.
Trả lời phỏng vấn trong một cuộc họp báo tại Moscow tuần qua, bà Zakharova khẳng định việc Thụy Điển gia nhập NATO sẽ dẫn tới những "hậu quả" khiến Nga không thể khoanh tay đứng nhìn.
"Việc Thụy Điển gia nhập NATO sẽ dẫn tới những hậu quả liên quan đến quân sự, chính trị, và chính sách đối ngoại, điều này sẽ buộc Nga phải có những đáp trả thích đáng" - bà Zakharova khẳng định.
Phía Đại sứ quán Nga tại Thụy Điển hiện chưa có phát ngôn chính thức về việc triệu tập này.
Trong khi đó, phát biểu với báo chí, Ngoại trưởng Thụy Điển Margot Wallstrom khẳng định: "Việc buông lời đe dọa như vậy là không thể chấp nhận được. Chúng tôi là một quốc gia độc lập, do đó chúng tôi có quyền tự quyết các chính sách an ninh của mình".
Căng thẳng giữa Nga và Thụy Điển đã và đang tăng cao trong thời gian qua, xoay quanh việc quốc gia Scandinavia này tỏ ý muốn gia nhập NATO sau khi chứng kiến Nga sáp nhập Crimea cùng lo ngại về những động thái quân sự của Nga tại khu vực Baltic.
Tuy chưa phải là thành viên chính thức của NATO, nhưng Thụy Điển đang là một đồng minh thân cận của liên minh này và thường xuyên gửi quân tới tham gia tập trận cùng các quốc gia NATO.
Hiện tại, tuy người dân Thụy Điển đã tỏ ý muốn gia nhập NATO nhiều hơn, nhưng con số ủng hộ mới chỉ đạt mức hơn 30%. Ngoài ra, nếu trở thành thành viên của NATO, Stockholm sẽ phải hủy bỏ quan điểm trung lập quân sự tuyệt đối được nêu rõ trong hiến pháp.
Cùng chia sẻ nỗi lo về Nga là Phần Lan, quốc gia có chung đường biên giới dài 1.300 km với Nga và cũng là láng giềng của Thụy Điển. Helsinki cũng không giấu giếm ý định muốn nhận được sự "bao bọc" của khối liên minh Bắc Đại Tây Dương.
Về phần mình, Nga cũng không ngần ngại cảnh báo hai quốc gia Nordic này rằng họ sẽ phải đối mặt với những hậu quả không thể tránh khỏi nếu cương quyết gia nhập NATO.