Thuở "hàn vi" của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Hải Võ |

Là lãnh đạo nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, những trải nghiệm thuở "hàn vi" của ông Tập Cận Bình cũng trở thành mối quan tâm lớn đối với truyền thông Trung Quốc và quốc tế.

Chưa đầy 16 tuổi, Tập Cận Bình về nông thôn lao động suốt 7 năm

Trong một tư liệu được đăng tải trên trang Nhân Dân Nhật Báo (Trung Quốc) năm 2012 có nhắc đến chỉ thị của Mao Trạch Đông tháng 12/1968 rằng - “Thanh niên trí thức rất cần phải về nông thôn, nếm trải cuộc sống canh nông khó khăn, rồi mới tiếp tục học tập”.

Khi đó, hàng chục triệu thanh niên Trung Quốc đã “ùn ùn” đổ về các vùng nông thôn của nước này để “trải nghiệm cuộc sống”.


Ông Tập Cận Bình (thứ 2 từ trái qua) năm 1973, thời kỳ ông về nông thôn và làm việc tại thôn Lương Gia Hà, huyện Diên Xuyên, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Ông Tập Cận Bình (thứ 2 từ trái qua) năm 1973, thời kỳ ông về nông thôn và làm việc tại thôn Lương Gia Hà, huyện Diên Xuyên, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Tháng 1/1969, thôn Lương Gia Hà thuộc tỉnh Thiểm Tây “đón” một tốp thanh niên đến từ Bắc Kinh. Những người trẻ tuổi này cùng sống, cùng ăn và làm việc với người dân tại đây. Một trong số họ là ông Tập Cận Bình, người sau này trở thành Chủ tịch Trung Quốc - Nhân Dân Nhật Báo cho hay.

Ngoài ông Tập Cận Bình, các lãnh đạo cao cấp thuộc Thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc hiện tại như Thủ tướng Lý Khắc Cường, Bí thư Ủy ban kiểm tra kỷ luật Trung ương Vương Kỳ Sơn cũng có trải nghiệm tương tự ở nông thôn.


23/12/1972, ông Tập Cận Bình về Bắc Kinh thăm người thân, lúc này ông vẫn trong thời kỳ về công tác tại nông thôn. Ảnh: Xinhua

23/12/1972, ông Tập Cận Bình về Bắc Kinh thăm người thân, lúc này ông vẫn trong thời kỳ về công tác tại nông thôn. Ảnh: Xinhua

Cha bị bức hại khi ông Tập mới 9 tuổi

Thời điểm năm 1969, nhóm “thanh niên về làng” tại thôn Lương Gia Hà đều khoảng 17 tuổi, trong đó ông Tập chưa đầy 16 tuổi được cho là người nhỏ tuổi nhất. Trong nhóm của ông có đến 10 người – bao gồm bản thân ông Tập – có cha mẹ bị “đấu tố” trong cuộc Cách mạng Văn hóa tại Trung Quốc lúc bấy giờ.

Cho đến nay, truyền thông Trung Quốc vẫn không tiết lộ về thời thơ ấu của ông Tập Cận Bình, thời gian trước khi ông chính thức về nông thôn tham gia công tác.

Theo Tân Hoa Xã, tháng 9/1962, trong Cách mạng Văn hóa của Trung Quốc, cha của ông Tập Cận Bình là ông Tập Trọng Huân - khi đó là Phó thủ tướng Trung Quốc - đã bị đưa ra "đấu tố" tại Hội nghị toàn đảng và bị quy kết là "phần tử tập đoàn phản đảng".

Ông Tập cha bị cách chức để điều tra và đến năm 1965 thì bị "đày" về làm cấp phó ở một... công xưởng cơ khí.

Việc cha mình bị "bức hại" là một nỗi đau trong tuổi thơ của anh em ông Tập (năm 1962, ông Tập Cận Bình mới 9 tuổi). Bài viết trên Tân Hoa Xã dẫn lời em trai ông Tập Cận Bình là Tập Viễn Bình tiết lộ, ông Tập cha đã bị hành hạ và chịu oan ức tới 10 năm.

Thậm chí, Tập Viễn Bình kể lại, gặp lại cha sau 7 năm, ông Tập Trọng Huân còn không thể phân biệt được các con của mình và phải hỏi - "Con là Cận Bình hay Viễn Bình?".


Ông Tập (phải) năm 1977, khi ông theo học tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh. Ảnh: Xinhua

Ông Tập (phải) năm 1977, khi ông theo học tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh. Ảnh: Xinhua

Trải qua tuổi thơ đầy sóng gió và bí ẩn, cùng với 7 năm "cày cuốc" ở một trong những vùng quê nghèo hẻo lánh nhất Trung Quốc thời đó, ông Tập Cận Bình được người dân Lương Gia Hà đánh giá là “thích đọc sách” và “hiếu học”.

Đến năm 1975, sau thời kỳ “đồng cam cộng khổ” trong vai trò Bí thư chi bộ đảng ở thôn Lương Gia Hà, ông Tập Cận Bình được giới thiệu vào học tại Đại học Thanh Hoa nổi tiếng Trung Quốc.

Từ đây, ông Tập chính thức bước lên con đường sự nghiệp truyền thống như một nhân vật “Hồng nhị đại” – hậu duệ của tầng lớp lão thành cách mạng Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại