Trả lời trong phỏng vấn phóng viên báo chí tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington D.C (Mỹ), ông Thôi Thiên Khải nói rằng cá nhân ông không có chút hi vọng này về Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và rằng chính nhà lãnh đạo Nhật Bản này cần phải chịu trách nhiệm vì đã gây tổn hại tới quan hệ Trung - Nhật. Trước khi tới Mỹ trong cương vị Đại sứ Trung Quốc, ông Thôi từng là Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc và Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản.
Ông Thôi cho rằng việc ông Abe thăm đền Yasukuni không thể giải thích là một hành động của cá nhân, mà là của một Thủ tướng, một lãnh đạo quốc gia: "Đây không phải là một sự việc riêng lẻ hay ngẫu nhiên mà đã có nền tảng sâu sắc từ trước... Đây là một động thái chính trị với mục đích chính trị rõ ràng". Theo vị Đại sứ Trung Quốc, Thủ tướng Abe đã nhận thức rõ ràng những tác động tiêu cực của vấn đề đền Yasukuni tới mối quan hệ giữa Nhật Bản và các nước láng giềng.
Trong vòng 7 năm qua, ông Abe là Thủ tướng Nhật đầu tiên tới thăm đền chiến tranh Yasukuni khi đang tại nhiệm. Trước ông, Thủ tướng Junichiro Kozumi khi còn tại vị cũng từng tới thăm đền này.
Đại sứ Thôi Thiên Khải nhận định: "Tại sao ông ta lại chọn tới đền Yasukuni để bày tỏ lòng tôn kính sau 7 năm? Điều này hoàn toàn phản ánh quan điểm của ông ta về lịch sử, lập trường chính trị, định hướng chính sách".
Theo tờ Chinadaily, ông Thôi cũng cho rằng chuyến thăm của Thủ tướng Abe tới đền Yasukuni, nơi ghi danh cả những tội phạm chiến tranh loại A trong Thế chiến thứ Hai, đã cho thấy nhà lãnh đạo Nhật Bản muốn tiếp bước họ và muốn đảo ngược phán quyết của lịch sử.
"Cuối cùng, đây là vấn đề về việc liệu các thành tựu của cuộc chiến chống phát xít của toàn thế giới, vốn phải rất khó khăn mới đạt được, có được tôn trọng, liệu trật tự thế giới sau chiến tranh có được giữ vững và liệu Nhật Bản dưới thời ông Abe có tiếp tục con đường phát triển hoà bình?... Về cơ bản, ông ta muốn quay trở lại con đường của chủ nghĩa quân phiệt... Vì vậy, đây là vấn đề về mặt đường hướng, không phải là hành động cá nhân hay ngẫu nhiên".
Đại sứ Trung Quốc cũng cảnh báo rằng, "nếu chính sách của ông Abe đưa Nhật Bản đi sai đường và lịch sử lặp lại, thì chính người dân Nhật sẽ trở thành nạn nhân".
Trước đây, nhà lãnh đạo cánh hữu của Nhật Bản đã thúc đẩy việc sửa đổi sách giáo khoa nhằm viết lại lịch sử nước Nhật trong chiến tranh thế giới thứ Hai, phủ nhận việc chính phủ liên quan tới việc phụ nữ Hàn quốc, Trung Quốc và Philippines bị ép "mua vui" cho lính Nhật, đồng thời đặt ra câu hỏi liệu các hành động của Nhật Bản trong thời chiến có được gọi là "xâm lược". Trong năm qua, ông Abe cũng ủng hộ sửa đổi bản Hiến pháp Hoà Bình của Nhật Bản - điều 9 trong bản Hiến pháp hiện hành quy định cấm sử dụng chiến tranh để giải quyết tranh chấp quốc tế.