Hồi tháng 10, thông qua EU làm trung gian, Ukraine và Nga đã thống nhất được một số điều khoản nối lại việc cung cấp khí đốt.
Trong đó, Ukraine có trách nhiệm trả cho Nga 3,1 tỉ USD tiền nợ khí đốt trong năm 2014.
Hôm thứ Ba, Nga bắt đầu cung cấp khí đốt cho Ukraine lần đầu tiên sau 6 tháng, sau khi Ukraine trả một khoản tiền 378 triệu USD.
Việc giao 1 tỉ mét khối khí này là một phần của thỏa thuận trị giá 1,5 tỉ USD mà hai bên ký kết vào tháng 10. Khối lượng khí này đủ để Ukraine có nhiên liệu cầm cự qua mùa đông.
Cũng lưu ý rằng, giá khí đốt mà Nga cung cấp cho Ukraine hiện giờ đang ở mức giá hơi thấp hơn so với thị trường chung.
Có nhiều ý kiến lo ngại cho rằng sau khi nhận khí đốt, Ukraine lại “chây ỳ”.
Trước điều này, Thủ tướng Nga cho biết trên truyền hình: "Tôi nghĩ rằng hai bên có thể đạt được một thỏa thuận và luôn luôn có chỗ cho sự thỏa hiệp.
Nhưng nếu hai bên không thể thì sẽ gửi đơn kiện lên Tòa án Trọng tài quốc tế ở Stockholm".
Mặc dù hai nước đang có bất đồng gay gắt sau việc Crimea sáp nhập vào Nga nhưng ông Medvedev cho biết, lòng tốt của Nga với Ukraine đã có truyền thống.
Medvedev nói rằng Moscow đã "tặng Kiev hơn 80 tỉ USD thông qua hình thức trợ giá khí đốt vào giữa những năm 1990 và đầu 2000".
Nga cũng đã mua một gói 3 tỉ USD trái phiếu do chính phủ Viktor Yanukovich phát hành, như là một phần của gói giải cứu với kinh tế Ukraine và chấp nhận mức lãi suất cực thấp.
Ông Medvedev cũng không quên nhắc Nga đang rất ưu đãi cho Kiev trong việc mua bán dầu khí: "Chúng tôi đã đồng ý giảm giá 100 USD (cho mỗi 1.000 mét khối khí đốt), bởi vì chúng tôi không muốn để nền kinh tế Ukraine nghẹt thở".
Tuy nhiên, trong bản hợp đồng kinh tế gần đây và trong tương lai với chính quyền Kiev, điện Kremlin không muốn ban phát lòng tốt cho những kẻ luôn quay lưng với Nga và đòi gia nhập NATO, chĩa mũi súng vào Nga.
Nga muốn Ukraine phải theo đúng luật chơi quốc tế: thanh toán sòng phẳng những gì đã nợ và không chấp nhận chuyện Ukraine quay lưng bịt mắt trước các khoản nợ.
"Cho đến nay Ukraine đã chịu trả tiền và tôi hy vọng họ tiếp tục làm như vậy.
Nếu dừng lại, họ sẽ phải trả giá và sẽ có những hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế Ukraine vốn đã trong tình trạng đáng lo ngại".
Tờ Financial Times báo cáo vào tháng 4, Ukraine đã được nhận gói giải cứu 17 tỉ USD từ Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF.
Nhưng giờ, Kiev lại đòi viện trợ thêm 15 tỉ USD nữa để “giúp đỡ”.
Nền kinh tế Ukraine đang chịu cú sốc lớn do phí tổn chiến tranh tại miền đông dâng cao trong khi không thu được thuế và tiền than từ miền đông.
Lúc này, IMF cũng ngại cho Ukraine vay vì không biết khi nào mới thu hồi được “nợ xấu”.
Nếu không có tiền từ IMF, Ukraine thật sự khó xoay sở.