Ngày 21/7, Lực lượng ly khai Ukraine đã chính thức bàn giao cho Malaysia hộp đen của chiếc máy bay mang số hiệu MH17 rơi tại miền Đông Ukraine. Việc bàn giao này nằm trong thỏa thuận giữa Thủ tướng Malaysia Najib Razak với thủ tướng nước Cộng hòa Donetsk tự phong Alexander Borodai. Cũng theo thỏa thuận này, thi thể các nạn nhân được đưa về Hà Lan để tiến hành nhận dạng, còn các chuyên gia quốc tế độc lập sẽ được đảm bảo an ninh để tiếp cận hiện trường một cách đầy đủ và tiến hành điều tra vụ việc.
Theo một nguồn tin của Reuters, cuộc đàm phán giữa 2 bên diễn ra vô cùng bí mật mà "ngay cả một số cố vấn thân cận của ông này cũng không biết. Họ đã rất ngạc nhiên trước thỏa thuận này".
Tờ Sydney Morning Herald cho hay, trong khi chịu nhiều áp lực và không ít lời chỉ trích về việc không lên tiếng buộc tội phe ly khai Ukraine bắn hạ chiếc Boeing 777, Thủ tướng Malaysia đã rất nhiều lần trò chuyện riêng với Borodai.
CNN dẫn lời một nguồn tin riêng cho hay, ngay từ sau khi máy bay của hãng Malaysia Airlines rơi tại Ukraine, Thủ tướng Najib đã xây dựng cho mình chiến lược ngoại giao riêng để giải quyết vấn đề - đó là chiến lược ngoại giao yên lặng. Mặc dù khi đó, như ông từng chia sẻ, "trong những ngày qua, đã có những lúc tôi muốn mạnh mẽ nói lên sự tức giận và đau buồn mà người dân Malaysia đang phải trải qua. Đó cũng là cảm xúc của tôi. Nhưng đôi khi, chúng ta cần phải hành động một cách lặng lẽ để đạt được kết quả tốt hơn".
Trong sự việc lần này, Thủ tướng Malaysia chỉ làm việc với một nhỏ các quan chức thân cận, khoảng vài người.
Theo nguồn tin của CNN, cuộc gọi đầu tiên diễn ra vào tối muộn ngày thứ Bảy - 2 ngày sau khi thảm kịch MH17 xảy ra. Kể từ đó, ông Najib đã nhiều lần nói chuyện riêng với Borodai, thậm chí là từ điện thoại di động cá nhân của mình. "Ông ấy là một người có nhiều mối quan hệ. Ông ấy đã nói chuyện với những người có thể liên lạc được với Borodai và sau đó, ông ấy tìm ra một người nào đó. Rồi, ông ấy bắt liên lạc riêng".
Ông Najib đã cố gắng giữ liên lạc và tạo sự tin tưởng với thủ lĩnh ly khai Ukraine ở Donetsk ngay cả sau khi ông trò chuyện với các nhà lãnh đạo Nga, Ukraine, Mỹ và châu Âu.
Theo nguồn tin này, thủ lĩnh ly khai coi Malaysia là một bên không liên kết trong cuộc khẩu chiến giữa Nga và phương Tây.
CNN đánh giá, việc Malaysia, bên có liên quan tới vụ việc này, tin tưởng vào sự liên lạc riêng tư một - một là rất quan trọng và rằng một quốc gia không đe dọa bất cứ điều gì như Malaysia là đối tác đàm phán hoàn hảo.
Đồng quan điểm này, nhà bình luận chính trị Wan Saitful Wan Jan, giám đốc Viện Các vấn đề kinh tế và dân chủ ở Kuala Lumpur đánh giá: "Điều rất quan trọng là ông ấy đã không đổ lỗi cho bất kì ai trước khi đạt được những gì mình muốn. Nếu ông ấy tỏ thái độ giận dữ ngay khi mọi việc xảy ra thì chúng ta có thể đã không được trao hộp đen và thi thể các nạn nhân".
Chiến lược này được giáo sư Alan Chong từ Trường Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam (Singapore) đánh giá là cực kỳ thành công. Trong khi đó, báo Mỹ New York Times cũng cho rằng, thỏa thuận giữa Malaysia và phe ly khai Ukraine là một thành công về ngoại giao của quốc gia châu Á này.
Dù vậy, Thủ tướng Malaysia cũng đang đối mặt với không ít áp lực khi phải chứng minh được rằng mình có thể hành động nhanh chóng và chính xác, đặc biệt là sau nhiều chỉ trích từ cộng đồng quốc tế rằng Malaysia tỏ ra yếu kém khi xử lý vụ máy bay Malaysia mang số hiệu MH370 mất tích.
Ông Wan Saitful cho rằng: "Chính phủ cần phải mạnh mẽ hơn khi có những bằng chứng cụ thể. Phối hợp với cộng đồng quốc tế, tạo ra một liên minh nhằm kêu gọi trừng trị, đưa thủ phạm ra trước công lý là điều vô cùng quan trọng".
Xem thêm Video:Hiện trường vụ tai nạn máy bay MH17 - CNN
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA