Tạp chí TIME (Mỹ) ngày 18/9 đăng tải bài viết của ông Michael Schuman, lý giải vì sao Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng như Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lại có những động thái thể hiện sự quan tâm rất sâu sắc tới tân Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Dưới đây là bài viết của ông Michael Schuman đăng tải trên tạp chí TIME:
Một số nhân vật quyền lực nhất thế giới đang cố gắng "lấy lòng" tân Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, không khác gì những chàng trai mới lớn đua nhau tán tỉnh một cô nàng hoa hậu học đường.
Chưa đầy một tháng trước, ông Modi được tiếp đón long trọng tại Nhật Bản trong chuyến thăm chính thức kéo dài năm ngày, ở đó ông thậm chí còn nhận được một cái ôm bất ngờ từ Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, một người vốn nổi tiếng cứng rắn.
Tuần trước, ông Modi là chủ nhà tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người mà vừa đặt chân đến Ấn Độ hôm thứ Tư đã tuyên bố Bắc Kinh muốn "tạo lập mối quan hệ đối tác phát triển gần gũi hơn và cùng Ấn Độ thực hiện ước mơ lớn là xây dựng hai quốc gia hùng mạnh và thịnh vượng."
Tại sao ông Modi lại nhận được nhiều ưu ái như vậy? Nguyên nhân có thể nằm trong cái cách mà châu Á đang thay da đổi thịt, cả về chính trị lẫn kinh tế. Kể từ khi Đặng Tiểu Bình mang đến phép lạ kinh tế cho Trung Quốc đầu những năm 1980, những chia rẽ khu vực từ hệ quả của cuộc Chiến tranh Lạnh trong quá khứ đã dần bị xóa nhòa trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng mạnh mẽ.
Michael Schuman là phóng viên chuyên về kinh tế của tạp chí TIME, thường trú tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Trước khi viết cho TIME, ông đã từng viết cho tạp chí Forbes và The Wall Street Journal. Ngoài viết báo, ông còn là tác giả của nhiều cuốn sách về kinh tế, chính trị và lịch sử châu Á.
Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á, kim ngạch thương mại giữa các quốc gia châu Á chiếm 50% tổng giá trị thương mại của những nước này trong năm 2013, so với mức 30% của năm 1985. Nhưng với một Trung Quốc đang muốn phô bày sức mạnh chính trị và quân sự, có được từ sự "giàu lên trông thấy" của mình, thì châu Á lại một lần nữa bị chia thành hai phe - một phe ngả về Trung Quốc, phe còn lại ngả về Mỹ và các đồng minh, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines.
Mỗi phe đều đang tìm cách tranh thủ sự hỗ trợ trong khu vực để chiếm ưu thế so với đối phương. Vướng vào căng thẳng chính trị với Bắc Kinh liên quan tới các hòn đảo tranh chấp trên Biển Hoa Đông, Tokyo đang cố gắng xây dựng mạng lưới đồng minh để "kiềm tỏa" một Trung Quốc đang trỗi dậy. Trong khi đó, Bắc Kinh chủ trương thiết lập một khối liên kết trong khu vực đối trọng với ảnh hưởng của Mỹ.
Ấn Độ đang dần trở thành một quân bài quan trọng trong cuộc chơi mới về địa chính trị. Là một cường quốc nổi lên nhờ chính thực lực nội tại, đồng thời cũng chứa đựng tiềm năng kinh doanh to lớn trong mọi lĩnh vực, từ cà phê cho tới đường cao tốc, Ấn Độ hội tụ đầy đủ điều kiện mà bất kỳ phe nào kéo được New Delhi về phía mình cũng sẽ được hưởng rất nhiều lợi thế.
Cả hai phe đều đang nỗ lực hết sức có thể. Thủ tướng Nhật Bản đã có một bước đi bất thường khi lặn lội từ thủ đô Tokyo tới thành phố Kyoto để đích thân tiếp đón ông Modi. Còn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng cất công tới tận quê nhà Gujarat của ông Modi, thậm chí còn mặc một chiếc áo kiểu Ấn Độ. Ông Abe hứa hẹn với ông Modi một khoản đầu tư mới trị giá 33 tỷ USD. Ông Tập thì được cho là úp mở về lời đề xuất còn hấp dẫn hơn thế, 100 tỷ USD, đưa ra ngay trong chuyến thăm Ấn Độ.
Từ góc độ kinh tế thuần túy, nhiều người cho rằng Chủ tịch Trung Quốc hẳn đang chiếm ưu thế trong việc tranh thủ sự ủng hộ của ông Modi. Kim ngạch thương mại giữa hai quốc gia đang bùng nổ, với gần 66 tỷ USD trong năm 2013, so với chỉ 1,2 tỷ USD năm 1996. Mối liên kết về kinh tế của hai nước có thể sẽ tiếp tục được tăng cường khi các công ty Trung Quốc ngày càng trở thành những nhà đầu tư quan trọng trên phạm vi toàn cầu, còn người tiêu dùng Trung Quốc cũng ngày càng quan trọng.
Hai quốc gia đông dân nhất thế giới dường như còn chia sẻ nhiều điểm chung về lợi ích kinh tế. Doanh nghiệp của hai nước này, vốn đã quen hoạt động trong một nền kinh tế mới nổi và phục vụ đối tượng tiêu dùng mới nổi, không thể cưỡng lại sức hấp dẫn từ tiềm năng thị trường của nhau. Liệu ông Modi sẽ lựa chọn ngả theo Trung Quốc hay Nhật Bản? Nếu ông Modi chọn Trung Quốc thì điều đó sẽ dẫn tới sự ra đời của một thế lực kinh tế mới mà nhiều người đặt tên là "Chindia".
Tuy nhiên, mối quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ lại phức tạp hơn thế. Sau khi Ấn Độ giành được độc lập năm 1947, Thủ tướng Jawaharlal Nehru cho rằng đất nước Ấn Độ mới khai sinh nên tìm cho mình một người bạn trong đảng Cộng sản Trung Quốc non trẻ. Tinh thần của thời đại đó có thể gói gọn trong câu nói “Hindi Chini bhai-bhai” (tạm dịch: Ấn Độ và Trung Quốc là anh em).
Thế nhưng, kỳ vọng đó đã sớm tiêu tan. Ấn Độ khiến Trung Quốc nổi giận khi cho phép Đạt Lai Lạt Ma của Tây Tạng, người mà Bắc Kinh coi là một nhân vật ly khai nguy hiểm, cư trú lưu vong ở Ấn Độ.
Năm 1962, cả hai vướng vào cuộc chiến tranh biên giới đầy mệt mỏi, và nguyên nhân của của nó thì vẫn còn dai dẳng cho đến ngày nay. Vùng đất dọc biên giới ở Ladakh phía bắc và tỉnh Arunachal Pradesh ở phía đông của Ấn Độ là nơi diễn ra nhiều tranh chấp liên miên. Trung Quốc không ngừng khiêu khích Ấn Độ vì những bất đồng còn tồn tại đó.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Thủ tướng Ấn Độ tại New Delhi.
Mới tuần trước, chỉ vài ngày trước chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, Ấn Độ cáo buộc quân đội Trung Quốc xây dựng một con đường trên lãnh thổ tranh chấp ở Ladakh. Trong cuộc hội đàm với ông Tập hôm thứ Năm, ông Modi đã phải lên tiếng thúc giục Chủ tịch Trung Quốc nhanh chóng giải quyết dứt điểm những bất đồng về biên giới.
Tình trạng căng thẳng như vậy rõ ràng là đã đè nặng lên tâm trí ông Modi. Dường như ông đang bắt tay vào nâng cấp tiềm lực quân sự và các mối quan hệ quốc tế của Ấn Độ. Trong hội nghị thượng đỉnh gần đây, ông Abe và ông Modi đã nhất trí tăng cường hợp tác quân sự, và hồi tháng Tám, New Delhi cùng Washington đưa ra cam kết tương tự trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đến Ấn Độ.
Một trong những cải cách kinh tế đầu tiên mà ông Modi công bố sau khi đắc cử Thủ tướng là nới lỏng hạn chế đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực quốc phòng của nước này, một động thái nhằm nâng cao năng lực sản xuất và công nghệ. Và mục tiêu của tất cả những động thái quân sự đó không khác gì một bí mật đã được “bật mí”.
Trong thời gian ở Nhật Bản, ông Modi đã dội một gáo nước lạnh vào Trung Quốc khi nói với giới lãnh đạo doanh nghiệp tại Tokyo rằng "ở khắp mọi nơi xung quanh chúng ta, chúng ta thấy một tư tưởng bành trướng từ thế kỷ 18: lấn chiếm nước khác, xâm nhập vùng biển của nước khác, xâm lược các nước khác và thâu tóm lãnh thổ".
Ông Modi từ đó cố gắng giao thiệp với cả hai bên một cách khéo léo để có được nhiều lợi ích nhất có thể. Trong công cuộc tái khởi động phép màu kinh tế của Ấn Độ bằng cách xây dựng cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn và thúc đẩy sản xuất, ông Modi sẽ cần tới tất cả số tiền mà ông có thể huy động được - từ Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và bất cứ nguồn nào khác.
Ấn Độ luôn cảnh giác với việc trói mình quá chặt vào bất kỳ một phe phái chính trị nào đó - Trong thời kì Chiến tranh Lạnh, "phong trào trung lập" đã được Thủ tướng lúc đó là Nehru khởi xướng." Câu hỏi đặt ra là liệu ông Modi có thể ngả theo một phe trong bao lâu. Câu trả lời rồi sẽ sớm có thôi.
Cuối tháng này, ông Modi có kế hoạch đến Washington gặp Tổng thống Barack Obama - Hãy cùng chờ xem Thủ tướng Ấn Độ sẽ đạt được gì.