Nhà ngoại cảm điều tra thảm án
Tháng 11/1971, bang New Jersey (Mỹ) xảy ra một vụ án nghiêm trọng. Một người đàn ông tên là John List đã bắn chết vợ, mẹ và 3 con nhỏ của mình, giấu xác họ trong nhà rồi trốn đi. Sau gần 2 tuần, các tử thi mới được phát hiện. Khi đó, thủ phạm đã hoàn toàn biệt tích. Nhiều năm trôi qua, không ai có thông tin gì về John List. Trong các tài liệu của cơ quan điều tra, y được xem như đã chết.
Hiện trường vụ án John List sát hại cả gia đình
Cho đến năm 1985. Jeffrey Paul Hummel, một thanh tra mới được bổ nhiệm về New Jersey quyết định lật lại vụ án. Vì thời gian đã lâu, các hồ sơ còn lại quá ít ỏi nên bên cạnh các phương pháp điều tra chính thức, Hummel quyết định nhờ đến sự giúp đỡ của một nhà ngoại cảm. Người được mời là Elizabeth Lerner. Sau khi đặt tay rất lâu lên mặt sau những tấm ảnh chụp hiện trường tội ác, nhà ngoại cảm cung cấp cho Hummel một số thông tin mà sau này, khi kiểm chứng lại, ông rất ngạc nhiên về độ chính xác của chúng:
- John List vẫn còn sống. Sau khi bỏ lại chiếc ô tô của mình trên đường chạy trốn, y đã tiếp tục đi bằng xe lửa hoặc xe buýt.
- Có một phụ nữ khác đã xuất hiện trong cuộc đời John List và y đang có một mối liên hệ nào đó với khu Baltimore (trên thực tế, John List đã cưới người vợ mới ở Baltimore, bang Maryland)
- Y di chuyển về phía tây nam (John List trốn đến Colorado, một bang phía tây)
- Những bước ngoặt quan trọng của cuộc điều tra sẽ xảy ra ở bang Floride hoặc Virginia (John List cuối cùng đã bị bắt ở Virginia).
Sau cùng, nhà ngoại cảm cho Hummel biết một chi tiết khiến ông vô cùng vui mừng: John List có thể đến thăm nghĩa trang gia đình vào ngày sinh của y (17/9).
Người của Hummel đã mai phục ở nghĩa trang trong suốt những ngày trước, trong và sau ngày 17/9/1985. Nhưng chẳng có gì xảy ra. Mãi 4 năm sau, John List mới bị bắt, không phải do chỉ dẫn của nhà ngoại cảm mà là do những bức ảnh mới nhất của y (được các chuyên gia xây dựng dựa trên những phán đoán về sự thay đổi của khuôn mặt theo thời gian) được công bố rộng rãi.
Elizabeth Lerner rõ ràng đã đưa ra được một số thông tin rất chính xác về hoạt động của kẻ đào tẩu. Tuy nhiên, bà đã sai ở chi tiết quan trọng nhất và khiến cho cảnh sát lãng phí rất nhiều công sức.
Nhiều người cho rằng, kết luận của Lerner về việc John List sẽ đến nghĩa trang được đưa ra chỉ dựa trên những phán đoán cơ bản về tâm lý tội phạm mà bất cứ người bình thường nào cũng có thể suy diễn. Trên thực tế, một số tội phạm có sở thích quay lại địa điểm gây án, nghĩa trang chôn cất các nạn nhân…vào những ngày đặc biệt. Tuy nhiên, trong trường hợp của John List, điều này đã không xảy ra. Y không hề đến nghĩa trang và thậm chí chưa bao giờ có ý định đó kể từ khi bỏ trốn.
60% là con số lý tưởng
Thợ lặn tham gia tìm xác trong một vụ án ở Anh theo hướng dẫn của nhà ngoại cảm
Sai lầm của Elizabeth Lerner cũng như của nhiều nhà ngoại cảm khác đã khiến người ta đặt câu hỏi: phải chăng, các nhà ngoại cảm không có những khả năng đặc biệt có thể giúp ích cho quá trình điều tra như các phương tiện truyền thông vẫn ca ngợi? Tất cả những gì họ làm chỉ là theo dõi các thông tin trên báo chí, sắp xếp lại chúng theo trình tự và suy đoán theo lôgic thông thường? Họ chỉ đúng nhờ may mắn hoặc một sự trùng hợp ngẫu nhiên?…
Cũng như mọi biện pháp điều tra khác, công việc của nhà ngoại cảm không phải bao giờ cũng đạt kết quả. John Catchings, một nhà ngoại cảm được biết đến trong một số vụ trọng án nổi tiếng ở Mỹ thừa nhận rằng ông chỉ thành công trong 60% số vụ việc.
Theo ông, không có nhà ngoại cảm nào luôn đúng; con số 60% đã là lý tưởng và bất cứ nhà ngoại cảm nào đạt đến mức độ này cũng đáng được tin cậy. Không những thế, trong một vụ việc cụ thể, ngay cả khi nhà ngoại cảm được đánh giá là thành công, những thông tin mà họ cung cấp cũng thường chỉ chính xác đến khoảng 60%.