Thỏa thuận Minsk 2 không đổ vỡ bởi… không được thực thi

Thiên Nam |

Theo tin mới nhất của truyền thông Ukraine, nước này sẽ tiếp tục tăng ngân sách quốc phòng năm 2016, trong bối cảnh thỏa thuận Minsk có nguy cơ đổ vỡ.

Thoa thuan Minsk 2 khong do vo boi… khong duoc thuc thi

Ukraine liên tiếp tăng cường ngân sách quốc phòng

Một thông điệp mới công bố trên trang web chính thức của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho biết, nước này sẽ tăng cường chi tiêu quân sự trong năm 2016, nhằm “tiếp tục tăng cường quân đội, đẩy nhanh tiến độ trang bị và tái trang bị vũ khí, thiết bị quân sự mới nhất".

Tổng thống Ukraine cho biết, trong tuần qua Rada Verkhovna (Quốc hội nước này) đã phê duyệt quyết định tăng thêm khoản tiền 5,299 tỷ grivna (tương đương 240,3 triệu USD theo tỷ giá hiện hành) cho ngân sách quân sự năm 2016.

Như vậy, đây là năm thứ 3 liên tiếp Ukraine tăng cường chi phí quân sự, kể từ sau khi cuộc chính biến trên quảng trường Độc Lập (Maidan) ở Kiev bùng nổ, dẫn đến sự ra đi của Tổng thống Viktor Yanukovych và châm ngòi cho cuộc nội chiến ở miền đông nước này bùng phát.

Được biết, vào ngày 17 tháng 7 vừa qua, Verkhovna Rada Ukraine đã quyết định phân bổ thêm khoản tiền 5,299 tỷ grivna, cung cấp cho các hoạt động quân sự, thuộc Khu vực hoạt động chống khủng bố (ATO - Anti Terrorist Operation) chống lực lượng ly khai ở vùng Donbass.

Chính quyền Kiev cho biết, họ sẽ cắt giảm chi phí và đầu tư ngân sách cho các lĩnh vực khác, vận động các cơ cấu Nhà nước và chính phủ triệt để tiết kiệm, đồng thời rút thêm khoản tiền 200 triệu grivna từ các quĩ do Bộ Tư pháp quản lý để có thêm tiền cho chi phí quân sự.

Thoa thuan Minsk 2 khong do vo boi… khong duoc thuc thi

Ukraine liên tiếp tăng ngân sách quốc phòng năm thứ 3 liên tiếp

Được biết, chi tiêu cho vũ khí và trang thiết bị quân sự trong năm 2015 của nước này cũng đã tăng gấp 4 lần so với năm 2014, từ mức chiếm 1,25% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của năm ngoái lên 5,2% GDP trong năm nay (theo số liệu của Ngân hàng Thế giới-WB, GDP của Ukraine năm 2014 là 177,4 tỷ USD).

Trong hơn 1 năm qua, cuộc nội chiến ở Donbass đã ngốn của Kiev một khoản tiền không nhỏ. Ước tính mỗi ngày chính phủ Ukraine chi cho “cuộc chiến chống khủng bố” từ 5-7 triệu USD.

Trong khi đó, các khoản vay của nước ngoài đều nghiêm cấm việc sử dụng chúng vào mục đích quân sự.

Việc Ukraine liên tiếp tăng chi tiêu quân sự kể từ khi cuộc nội chiến ở nước này bùng phát tại khu vực 2 tỉnh Donetsk và Lugansk, thuộc vùng Donbass diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế của Ukraine đang bên bờ vực phá sản, các khoản vay từ IMF không trả nổi nợ nước ngoài chứ đừng nói để phát triển kinh tế.

Hiện nay, tổng nợ công của Ukraine lên tới gần 70 tỷ USD, trong đó có 40 tỷ là nợ nước ngoài, riêng của các cơ cấu tư nhân đã rơi vào khoảng 22-23 tỷ USD.

Những dự báo ảm đạm cũng đã tới, khi Cơ quan thẩm định tài chính Fitch đã dự đoán về sự suy giảm kinh tế Ukraine năm 2015 ở mức 9%.

Trong bối cảnh đó, tiến trình tìm kiếm hòa bình, hòa giải dân tộc ở Ukraine cũng đang lâm vào thế bế tắc bởi Kiev không chịu thực hiện những điều khoản trong thỏa thuận mà họ đã đặt bút ký trước sự chứng kiến của Bộ tứ Normandy gồm Đức, Pháp, Nga, Ukraine.

Thoa thuan Minsk 2 khong do vo boi… khong duoc thuc thi

Thỏa thuận Minsk do “Bộ tứ Normandy” khởi xướng thực tế đã đổ vỡ

Thỏa thuận Minsk trước nguy cơ đổ vỡ

Theo tin trên trang web chính thức của Tổng thống Ukraine Poroshenko ngày 19-7, nhà lãnh đạo Ukraine đã ra điều kiện cho Donbass để Kiev có thể thông qua đạo luật về tư cách pháp nhân cho khu vực này.

Theo đó, ông Poroshenko khẳng định là sẽ không hề có độc lập hay quy chế đặc biệt nào cho Donbass.

Đạo luật này sẽ chỉ xác định “trật tự điều hành” của chính quyền địa phương tại Donbass, nhưng với điều kiện DPR và LPR phải giải tán lực lượng vũ trang và giao nộp vũ khí cho quân đội Ukraine.

Tiếp theo là việc quân chính phủ khôi phục toàn bộ sự kiểm soát đường biên giới Ukraine-Nga.

Với tuyên bố mới nhất này, ông Poroshenko đã tái khẳng định tuyên bố trước đây của mình về một Nhà nước Ukraine “tập quyền thống nhất”, không Liên bang hóa và không có bất cứ vùng, miền nào - với Donbass thì lại càng không - được trao quy chế đặc biệt.

Tuy Tổng thống Ukraine lớn tiếng nói rằng, dự luật được đề xuất không trái với các điều khoản trong khuôn khổ của thỏa thuận Minsk 2, nhưng trên thực tế, điều 4 của thỏa thuận này nêu rõ: “Chính phủ Ukraine sẽ có 30 ngày để thông qua sắc lệnh quyết định quyền tự trị của hai khu vực trên”.

Ngoài ra, Kiev phải tiến hành các cuộc đối thoại về việc tổ chức bầu cử cấp địa phương ở Lugansk và Donetsk cũng như tương lai của “chính quyền” tại những khu vực nằm dưới sự kiểm soát của phe ly khai.

Đồng thời, những khu vực nằm dưới sự kiểm soát của phe ly khai có quyền lựa chọn ngôn ngữ cho mình.

Thế nhưng từ ngày thỏa thuận Minsk 2 được ký kết vào ngày 12-2 năm nay, Kiev không hề tiếp xúc đàm phán với phe ly khai mà chỉ đơn phương ban hành các đạo luật liên quan đến tương lai của khu vực này.

Điều 11 của Thỏa thuận Minsk cũng quy định: “Bản Hiến pháp mới của Ukraine cần nhận được sự đồng thuận của đại diện Donetsk và Lugansk, sẽ có hiệu lực thi hành vào cuối năm 2015, nhằm thiết lập tình trạng phân quyền.

Việc thông qua bản pháp chế công nhận quyền tự trị của phe ly khai cũng sẽ được công bố vào cuối năm 2015”.

Trong thỏa thuận ghi rõ “…cần nhận được sự đồng thuận của đại diện Donetsk và Lugansk” và nhưng từ đó đến nay họ không hề được tham khảo và đóng góp ý kiến vào bản Hiến pháp, đồng thời với tuyên bố trên của ông Poroshenko, “…bản pháp chế công nhận quyền tự trị của phe ly khai” chắc chắn cũng sẽ không bao giờ có.

Tuyên bố của ông Poroshenko về việc Ukraine sẽ kiểm soát đường biên giới với Nga phù hợp với một nội dung trong điều 9 của Thỏa thuận: “sau khi các cuộc bầu cử cấp địa phương được tổ chức tại Donetsk và Lugansk, Kiev sẽ có quyền kiểm soát những khu vực biên giới giáp Nga…”.

Tuy nhiên, điều này chỉ được thực hiện với điều kiện tiên quyết là điều 4 và điều 11 đã được 2 bên đồng ý thông qua.

Tuy nhiên, ai cũng có thể thấy là cả 2 điều này sẽ không bao giờ thực hiện được bởi những vô lý trong điều kiện mà Kiev yêu cầu phe ly khai.

Phe ly khai sẽ không chấp thuận các điều kiện do chính quyền trung ương đưa ra

Phe ly khai sẽ không chấp thuận các điều kiện do chính quyền trung ương đưa ra

Việc chính quyền địa phương chỉ có “quyền điều hành” các hoạt động ở khu vực quản lý chứ không có quyền tự quyết, khiến phe ly khai sẽ không đạt được mục đích mà mình đã đề ra là hoặc độc lập trong khuôn khổ Nhà nước Liên bang hoặc độc lập vĩnh viễn, tách ra khỏi Ukraine.

Thỏa thuận Minsk 2 coi như đã đổ vỡ

Các nhà phân tích chính trị cho rằng, những điều kiện trên của ông Poroshenko sẽ “không bao giờ” được phe ly khai chấp thuận, bởi như thế họ sẽ phải tự giải tán lực lượng vũ trang, mất quyền quản lý lãnh thổ đã chiếm đóng từ sau Thỏa thuận Minsk 2 được ký kết, mất quyền độc lập (tự xưng).

Kiev đã không cho Donbass thỏa nguyện thì phe ly khai cũng sẽ không chấp thuận quyền kiểm soát của chính quyền trung ương.

Bởi vậy, điều 4 liên quan đến quy chế đặc biệt và điều 11 liên quan đến việc quy định nền tự trị và phân quyền cho của Donbass chắc chắn sẽ không được thực hiện, dẫn đến điều 9 cũng sẽ không thực hiện được.

Ngoài ra, Kiev còn không thực hiện nhiều điều khoản trong thỏa thuận Minsk 2, ví dụ như điều 8: “Các bên tham chiến cần phối hợp hành động để khôi phục hoạt động xã hội và kinh tế bao gồm việc chi trả lương hưu và đóng thuế.

Chính phủ Ukraine phải khôi phục hệ thống ngân hàng tại vùng quân sự”.

Trước đó, Kiev đã rút các cơ quan chính phủ, đóng cửa các ngân hàng, cắt trợ cấp xã hội, ngừng chi trả lương hưu và lương công chức dẫn đến việc phe ly khai đã xây dựng cơ cấu tài chính-ngân hàng, lưu hành tiền tệ riêng để tiến hành chi trả các khoản đó.

Kiev đã cắt điện, khí đốt, trợ cấp xã hội, lương hưu..., cho Donbass

Kiev đã cắt điện, khí đốt, trợ cấp xã hội, lương hưu..., cho Donbass

Kiev còn cắt điện, khí đốt cung cấp cho các vùng do ly khai kiểm soát, dẫn đến việc lãnh đạo DPR và LPR kêu gọi Nga cung cấp khí đốt riêng, sau đó từ chối không trả tiền cho Nga về khoản chi phí năng lượng cho Donetsk và Lugansk, trong khi, vẫn tiếp tục mua than của Donbass.

Ngoài ra, điều 7 của thỏa thuận Minsk 2 về việc “đảm bảo công cứu trợ nhân đạo có thể tiếp cận tới mọi khu vực bị ảnh hưởng từ chiến sự, do một nhóm công tác quốc tế đảm nhận giám sát hoạt động” cũng không được thực thi đúng theo tinh thần của nó.

Thực sự là chỉ có Nga cung cấp viện trợ nhân đạo cho các vùng chiến sự ở miền Đông còn Ukraine và phương Tây không hề đả động gì đến vấn đề này.

Thậm chí Mỹ và các nước phương tây chỉ đổ dồn vào cung cấp viện trợ quân sự, vũ khí cho quân đội Ukraine.

Những điều khoản còn lại của thỏa thuận Minsk liên quan đến vấn đề ngừng bắn, rút vũ khí, rút lính đánh thuê, tiến trình bầu cử địa phương, dưới sự giám sát của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu OSCE hoặc không được thực hiện hoặc được thực hiện chiếu lệ, vai trò và tiếng nói của OSCE rất mờ nhạt.

Có thể khẳng định là, mặc dù cho đến thời điểm này chưa ai chính thức tuyên bố là thỏa thuận Minsk 2 đã đổ vỡ nhưng cơ bản là nó không được thực hiện và cũng không có chế tài buộc các bên tham gia, đặc biệt là chính quyền Ukraine phải thực hiện đúng yêu cầu của nó.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại