“Chúng tôi kịch liệt lên án những hành động bất hợp pháp của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ. Thái độ như vậy với các phương tiện truyền thông là không thể chấp nhận được”, hãng tin RT ngày 9-12 dẫn tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Nga.
Hôm 7-12, một ê-kíp của chương trình truyền hình “Phóng viên đặc biệt” do Alexander Buzaladze chỉ đạo, đã bị những người mặc thường phục của Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ tại phía đông nam nước này.
Nhóm phóng viên này đang thực hiện chương trình điều tra về cáo buộc IS đang tuồn dầu lậu vào lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo lời kể của Buzaladze sau khi bị trục xuất, rắc rối xảy đến với nhóm phóng viên khi họ tiếp cận khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.Trong khi đó, trước giờ họ vẫn làm việc bình thường ở các thành phố trung tâm như Ankara và Istanbul.
Ê-kíp của ông Buzaladze đã bị “lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ chặn lại” tại tỉnh Hatay, giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Ông Buzaladze cho biết, nhóm phóng viên muốn quay phim về đường biên giới này, các khí tài quân sự, khung cảnh người dân sinh hoạt ở biên giới và cửa khẩu biên giới”.
“Điều đầu tiên họ muốn biết là chúng tôi có máy quay hay không. Chiếc máy quay ấy được bỏ lại trong khoang hành lý, trong một chiếc hộp khóa kín.
Mặc dù vậy, họ đã lấy tài liệu của chúng tôi, đưa chúng tôi đến đồn cảnh sát, sau đó họ chụp ảnh, lấy dấu vân tay của chúng tôi, đưa đi kiểm tra y tế để xác nhận rằng chúng tôi đang trong trạng thái tỉnh táo, khỏe mạnh”, RT dẫn lời ông Buzaladze, nói.
Nhóm phóng viên sau đó nhận thông báo bị trục xuất từ chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời chính quyền không giải thích lý do đằng sau hành động của họ, Buzaladedze cho biết thêm. Sau đó, cảnh sát đã đưa nhóm phóng viên này tới sân bay để bắt máy bay trở lại Nga.
Bộ Ngoại giao Nga muốn biết được lý do thực sự đằng sau vụ bắt giữ nhóm phóng viên đài Rossiya 1 này, và vẫn còn lấy làm khó hiểu nhóm phóng viên này đã xâm phạm những quy tắc nào.
“Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ từ chối giải thích vụ bắt giữ này trước các đại diện của Đại sứ quán Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ”, Bộ Ngoại giao Nga, nói.
Theo RT, việc Thổ Nhĩ Kỳ không hợp tác để làm rõ vụ bắt giữ này, buộc Bộ Ngoại giao Nga suy đoán rằng các cuộc điều tra của báo chí có thể đã phát hiện ra thông tin nào đó mà Ankara không muốn cho thế giới biết.
“Người ta có ấn tượng rằng Ankara sợ phóng viên của đài Rossiya 1 tìm thấy và công khai các hoạt động kinh doanh phi pháp tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria, mà chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn che giấu”, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định.
Trước đó, phía Nga tố cáo rằng chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và gia đình, đã làm ăn bất chính với IS.
Bộ Quốc phòng Nga cũng từng công bố những hình ảnh họ cho là bằng chứng về hoạt động buôn bán dầu mỏ trái phép từ Syria qua Thổ Nhĩ Kỳ.