Truyền thông đấu khẩu
Trước khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường được Nữ hoàng Anh Elizabeth II tiếp đón vào ngày 17/3, nhiều tờ báo Anh đưa tin, Bắc Kinh “xin” được hội kiến với Nữ hoàng Anh. Thông tin này khiến Bắc Kinh hết sức mất mặt và tức giận.
Mặc dù Lý Khắc Cường vẫn chưa kết thúc chuyến thăm Anh, tờ Thời báo Hoàn cầu đã đăng bài xã luận với khẩu khí không hề khiêm tốn, bác bỏ thông tin mà báo chí Anh đưa ra, chỉ trích truyền thông và cả xã hội Anh cường điệu, hẹp hòi khi một số tờ báo Anh đưa tin Nữ hoàng Anh “bị bắt ép phải gặp Thủ tướng Trung Quốc”.
Không chỉ vậy, Hoàn Cầu còn “mỉa mai” rằng: “Với tư cách là một quốc gia lớn đang trỗi dậy, Trung Quốc cần thông cảm cho hoàn cảnh trớ trêu của một cựu đế quốc đã suy yếu, cộng với những hành vi cổ quái mà họ làm để che giấu sự trớ trêu này”.
Bài xã luận trên Hoàn cầu và các tờ báo khác của Trung Quốc đã thật sự chọc giận nước Anh. Ngày cuối cùng trong chuyến thăm Anh của ông Lý Khắc Cường, The Times đã “trả miếng” Bắc Kinh bằng bài xã luận cảnh cáo rằng, một nước lớn mới nổi ngạo mạn sẽ xa lánh những người bạn tiềm năng!.
Tờ này cho rằng, với sự trưởng thành của Trung Quốc cộng với mô hình lệ thuộc mới phát triển ở châu Âu, châu Á và các khu vực khác, Trung Quốc buộc phải né tránh mọi biểu hiện ngạo mạn. Và một quốc gia mới nổi “coi trời bằng vung” rất dễ gây thù hằn và mạo phạm những người bạn mới.
Bài xã luận của The Times nhắc đến bài bình luận của Hoàn cầu về những bản tin của báo chí Anh liên quan đến việc ông Lý Khắc Cường bắt ép phía Anh sắp xếp để có cuộc gặp gỡ với nữ hoàng Anh, đồng thời miêu tả những bài viết tương tự của Thời báo Hoàn cầu “gần như là một sự coi thường không hề che giấu”.
Thủ tướng Lý Khắc Cường diện kiến nữ hoàng Anh
Trước đó, khi Thủ tướng Trung Quốc chuẩn bị sang thăm Anh, The Times đã cho đăng một bài viết của ông Lý Khắc Cường, ca ngợi Anh phát huy được vai trò lãnh đạo trong vấn đề bảo vệ năng lượng và bảo vệ môi trường, đồng thời bày tỏ nguyện vọng mong muốn hai nước Trung Quốc và Anh cùng hợp tác phát triển.
Tờ này đánh giá, ông Lý Khắc Cường đã có những biểu hiện khá kìm chế trong bài viết này, tuy vậy, người Anh vẫn có cảm giác rằng, sự xuất hiện của ông Lý giống như một vị địa chủ vắng mặt lâu ngày sang thị sát thửa đất mà anh ta mới mua.
Cần “tôn trọng lẫn nhau”
The Times chỉ ra rằng, Trung Quốc cần cẩn thận, không nên thổi phồng sức mạnh của mình. Bài viết trích lời của ông Lý Khắc Cường rằng, Trung Quốc vẫn còn có 200 triệu người đang sống dưới tiêu chuẩn nghèo do Ngân hàng Thế giới đưa ra, thu nhập và trình độ phát triển kinh tế giữa các thành phố lớn với khu vực nông thông, giữa các tỉnh nằm sâu trong đất liền và khu vực duyên hải, đều có khoảng cách rất lớn.
Về đối ngoại, các nước láng giềng quanh khu vực biển Đông và biển Hoa Đông cũng ngày càng không tin tưởng, thậm chí ngày càng căm ghét Trung Quốc.
The Times viết, có thể phía Trung Quốc cảm thấy rằng, do châu Âu vô cùng khát khao có được sự đầu tư của Trung Quốc nên khi đối xử với châu Âu, nước này không cần xem xét kĩ lưỡng, đôi lúc thậm chí còn thể hiện thái độ chỉ cần có tiền là được. Nhưng trên thực tế, Trung Quốc cần châu Âu và nước Anh hơn bao giờ hết - bất kỳ mối quan hệ đối tác nào cũng đều cần sự tôn trọng lẫn nhau.
Nếu ông Lý Khắc Cường cảm thấy có thể công khai phát biểu ý kiến của mình trên đất Anh, phản đối Scotland độc lập, ủng hộ Anh ở lại châu Âu và mở rộng sân bay Heathrow ở London thì Anh cũng có thể tự do kêu gọi ông Lý Khắc Cường nới lỏng việc kiểm soát mạng Internet và chấm dứt các hoạt động gián điệp mạng trên quy mô lớn.
Kết thúc bài xã luận, The Times chỉ ra rằng, đúng là nước Anh đã để mất đế quốc của mình từ lâu, nhưng vẫn có đủ sức mạnh để tiếp tục thể hiện vai trò tích cực của mình trong các sự vụ quốc tế. Ngược lại, Trung Quốc cũng cần gánh vác trách nhiệm mới của mình.
Xem thêm Video: Thủ tướng Lý Khắc Cường trong chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Anh
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA