Mặc dù khá lạnh nhạt và nhiều lần tỏ thái độ không hài lòng với Triều Tiên kể từ khi ông Kim Jong Un lên nắm quyền, song Triều Tiên vẫn là một đòn bẩy chiến lược trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh tại khu vực Đông Á và là một trong những đồng minh không thể từ bỏ của Trung Quốc.
Về phần mình, Trung Quốc được cho là vẫn viện trợ một lượng lớn lương thực, dầu mỏ, than đá mỗi năm cho Triều Tiên và mang lại nhiều nguồn thu ngoại tệ cho nước này. Nhiều lao động Triều Tiên đã tới Trung Quốc làm việc, trong khi đó, Triều Tiên cũng đón số lượng lớn nhất du khách Trung Quốc tới quốc gia này.
Mối quan hệ đồng minh tương hỗ giữa Triều Tiên và Trung Quốc được cho là có công đóng góp khá lớn của người chú quyền lực vừa bị phế truất của Kim Jong Un – ông Jang Song Thaek. Vì vậy, Trung Quốc có lí do để lo lắng khi Triều Tiên bãi miễn toàn bộ chức vụ của ông Jang.
Cầu nối quan trọng Trung – Triều bị “đứt”
Là người quản lý các hoạt động kinh tế, thương mại với nước ngoài, ông Jang Song Thaek được cho là một trong số ít quan chức cấp cao Triều Tiên có mối quan hệ khá thân thiết và có thể đối thoại với các nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Trong khi Kim Jong Un được cho là đã bị Chủ tịch Tập Cận Bình từ chối gặp mặt, thì ông Jang đã nhiều lần tới thăm Trung Quốc và có các cuộc hội kiến với những nhà lãnh đạo cấp cao nước này. Tháng 6 năm ngoái, trong chuyến thăm 6 ngày tới Trung Quốc, ông Jang đã có cuộc gặp gỡ và bàn bạc với ông Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo về việc hợp tác kinh tế và mô hình đặc khu kinh tế của Bắc Kinh. Kết quả đạt được sau chuyến thăm này là Triều Tiên thông báo kế hoạch thành lập 14 đặc khu kinh tế mới.
Ông Jang Song Thaek trong cuộc gặp gỡ với cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào.
Giáo sư chuyên về Quan hệ Quốc tế Chu Phong thuộc Đại học Bắc Kinh nhận định: "Jang Song Thaek là nhân vật mang tính biểu tượng ở Triều Tiên, đặc biệt là với các cải cách kinh tế lớn và đổi mới... Ông ấy là người mà Trung Quốc trông mong để thay đổi nền kinh tế ở Triều Tiên".
Chuyên gia Jang Song-seok tại viện Hòa bình và Thống nhất Hàn Quốc cho rằng cũng chính Jang Song Thaek là người mà Bắc Kinh đã tiếp cận để "cố gắng ngăn chặn Bình Nhưỡng" tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 3 hồi đầu năm 2013 , trước khi nước này tuyên bố tuân thủ việc thực hiện các biện pháp trừng phạt mà Liên Hợp Quốc đưa ra với Triều Tiên.
Theo nhiều chuyên gia về Triều Tiên, ông Jang là một nhân vật có tiếng tăm, đáng tin cậy mà Trung Quốc hướng tới nhằm thông qua đó, giám sát và tác động tới các bước đi của nhà lãnh đạo cũng như nội bộ Triều Tiên. Có thể nói, mất ông Jang, Trung Quốc đã mất đi một "tay mắt" của mình tại quốc gia đầy bí ẩn này.
Ảnh hưởng của Trung Quốc tại Triều Tiên sẽ mất dần?
Tờ New York Times dẫn lời giáo sư Châu Phong, chuyên gia nghiên cứu Triều Tiên thuộc đại học Bắc Kinh cho rằng, việc thanh trừng Jang Song Thaek, người có nhiều vai trò quan trọng trong mối quan hệ Trung – Triều, ra khỏi nội bộ Triều Tiên rõ ràng là một "dấu hiệu chẳng lành" đối với Trung Quốc.
Vụ lật đổ ông Jang Song Thaek được đánh giá là biến động về chính trị lớn nhất tại Triều Tiên trong suốt 2 năm qua, nhằm cải tổ nhân sự, thay thế bằng những người trẻ tuổi, thân cận hơn với Kim Jong Un, củng cố thêm quyền lực tối cao cho nhà lãnh đạo trẻ, song đồng thời cũng có thể gây ra những bất ổn trong nội bộ quốc gia nhiều bí ẩn này.
Trong thời điểm mà mối quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ và nhiều quốc gia ở khu vực - đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc - đang ngày càng căng thẳng, thì những quyết định "táo bạo" của Kim Jong Un khi ông này ngày càng nắm nhiều quyền lực, cùng với sự xáo trộn lớn trong nội bộ Triều Tiên có thể làm thay đổi trạng thái cân bằng về chính trị ở châu Á và buộc Trung Quốc phải lưu tâm.
Ông Jang Song Thaek bị giải đi ngay trong cuộc họp của Bộ Chính trị.
Thêm vào đó, theo nhiều chuyên gia, đây có thể là động thái cho thấy Triều Tiên đang tích cực dứt khỏi sự ảnh hưởng của Trung Quốc. Tờ Korea Times dẫn lời Giáo sư Jang Yong-seok nhận định, "vụ lật đổ Jang Song Thaek có thể được xem như hành vi thẳng thừng ngăn chặn ảnh hưởng và can thiệp của Trung Quốc vào Bắc Triều Tiên".
Để làm rõ hơn cho quan điểm này, Giáo sư Son Tae-gyu từ Đại học Dankook cho rằng, "với việc lật đổ Jang Song Thaek, người nỗ lực xây dựng và duy trì các mối quan hệ thân thiết với Bắc Kinh trong thời gian dài, dường như Kim Jong Un nhấn mạnh rằng chế độ của ông có đủ khả năng đạt được mục tiêu mà không cần sự giúp đỡ của Trung Quốc".
Thậm chí, tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng còn cho rằng, có vẻ như Kim Jong Un còn cố tình nhằm vào Trung Quốc, nhà nhập khẩu quặng lớn nhất của Triều Tiên, khi luận tội ông Jang Song Thaek "bán tài nguyên quốc gia với giá rẻ".
Rõ ràng là cuộc thanh trừng ông Jang Song Thaek cũng đang nằm trong mối lưu tâm của Trung Quốc. Ngay trong cuộc họp báo, ông Hồng Lỗi cũng không quên bày tỏ hy vọng rằng quan hệ hữu nghị giữa Bắc Kinh với Bình Nhưỡng sẽ vẫn tiếp tục phát triển và không bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi này, đồng thời khẳng định, "Trung Quốc cam kết tiếp tục duy trì quan hệ hữu nghị truyền thống với Triều Tiên".
Những ngày này, truyền thông Trung Quốc vẫn đang theo dõi sát sao tình hình ở Triều Tiên và đã bày tỏ sự lo lắng với sự biến động trong nội bộ nước này. Tờ Thời báo Hoàn Cầu mới đây đã đăng tải bài viết với tiêu đề "Sự ổn định của Triều Tiên phù hợp với lợi ích của Trung Quốc", trong đó gợi ý chính phủ Trung Quốc “nên mời Kim Jong Un sang thăm sớm nhất có thể, vì điều này có lợi cho sự ổn định của Triều Tiên và mối quan hệ hữu hảo giữa hai nước".