Thanh trừng chú, Kim Jong Un có đạt được tham vọng quyền lực?

Trung Phạm |

(Soha.vn) - Sau khi được cho là đã nắm giữ vị trí chỉ huy tối cao quân đội, Kim Jong Un đang tích cực thực hiện những bước đi nhằm kiểm soát cả giới tinh hoa chính trị trong nước.

Kỷ nguyên Kim Jong Un

Xét về chính trị nội bộ, việc thanh trừng người chú quyền lực Jang Song Thaek có thể là dấu hiệu báo trước một kỷ nguyên thuộc toàn quyền kiểm soát của Kim Jong Un mà không cần bất kỳ sự bảo trợ nào.

Ông Jang Song Thaek từng được cho là người đỡ đầu, dẫn đường và cố vấn chủ đạo của Kim Jong Un sau khi nhà lãnh đạo trẻ này lên nắm quyền năm 2011. Rõ ràng, Jang Song Thaek đã đóng vai trò quan trọng trong các vấn đề chính trị của Triều Tiên.

Được đánh giá là nhà tổ chức hiệu quả, có kinh nghiệm, thực tiễn, có quan hệ với gia tộc họ Kim và nhất là có mối liên hệ chặt chẽ với Trung Quốc, vì vậy, mặc dù từng bị giáng chức vài lần dưới triều đại Kim Jong Il nhưng ông Jang vẫn được chọn làm người điều hành chính trong tiến trình kế nhiệm của Kim Jong Un.

Trên cương vị này, ông Jang đã hoàn tất trách nhiệm của mình một cách suôn sẻ

Tuy nhiên, cố chủ tịch Kim Jong Il không chắc chắn về những tham vọng tương lai của Jang. Vì vậy, dù ông Jang được chỉ định là người chăm lo cho Kim Jong Un nhưng đã có hơn 200 người ủng hộ ông đã bị thanh trừng khỏi các vị trí trong đảng Lao Động trước khi Jang được cất nhắc. Vợ ông, bà Kim Kyung Hui, cũng được “quy hoạch” để kiểm soát bất kỳ động thái bất trung nào của chồng.


	Khi còn tại vị, ông Jang Song Thaek thường xuyên xuất hiện bên cạnh Kim Jong Un

Khi còn tại vị, ông Jang Song Thaek thường xuyên xuất hiện bên cạnh Kim Jong Un

Các nhà phân tích đã đưa ra hai luồng quan điểm giải thích cho việc nhân vật quyền lực số hai Triều Tiên bị thanh trừng.

Thứ nhất, động thái này cho thấy Kim Jong Un muốn giành toàn quyền kiểm soát Triều Tiên và nhà lãnh đạo này tự tin có thể cai quản đất nước mà không cần có ông Jang. Thứ hai, nếu bản thân Kim Jong Un không tự mình đưa ra quyết định thì có thể có một cuộc đấu đá tranh giành quyền lực đầy nguy hiểm xảy ra tại Triều Tiên.

Trước đây, quân đội từng được cho là không phải là lực lượng chèo lái ở Triều Tiên dưới thời nhà lãnh đạo mới. Kim Jong Un đã loại bỏ tướng Ri Yong Ho và đưa ra một vài kế hoạch cải cách kinh tế mà không cần đến sự ủng hộ của quân đội. Khi đó, người ta cho rằng nhà lãnh đạo mới đã toàn quyền kiểm soát quân đội. Tới nay, sau cuộc thanh trừng Jang Song Thaek, người được cho thuộc nhóm ủng hộ phe dân sự, đã chứng tỏ, hoặc quân đội đang cố gắng tái khẳng định vai trò của mình, hoặc Kim Jong Un đã giành toàn quyền kiểm soát ngay cả giới tinh hoa chính trị trong nước.

Do đó, không có câu trả lời rõ ràng liệu cuộc thanh trừng có đồng nghĩa với việc Triều Tiên sẽ cởi mở hơn về cải cách kinh tế hay đang xa rời chủ trương này. Ông Jang là nhân vật gắn kết với các đặt khu kinh tế (SEZ) thiết lập cùng với Trung Quốc và rất khó trả lời việc thành lập 14 đặc khu kinh tế mới được Triều Tiên công bố gần đây liệu có bị trì hoãn, dừng hẳn hay tổ chức lại theo những quy tắc và điều kiện khác nhau hay không.

Thông điệp mạnh mẽ với Trung Quốc

Có những suy đoán cho rằng bằng cách xử tử ông Jang Song Thaek, người có quan hệ gần gũi với các nhà lãnh đạo Bắc Kinh, Kim Jong Un muốn gửi một thông điệp mạnh mẽ cho Trung Quốc.

Trung Quốc là cửa sổ quan trọng nhất để Bình Nhưỡng tiếp cận với thế giới bên ngoài. Sẽ không dễ dàng cho Triều Tiên hành động mà không có sự giúp đỡ hay nhượng bộ chính thức hoặc không chính thức từ Trung Quốc.


	Phó Chủ tịch Trung Quốc Lý Nguyên Triều và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Bình Nhưỡng.

Phó Chủ tịch Trung Quốc Lý Nguyên Triều và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, rõ ràng đã có một số rạn nứt trong quan hệ giữa Triều Tiên với Trung Quốc, đặc biệt là sau vụ thử hạt nhân hồi tháng 2/2013. Trung Quốc được xem là đã hợp tác với cộng đồng quốc tế áp đặt các lệnh trừng phạt lên Triều Tiên và buộc Bình Nhưỡng phải tham gia vào các cuộc đàm phán với Hàn Quốc vào tháng 6/2013.

Trung Quốc cũng đã gây khó chịu cho Triều Tiên khi khởi động lại cuộc đàm phán sáu bên dù Bình Nhưỡng tỏ ra chưa sẵn sàng. Kim Jong Un chưa từng sang thăm Trung Quốc kể từ sau khi lên nắm quyền, điều đó cho thấy giữa Triều Tiên và Trung Quốc tồn tại một số khoảng cách nhất định dưới thời đại của nhà lãnh đạo trẻ.

Bằng việc xử tử một mối liên hệ được xem là quan trọng nhất đối với Trung Quốc, Giáo sư Son Tae-gyu từ Đại học Dankook nhận định rằng, Kim Jong Un có thể đang muốn truyền đạt cho Trung Quốc thấy rằng Triều Tiên có đủ khả năng tiếp bước mà không cần Trung Quốc. Nếu thật là vậy, rất có thể sẽ có một biến động lớn xảy ra tại Triều Tiên và trong khu vực.

Tuy nhiên, nếu cuộc thanh trừng chỉ do các yếu tố trong nước, Triều Tiên có thể sẽ tìm kiếm sợi dây liên kết khác với Trung Quốc và cố gắng thay thế vai trò của Jang trong quan hệ Trung - Triều.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại