Tờ The Epoch Times nhận định, ở Trung Quốc, đôi khi sẽ là rất khó để có thể biết được những gì được đăng tải trên trên các phương tiện truyền thông là thật hay giả.
Dưới đây là 6 tin tức thuộc dạng "thịt lừa" của truyền thông Trung Quốc đã bị lật tẩy.
"Thẩm Quyến đệ nhất mỹ nữ"
Ngày 26/3/2013, hình ảnh một cô gái trẻ tên là Wenfang bón thức ăn một người đàn ông vô gia cư trên đường phố đã tràn ngập trên nhiều phương tiện truyền thông Trung Quốc. Hàng trăm lời có cánh được dành tặng cho nữ sinh này, báo chí gọi cô là "Thẩm Quyến đệ nhất mỹ nữ".
Sẽ không có gì đáng bàn nếu như sau đó một nhân chứng cho biết "nghĩa cử cao đẹp" chỉ là một hành vi nhằm thu hút sự chú ý của truyền thông. Wenfang - tên của cô gái, sau khi tạo dáng chụp ảnh bên người ăn xin đã ngay lập tức bỏ đi cùng bạn trai mà không hề đoái hoài gì đến ông.
"Triệu phú" hồi hương
Trong một bản tin ngày 27/3/2013, tờ Dajiang News đưa tin về trường hợp người đàn ông tên là Zhu Jing, gốc Ôn Châu, Trung Quốc, đột nhiên trở về quê nhà sau 9 năm đi biệt xứ.
Theo lời kể của người anh trai khi trả lời phỏng vấn, Zhu Jing đã phất lên nhờ các dự án bất động sản, sau đó ông được hưởng khoản tiền đền bù lên đến 7 triệu nhân dân tệ (23 tỷ đồng). Ngay khi đó Zhu Jing được xem như một doanh nhân thành đạt.
Tuy nhiên, sự thật chỉ vỡ lỡ khi một phóng viên của một tờ Modern Gold News nghi ngờ tính chân thực của câu chuyện nên đã điều tra xác minh lại quá khứ của vị "triệu phú hồi hương" này.
Chân dung "triệu phú" Zhu Jing
Sự thật thì Zhu Jing chỉ là một người "vô sản" bị mất liên lạc với gia đình mình. Sau khi rời quê nhà với mục đích đổi đời vào năm 2004, người đàn ông này liên tục gặp thất bại trong việc làm ăn và dần lâm vào cảnh khốn khó. Ông được gửi về quê nhà từ một cơ sở y tế tại Giang Tây khi bệnh lao đã rất nặng.
Nhà hảo tâm tài trợ 5 tấn pháo hoa
Trong suốt dịp Tết âm lịch năm 2013, đoạn video về một người nước ngoài tài trợ 1 triệu nhân dân tệ cho buổi trình diễn pháo hoa với số lượng pháo được sử dụng lên đến 5 tấn đã lan tràn trên khắp mạng internet Trung Quốc.
Nhưng dường như nhà hảo tâm kia chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng bởi ngay sau đó người ta phát hiện hình ảnh trong video được lấy từ một buổi trình diễn của một công ty sản xuất pháo hoa Đan Mạch, được tổ chức tại tỉnh Lưu Dương hồi hè năm ngoái.
"Tin lá cải tuyệt vời nhất"
Ngày 19/2, truyền hình quốc gia Trung Quốc CCTV đã đăng tải tin tức về sự thay đổi lớn trong hoạt động chi trả chi phí y tế của nước này.
CCTV dẫn nguồn Bộ Y Tế nước này cho biết, hình thức "thanh toán sau khi được điều trị" sẽ được áp dụng rộng rãi trên khắp cả nước. Điều này thật sự là một tin vui với người dân, bởi thay vì phải trả viện phí trước thì nay họ chỉ phải thanh toán với bệnh viện các khoản tiền phát sinh sau khi đã được điều trị, phần tiền còn lại sẽ được các công ty bảo hiểm chi trả.
Đáng tiếc thay, thông tin trên được đăng tải vào buổi sáng thì ngay sau đó, vào buổi chiều, Bộ Y Tế nước này đã lên tiếng bác bỏ. Tuy nhiên, chừng đó cũng đủ khiến tạo lên một làn sóng trong dư luận Trung Quốc. Chuyên gia trong ngành cho rằng kế hoạch này là "con dao hai lưỡi", đồng thời yêu cầu các bệnh viên nước này phải nâng cao tiêu chuẩn trong việc chẩn đoán và điều trị. Còn cư dân mạng gián tiếp buộc các cơ sở khám chữa bệnh nước này phải nâng cao chất lượng. Còn cư dân mạng gọi vui đây là "Tin lá cải tuyệt vời nhất".
Bố chồng hẹn hò với con dâu
Ngày 22/10, tờ Tin tức buổi sáng Hắc Long Giang đã cho đăng tải một câu truyện dở khóc dở cười về hẹn hò trực tuyến. Theo tờ này, một người đàn ông 57 tuổi tên Wang, sau nhiều ngày trò chuyện tâm đầu ý hợp với bạn chat trên mạng với nickname"Lonely Flower" đã hẹn gặp cô ở khách sạn. Nhưng khi đến nơi, người đàn ông này mới "ngã ngửa" khi phát hiện ra người bạn gái trên mạng mà ông hằng say mê chính là con dâu của mình
Ngay sau đó, tờ tin trên đã phải rút lại những gì vừa đăng tải và công khai xin lỗi người đàn ông 57 tuổi cùng toàn bộ độc giả. Tờ báo phân trần rằng sau khi xác minh lại kỹ càng thì nội dung của câu chuyện là không đúng với sự thật. Cảnh sát địa phương cũng xác nhận tất cả được dựng lên bởi một phóng viên truyền hình tên Wei Hongji với mục đích thu hút khán giả.
"Bức ảnh chứa chan tình người"
Bức ảnh khiến người dân Trung Quốc ca ngợi thực chất chỉ là trò "lừa đảo"
Ngày 1/8, trang XKB.com đã đăng tải một bài viết về hình ảnh một bé gái đang che ô cho một người lao công quét đường đang bị say nắng. Bài viết có tiêu đề “Cám ơn cháu!” và đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực của dư luận.
Theo như bài báo, người phụ nữ trên bị ngất tại đường Đông Huangcun khi đang làm việc gần bến xe bus Dongpu ở quận Thiên Hà. Trong khi những người qua đường đều vô cùng thờ ơ thì một bé gái đã lấy ô che nắng cho người phụ nữ này và nói với mẹ: "Mẹ ơi, hãy cứu cô ấy !". Sau hành động đó của cô bé, đã có 2 người dừng lại và đỡ người lao công dậy.
Tuy nhiên, tấm hình và những dòng chữ ca ngợi hành động đầy nhân văn của cô bé kia đã không phản ánh đúng sự việc. "Bức ảnh chứa chan tình người" chỉ là một sản phẩm có dàn dựng của trang web này.
Theo lời cô Tang, nhân vật chính của tấm hình: "Nhóm người trên đã nói với tôi đó chỉ là một đoạn quảng cáo cho sản phẩm ô che nắng. Nếu biết nó được đăng tải nhằm lừa bịp mọi người thì tôi đã không bao giờ đồng ý".
Cũng theo lời người phụ nữ này, 'mẹ' của đứa bé là một trong 4 người yêu cầu cô tham gia vào việc chụp hình mà sau đó được đăng báo. Nhóm người này đã mất tới 1 tiếng rưỡi thực hiện tấm ảnh, trong đó Tang phải nằm đi nằm lại trên mặt đất nhiều lần cho tới khi đạt được góc máy hoàn hảo, 'đứa trẻ tốt bụng' sau đó cũng được trả 150 nhân dân tệ tiền công. "Tôi có cảm giác như mình đã bị lợi dụng", Tang nói với phóng viên.