Tại một trường công ở ngoại ô Bangkok - Thái Lan, các giáo viên luôn sử dụng roi tre để xử phạt học sinh vi phạm kỷ luật. Học sinh ở đây thường xuyên bị kiểm tra móng tay cũng như đồng phục.
Kỷ luật sắt
Đến ngôi trường này vào lúc diễn ra nghi lễ buổi sáng, người ta sẽ chứng kiến một rừng học sinh mặc đồng phục với mái tóc đen cắt ngắn cùng hát vang quốc ca, đọc thuộc lòng kinh Phật và hô vang lời hứa hy sinh mạng sống vì đất nước, kính yêu quốc vương cũng như không gây ra bất kỳ rắc rối nào.
Đó không phải là ngôi trường duy nhất ở Thái Lan áp dụng kỷ luật như quân đội. Nhiều nhà giáo dục Thái Lan nhất trí kỷ luật sắt cần được duy trì để đối phó với các vấn nạn đang làm hại giới trẻ nước này như ma túy, mang thai tuổi vị thành niên và băng nhóm tội phạm.
Ông Arun Wanpen, Phó Hiệu trưởng Trường Nawaminthrachinuthit Triam Udomsuksa Pattanakarn, cứng rắn kết luận: “Quân đội cần súng, còn giáo viên cần gậy. Đôi khi phải đánh học sinh chút ít, nhưng chỉ vào mông thôi”.
Thế nhưng, một số học sinh Thái Lan bắt đầu thách thức hệ thống giáo dục đang thúc ép sự phục tùng mù quáng. Cuối năm ngoái, học sinh Nethiwit Chotpatpaisan khởi xướng cuộc vận động trên Facebook kêu gọi hủy bỏ nền giáo dục máy móc trên và được nhiều người hưởng ứng.
Em nhận xét: “Trường học giống như nhà máy sản xuất những con người giống hệt nhau”. Đồng thời, Frank mô tả các giáo viên là “những nhà độc tài” luôn ra lệnh học sinh phải cúi đầu và cấm cãi lại.
Thông điệp của Frank đã đạt được thành công bước đầu. Trả lời phỏng vấn gần đây, Bộ trưởng Giáo dục Thái Lan Phongthep Thepkanjana cam đoan không bắt buộc học sinh phải cắt tóc ngắn như nhau nữa. Ông cũng đề xuất nhiều cải tiến để giảm bớt tình trạng học vẹt và cổ vũ học sinh tư duy. “Chúng tôi không muốn học sinh sao chép kiến thức vào trong não. Chúng tôi muốn các em trở thành những cá nhân biết phải trái” - ông nhấn mạnh.
Học như vẹt
Học nhiều hơn và gian khổ hơn từ lâu được xem là một trong những “bí quyết” làm làm nên điều thần kỳ về kinh tế ở Đông Á và Thái Lan đang tìm cách bắt chước.
Theo báo The New York Times (Mỹ), chương trình học ở Thái Lan hiện nay gồm những môn học phải ghi nhớ, không cho học sinh có thời gian tự suy nghĩ. Ông Sompong Jitradub, giới chức thuộc Ủy ban Sửa đổi chương trình học, khẳng định: “Trẻ học càng nhiều sẽ càng mụ người đi mà thôi. Tất cả những gì các em làm chỉ là ghi nhớ. Chẳng bao giờ có tư duy và trao đổi ý kiến”.
Bộ trưởng Phongthep đã đề nghị giảm bài tập về nhà và giảm giờ học trên lớp. Ông cũng đề xuất chương trình học tập trung vào những yếu tố cần thiết của ngôn ngữ, toán và khoa học. Theo ông, trong thời đại Internet với Google, Wikipedia... thì chẳng cần phải ghi nhớ tất cả, như tên và chiều dài các con sông ở châu Phi mà ông phải “học gạo” khi còn nhỏ.
Nhiều học sinh tỏ ra tán đồng. Em Jirapat Horesaengchai, 16 tuổi, thừa nhận: “Học sinh không tự mở mang kiến thức mà chỉ chờ đợi người khác nhồi nhét vào đầu mình”.