Tên sát nhân bí ẩn nhất 3 thế kỷ Jack 'kẻ phanh thây' đã lộ mặt?

Hôm 8/9, thám tử Anh Russell Edwards gây chấn động khi khẳng định xét nghiệm DNA đã tìm ra Jack the Ripper (Jack kẻ phanh thây), kẻ giết người hàng loạt bí ẩn tại nước này.

Jack kẻ phanh thây là biệt danh của tên tội phạm bí ẩn đã sát hại 5 cô gái điếm ở khu Whitechapel tại London năm 1888 một cách man rợ và có thể đã giết 11 người khác đến năm 1891. Hung thủ đã gửi thư khiêu khích cảnh sát London. 

Truyền thông Anh đăng tải dồn dập mọi thông tin về vụ án Jack kẻ phanh thây khi đó, khiến nó trở thành  một đề tài gây sốt khắp thế giới.

Trong suốt 126 năm qua, tội ác ở khu Whitechapel vẫn là một bí ẩn lớn đối với giới điều tra Anh. Đã có hơn 100 giả thuyết về nhận dạng của Jack kẻ phanh thây được đưa ra.

Nhân vật này cũng đã trở thành đề tài của hàng loạt tiểu thuyết, tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình, truyện tranh, thơ, nhạc… Năm 2006, tạp chí BBC History bình chọn Jack kẻ phanh thây là “người Anh tồi tệ nhất trong lịch sử”.

Poster của một cuộc triển lãm về tên tội phạm khét tiếng Jack the Ripper.

Poster của một cuộc triển lãm về tên tội phạm khét tiếng Jack the Ripper.

Chính vì thế, thông tin xác định danh tính Jack kẻ phanh thây lập tức khiến báo giới và dư luận xôn xao. Theo AFP, thám tử Edwards khẳng định xét nghiệm DNA từ một chiếc khăn choàng tại hiện trường vụ sát hại Catherine Eddowes, nạn nhân thứ tư, ngày 30-9-1888, đã vạch mặt hung thủ.

Đó là Aaron Kosminski, một người Do Thái nhập cư từ Ba Lan, làm nghề thợ cắt tóc tại London khi đó, cũng bị cảnh sát liệt vào danh sách nghi can, từng bị bắt giữ để điều tra nhưng lại được thả vì không có chứng cứ. 

Trong vụ án Catherine Eddowes, viên sĩ quan cảnh sát Amos Simpson đã lấy chiếc khăn choàng vấy máu về cho vợ, một thợ may. Nhưng vợ ông do sợ hãi đã không dám sử dụng chiếc khăn này.

Hậu duệ của sĩ quan Simpson cất giữ cẩn thận chiếc khăn cho tới ngày nay. Vài năm trước nó được trưng bày tại viện bảo tàng tội phạm của Sở Cảnh sát London (Scotland Yard).

Thám tử Edwards đã nhờ chuyên gia phân tử Jari Louhelainen của ĐH Liverpool John Moores lấy DNA từ chiếc khăn choàng.

Ông Louhelainen so sánh DNA trên khăn với bà Karen Miller, hậu duệ trực tiếp của nạn nhân Catherine Eddowes, qua đó xác định DNA trên khăn chính là của bà Eddowes. Một chuyên gia khác là bác sĩ David Miller thuộc ĐH Leeds tìm thấy các tế bào DNA khác từ một vết tinh trùng trên chiếc khăn.

Hình vẽ chân dung nghi can Aaron Kosminski, người có thể là hung thủ sát nhân hàng loạt Jack kẻ phanh thây khét tiếng - Ảnh: Wikipedia
Hình vẽ chân dung nghi can Aaron Kosminski, người có thể là hung thủ sát nhân hàng loạt Jack kẻ phanh thây khét tiếng - Ảnh: Wikipedia

Với sự giúp đỡ của các chuyên gia phả hệ học, thám tử Edwards tìm thấy một hậu duệ của Aaron Kosminski, một trong số các nghi can từng bị cảnh sát London điều tra khi đó. Người hậu duệ này đồng ý cung cấp DNA.

Chuyên gia Louhelainen so sánh và phát hiện DNA lạ trên chiếc khăn trùng khớp với DNA từ người hậu duệ của Aaron Kosminski. Điều đó có nghĩa là Aaron Kosminski đã có mặt ở hiện trường vụ án. Nạn nhân Catherine Eddowes, 46 tuổi, bị cắt cổ và bị phanh thây, mặt cũng bị cắt nát.

Nghi can Aaron Kosminski sinh tại miền trung Ba Lan ngày 11-9-1865. Gia đình ông ta di cư đến đông London vào đầu thập niên 1880. Kosminski sống rất gần khu vực xảy ra các vụ án mạng rùng rợn.

Cảnh sát từng bắt giữ Kosminski sau khi có nhân chứng khẳng định đã thấy ông ta đi cùng một nạn nhân, tuy nhiên sau đó được thả.

Vài năm sau đó Kosminski bị đưa vào một nhà thương điên và qua đời năm 1919. Theo AFP, một số chuyên gia pháp y kêu gọi giới chuyên môn thẩm tra kỹ càng phát hiện của thám tử Edwards để giải mã hoàn toàn vụ án bí ẩn kéo dài hơn 100 năm qua này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại