Hôm 18/7 vừa qua, trên mạng xã hội Facebook, lãnh đạo lực lượng Cực hữu (Right Sector) Dmitry Yarosh đã khẳng định "không ai có thể tước đi quyền được bảo vệ Đất mẹ Ukraine của [Cực hữu]", đồng thời gọi chính phủ Kiev là "lũ phản bội".
Yarosh kêu gọi Vệ binh Quốc gia Ukraine, Quân đội chính phủ Ukraine, cũng như các lực lượng an ninh khác dừng không nghe theo mệnh lệnh của chính phủ.
"Hãy chặn những kẻ phản bội quyền cao chức trọng lại, tất cả những gì chúng muốn là làm bất ổn tình hình và không công nhận các phong trào tự nguyện.
Trong khi chúng ta đang đổ máu để bảo vệ Đất mẹ, những kẻ có quyền chỉ biết trục lợi cho mình và làm mọi thứ để cuộc chiến này tiếp tục kéo dài" - Yarosh phát biểu.
Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh tình hình miền Tây Ukraine, đặc biệt là tại thành phố Mukacheve, nằm sát biên giới Hungary và Slovakia, nơi quân đội chính phủ Kiev và một bộ phận có vũ trang của Cực hữu đang giao tranh.
Theo RT, nhóm này kiên quyết không buông súng nếu không có chỉ đạo trực tiếp từ lãnh đạo Cực hữu. Đàm phán giữa đôi bên đã được tiến hành nhưng chưa đem lại kết quả. Hiện dân thường tại khu vực này đã được sơ tán tới nơi an toàn.
Hôm 17/7 vừa qua, lực lượng Cực hữu đã thiết lập 3 chốt kiểm soát nhằm ngăn chặn tiếp tế đến được với Mukacheve. 2 trong số này nằm trên biên giới với Ba Lan, chốt còn lại nằm trên biên giới với Belarus.
Chốt kiểm soát của Cực hữu bên ngoài Mukacheve. Ảnh: RT
Trước đó, Tổng thống Ukraine Petro hôm 13/7 đã lệnh cho lực lượng an ninh nước này lập tức giải giới các lực lượng vũ trang bất hợp pháp. Tuy nhiên, Cực hữu lập tức phản pháo với tuyên bố rằng lệnh này không thể được áp dụng với một lực lượng tình nguyện như họ.
"Tuyên bố của ông Poroshenko nhắm tới các nhóm vũ trang phi pháp. Nhưng chúng tôi không phải một nhóm vũ trang phi pháp, chúng tôi là một lực lượng tình nguyện, với nhiệm vụ bảo vệ độc lập và toàn vẹn lãnh thổ Ukraine.
Do đó, lệnh của Tổng thống không thể được áp dụng với chúng tôi" - phát ngôn viên Cực hữu Artem Skoropadsky tuyên bố.
Giao tranh khơi nguồn từ hôm 11/7, được cho là xuất phát từ cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng giữa các thành viên Cực hữu với đại biểu Quốc hội Mikhail Lanyo, ông trùm kinh doanh tỉnh Zakarpatye.
Một cuộc đọ súng đã nổ ra giữa cảnh sát và các thành viên Cực hữu, với thương vong lên đến hàng chục. Đôi bên tiếp tục giao tranh từ đó đến nay.
Lực lượng Cực hữu cũng đã đề ra 5 yêu sách chính phủ phải thực hiện nếu không muốn bạo lực tại Mukacheve leo thang, trong đó có việc bắt Bộ trưởng Nội vụ Arsen Avakov từ chức và tiến hành điều tra "băng đảng" của ông Lanyo.
Nhóm này thậm chí còn kêu gọi dân chúng ra đường biểu tình, đồng thời tuyên bố "Chừng nào những kẻ tài phiệt còn nắm quyền kiểm soát Ukraine - Maidan 3.0 sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian".