Tờ Businessweek dẫn phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong buổi lễ kỷ niệm 60 năm của hiệp hội Hữu nghị nhân dân Trung Quốc ngày 15/5: "Không có gene xâm lược trong máu của người Trung Quốc".
Tờ này đã chỉ ra sự mâu thuẫn trong quan điểm của Trung Quốc khi nói rằng, tại Washington, trong khi Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc Phòng Phong Huy đã tuyên bố chủ quyền sai trái trên biển Đông và trắng trợn khẳng định rằng "chúng tôi sẽ không để mất một tấc đất nào", thì tại Bắc Kinh ông Tập lại nói về hoà bình và hoà hợp: "Trung Quốc chắc chắn sẽ kiên định theo con đường phát triển hoà bình và muốn thúc đẩy hoà bình thế giới với các nước khác... Nhân dân tất cả các nước nên tăng cường giao lưu hữu nghị và chung tay đối mặt với tình hình quốc tế phức tạp".
Những phát biểu về hoà bình này của ông Tập được đưa trong thời điểm tướng lĩnh và quan chức ngoại giao Trung Quốc liên tục có nhiều phát ngôn ngang ngược về giàn khoan Hải Dương 981 được hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Các tàu của Trung Quốc cũng nhiều lần dùng tấn công các tàu Việt Nam ngăn chặn hành động sai trái của Trung Quốc tại khu vực gần giàn khoan này.
Nhiều chính trị gia trên thế giới đã lên tiếng tố cáo Trung Quốc hung hăng và khiêu khích khi hạ đặt giàn khoan trong vùng biển của Việt Nam.
Trong cuộc gặp gỡ với Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc Phòng Phong Huy, phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thẳng thừng chỉ trích việc Trung Quốc triển khai trái phép giàn khoan Hải Dương 981 là "nguy hiểm và khiêu khích", đồng thời yêu cầu Trung Quốc phải dừng ngay hành động của mình.
Quốc vụ khanh của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland Hugo Swire ra tuyên bố nói rằng việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan ở vùng biển của Việt Nam đã khiến “căng thẳng gia tăng”.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng đã chính thức lên tiếng về giàn khoan trái phép của Trung Quốc: "Chúng tôi đặc biệt quan ngại. Toàn bộ các nước tham gia các hoạt động hàng hải và giao thông tại Biển Đông và biển Hoa Đông đều quan ngại sâu sắc về hành vi gây hấn của Trung Quốc. Mỹ muốn thấy một Bộ quy tắc ứng xử được xây dựng, muốn thấy vụ việc trên được giải quyết một cách hòa bình thông qua Luật biển, thông qua trọng tài, thông qua bất cứ phương thức nào nhưng không phải bằng đối đầu trực tiếp và hành động gây hấn”.
Trong khi đó, Nhà Trắng cũng nhiều lần bày tỏ sự quan ngại về những hành động hung hăng của Trung Quốc trong các buổi họp báo thường kỳ của mình.
Xem thêm Video: Mỹ quan ngại hành động hiếu chiến của Trung Quốc