Bài phân tích ngày 8/8 của Tân Đường Nhân (Mĩ) đánh giá Hội nghị Bắc Đới Hà năm nay sẽ "vô cùng nguy hiểm" đối với Tập Cận Bình và giới lãnh đạo đương nhiệm.
Tân Đường Nhân ví von hội nghị Bắc Đới Hà sẽ giống như một "cây cầu gãy" thách thức Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc hiện tại. Tập Cận Bình từng phát biểu "chống tham nhũng không màng sống chết". Giờ đây, giới quan sát đánh giá ông này đang phải đối mặt với một thử thách sinh tử.
Hội nghị Bắc Đới Hà 2014 "vô cùng nguy hiểm"
Bài phân tích của BBC hôm 5/8 từng chỉ ra, "hổ lớn" nhiều khả năng sẽ liên kết nhằm "cắn ngược" chính quyền Bắc Kinh. Theo BBC, hành động "đả hổ" ngày càng trở nên quyết liệt, các phần tử tham nhũng cũng sẽ không "nằm im chờ chết".
Giới quan sát nhận định, kể từ sau khi Bắc Kinh thanh trừng hai "hổ béo" là cựu Bí thư Ủy ban Kiểm tra kỷ luật (CCDI) Chu Vĩnh Khang và cựu Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu thì nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) đã "chấn động", các nhóm lợi ích tham nhũng có sự phản ứng quyết liệt. Các chuyên gia phân tích cũng đánh giá tình hình nội bộ CPC là vô cùng phức tạp, có nhiều khả năng các phe đối lập sẽ mượn hội nghị Bắc Đới Hà để "cắn ngược" lại Tập Cận Bình.
Ngày 6/8, ngay trước thềm hội nghị Bắc Đới Hà, một số nguồn tin chưa được kiểm chứng tại nước ngoài, được cho là của nhóm "đứng sau Chu Vĩnh Khang" đưa tin, Phó chủ tịch thứ nhất Quân ủy Trung ương Phạm Trường Long, Tổng tham mưu trưởng Trung ương Phòng Phong Huy và Bộ trưởng quốc phòng Thường Vạn Toàn có âm mưu "đảo chính", chủ mưu là Phó chủ tịch thứ nhất Quân ủy Trung ương Quách Bá Hùng.
Cũng trong ngày 6/8 có tin rằng phe cựu chủ tịch Giang Trạch Dân bất ngờ đồng ý bổ nhiệm Thượng tướng Lưu Nguyên, con trai cố chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ, người được cho là "đứng về phía chủ tịch Tập", vào vị trí Chủ tịch Quân ủy Trung ương.
Các chuyên gia phân tích cho rằng, động thái của phe cựu chủ tịch Giang chỉ mang tính chất "cáo hỏi thăm gà". Hành động này thực chất là để "thêm dầu vào lửa" sau khi ông Lưu Nguyên vào Quân ủy Trung ương, nhằm kích động mâu thuẫn giữa Phó chủ tịch Quân ủy Phạm Trường Long và nguyên Tư lệnh không quân Hứa Kỳ Lương với Tập Cận Bình.
Tập Cận Bình đối mặt với "quyết đấu sinh tử"
Tập Cận Bình có lẽ cũng đã nhận thấy áp lực và nguy hiểm mà bản thân đang phải đối mặt. Trong một bài phát biểu của ông Tập được đăng trên Trường Bạch Sơn Nhật Báo, chủ tịch Trung Quốc đã nói rằng hành động chống tham nhũng đang ở "trạng thái bế tắc", và đánh giá phe tham nhũng cùng bên chống tham nhũng đang "dò xét" lẫn nhau.
Ngày 4/8, truyền thông đại lục rầm rộ đăng tin ông Tập Cận Bình phát biểu công khai: "đấu tranh với tham nhũng, sinh tử và danh dự cá nhân, đều không quan trọng". Phát biểu của ông Tập đã phần nào tiết lộ phán đoán của ông đối với cục diện hiện tại.
Tập Cận Bình phải vượt qua cạm bẫy của phe chống đối nếu muốn "ngồi vững" trên ghế Chủ tịch Trung Quốc.
Tác giả Chương Thiên Lương của Tân Đường Nhân nhận định, ông Tập không thể nhân nhượng trên "chiến trường" vào thời điểm này. Một khi ông Tập tỏ ra yếu thế trong vụ Chu Vĩnh Khang thì đó sẽ trở thành lợi thế của nhóm tham quan, còn bản thân Tập Cận Bình lại biến thành "hổ giấy". Phe đối lập chắc chắn sẽ liên kết nhằm khống chế ông Tập. Cho dù là đợi đến Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 để đẩy ông Tập "ngã ngựa", hoặc thông qua "đảo chính" lật đổ ông Tập, lúc này đều có thể trở thành sự lựa chọn.
Ông Chương cũng đánh giá, tình thế của Ủy viên Bộ chính trị Vương Kỳ Sơn còn "hiểm nghèo hơn so với ông Tập".
Tân Đường Nhân phân tích, hành động chống tham nhũng hiện đã trở thành con dao hai lưỡi đối với chủ tịch Tập Cận Bình. Nếu tiến lên đồng nghĩa ông Tập "tuyên chiến" với cả một thể chế khổng lồ được gây dựng, vận hành từ thời cựu chủ tịch Giang Trạch Dân. Tuy nhiên nếu ông Tập thoái lui thì sẽ rơi vào tình trạng "đánh hổ không chết", bị "hổ vồ ngược".