Theo chính sử Trung Quốc ghi nhận, xét theo phương diện mưu lược, thiện chiến trên sa trường, Trương Liêu chính là "đệ nhất nhân" trong lực lượng Tào Ngụy.
"Tam Quốc Chí" xếp Trương Liêu vào nhóm "ngũ tử lương tướng" của Ngụy, bên cạnh Nhạc Tiến, Vu Cấm, Trương Cáp và Từ Hoảng.
"Tào Ngụy nhiều danh tướng, song người đứng đầu không ai khác ngoài Trương Liêu".
Hậu duệ của "Hán gian"?
Trương Liêu là vị tướng thời Tam Quốc xứng với danh hiệu "bách chiến bách thắng".
Trương Liêu (169 - 222), tự Văn Viễn, người huyện Mã Ấp, Nhạn Môn (nay là Sóc Châu, Sơn Tây, Trung Quốc).
Theo "Tam Quốc Chí - Trương Liêu truyện", danh tướng Trương Liêu vốn là hậu duệ của Nhiếp Nhất - một đại gia đất Mã Ấp thời Hán Vũ Đế.
Sử chép rằng, năm đầu Nguyên Quang thời Tây Hán (134 TCN), thương nhân Nhiếp Nhất phụng mệnh Hán Vũ Đế tới gặp Thiền Vu (tộc trưởng) Hung Nô giả đầu hàng, trở thành gián điệp của Hán.
Nhiếp Nhất tự xưng với Hung Nô rằng bản thân có thể giết huyện lệnh Mã Ấp chiếm thành, giúp Hung Nô cướp bóc tài sản. Thiền Vu Hung Nô nghe theo.
Trở về Hán, Nhiếp Nhất dùng thủ cấp của một tội phạm giả làm đầu trưởng sứ Mã Ấp, dẫn dụ quân Hung Nô tiến vào trọng địa.
Hán Vũ Đế điều 5 tướng thống lĩnh 300.000 xa - kỵ - bộ binh mai phục tại Mã Ấp.
Vốn dĩ kế hoạch diễn ra thuận lợi, song Thiền Vu Hung Nô phát hiện trong thành không có bóng người, cho nên sinh lòng nghi ngờ.
Hung Nô tấn công một tiền đồn của Hán, bắt được tù binh, từ đó phát hiện có 300.000 quân phục kích. Quân Hung Nô sau đó rút chạy.
"Kế hoạch Mã Ấp" thất bại hoàn toàn, Nhiếp Nhất chẳng những không được công lao, mà còn trở thành đối tượng bị cả Hán, Hung nghi là "gián điệp của phe địch".
Để tránh tai họa, Nhiếp Nhất phải "thay danh đổi tính", từ đó mang họ Trương.
300 năm sau, danh tướng Tào Ngụy ra đời trong "Trương gia", chính là Trương Liêu.
Trương Liêu trung thành tuyệt đối với Lữ Bố, khiến Tào Tháo ngưỡng mộ và làm mọi cách để thu phục.
Tuổi trẻ long đong
Thời trẻ, Trương Liêu từng làm chức quận sứ. Con đường sự nghiệp của ông có phần long đong, khi những vị chủ công mà Liêu theo phò tá lần lượt bị tiêu diệt.
Cuối thời Đông Hán, nhờ võ nghệ hơn người, Liêu được Thứ sử Tịnh Châu Đinh Nguyên chiêu mộ về trướng, còn cho dẫn binh về kinh thành Trường An.
Về sau, Trương Liêu được đại tướng quân Hà Tiến phái đi Hà Bắc "chiêu binh mãi mã".
Năm 189, khi Trương Liêu trở về thì thế lực Hà Tiến đã bị tiêu diệt. Liêu gia nhập "biên chế" quân Đổng Trác.
Sau khi Đổng Trác thất bại, Trương Liêu dẫn theo huynh đệ đầu quân cho Lữ Bố, làm chức Kỵ đô úy.
Năm 198, đến lượt Lữ Bố bị Tào Tháo bắt sống tại Hạ Bì.
Trương Liêu vốn trung thành với Lữ Bố. Bố chết, Tào Tháo phải tốn nhiều công sức mới thuyết phục được Trương Liêu về với Ngụy.
Tào Ngụy là "bến đỗ cuối" của danh tướng Trương Liêu.
Chiến công hiển hách
Dưới trướng Tào Tháo, Liêu được làm Trung lang tướng, phong tước Quan Nội Hầu.
Sau này, chiến công của Trương Liêu ngày càng hiển hách, nên được phong làm Bì tướng quân (phó tướng).
Trương Liêu cùng Tào Tháo nam chinh bắc chiến, tham gia thảo phạt Viên Thiệu, bình định Hà Bắc, chiếm Kinh Châu... liên tiếp lập nhiều đại công, trở thành một chân trong "ngũ đại tướng" của Ngụy.
Tào Tháo diệt được Viên Thiệu xong, lại dẫn Trương Liêu theo tới Lê Dương chinh phạt liên quân Viên Đàm - Viên Thượng.
Kết thúc thắng lợi, Liêu được thăng làm Trung Kiên tướng quân.
Sau đó, Trương Liêu tiếp tục tấn công Âm An, theo Tào Tháo đánh Nghiệp Thành, hạ Triệu Quốc, Thường Sơn.
Năm 205, Ngụy tiêu diệt thành công Viên Đàm.
Khi Trương Liêu trở về Nghiệp Thành, Tào Tháo đích thân nghênh đón và ngồi chung xe với Liêu. Trương Liêu được phong làm Đãng Khấu tướng quân.
Tiếp đó, Liêu soái binh tấn công Kinh Châu, đánh bại Lưu Bị, bình định các huyện Giang Hạ, được sắc phong Đô Đình Hầu.
Dưới trướng Tào Tháo, Trương Liêu đã trở thành đại tướng danh tiếng lẫy lừng.
Trương Liêu không chỉ thiện chiến, mà còn được đánh giá là một chiến lược gia tài năng.
Năm Kiến An thứ 20, khi Tào Tháo viễn chinh Viên Thượng, Liêu đã can gián - "Hứa Xương là nơi đô hội trong thiên hạ. Thiên tử (Hán Hiến Đế) đã hùng cứ Hứa Xương.
Nay thừa tướng nghìn dặm bắc phạt, nếu Lưu Biểu phái Lưu Bị đánh lén, bắt giữ Thiên tử để hiệu lệnh bốn phương, thì tình thế rất nguy hiểm".
Quả nhiên, sau khi Tào Tháo bắc chinh, Lưu Bị lập tức xin Lưu Biểu tấn công Hứa Đô. Tiếc là Lưu Biểu không nghe theo Bị.
Việc Lưu Biểu bỏ qua kế hoạch của Lưu Bị giúp Tào Tháo "thoát được kiếp nạn lớn", và cũng thể hiện được tầm nhìn chiến lược của Trương Liêu.
Do bộ tiểu thuyết "Tam Quốc diễn nghĩa" của La Quán Trung lấy Thục Hán và 3 huynh đệ Lưu - Quan - Trương làm trọng điểm, nên các "cao nhân" của Tào Ngụy hay Đông Ngô thường bị mờ nhạt.
Trên thực tế, trong hơn 20 năm chinh chiến, Trương Liêu được mệnh danh là "bách chiến bách thắng, công thủ song toàn".
Không có tướng nào của Thục Hán làm được như vậy.
Cuộc so tài kinh điển với Tôn Quyền
Trận đánh giữa Ngụy và Ngô tại Hợp Phì được sử sách gọi là "Trương Liêu uy chấn Tiêu Dao Tân".
Trận đánh kinh điển trong cuộc đời binh nghiệp của Trương Liêu là trận chiến Hợp Phì với Tôn Quyền.
Năm 208, sau khi đại bại ở Xích Bích, Tào Tháo phái Trương Liêu, Lý Điển, Nhạc Tiến dẫn quân về đóng ở Hợp Phì.
Tháng 8/215, Tôn Quyền đích thân thống lĩnh 100.000 quân bao vây Hợp Phì, hòng tiêu diệt... 7000 quân Tào Ngụy.
Lúc này, Tào Tháo đang dẫn binh... chinh phạt miền Tây, không thể điều quân cứu Hợp Phì. Tình thế của Trương Liêu cùng ba quân có thể nói là "thập tử nhất sinh".
Trước quân số đông gấp 14 lần của địch, Nhạc Tiến, Lý Điển đã "bó tay", chỉ có Trương Liêu nói - "Nếu ngồi đợi viện binh của Tào công đến nơi, thì quân ta đã bị Đông Ngô tiêu diệt ròi.
Hiện tại, kế sách chỉ có một, đó là chủ động tấn công trong lúc quân Ngô chưa kịp ổn định.
Làm vậy có thể tiêu hao sĩ khí Đông Ngô, làm yên lòng quân, mới thủ được thành".
Ngay trong đêm, Trương Liêu dẫn 800 người đột kích doanh trại Đông Ngô.
"Liêu mặc giáp tiên phong, giết hơn 10 người, trảm 2 tướng".
Trận đánh khiến quân Ngô bị chấn động. Tôn Quyền không kịp trở tay, hơn 10 vạn quân bị dồn về cố thủ tại cao điểm.
Sau Tôn Quyền thấy phe Tào Ngụy lực lượng mỏng manh, mới quay lại dồn vây Trương Liêu.
Trương Liêu tả xung hữu đột, phá được vòng vây. Thấy quân sĩ của Ngụy vẫn còn nguy khốn, Liêu quay trở lại tiền tuyến cứu bộ hạ của mình. Quân đội của Tôn Quyền "không ai dám cản đường".
Cuộc tấn công của Ngụy diễn ra từ đêm đến giữa trưa, quân Ngô nhụt chí. Về sau Tôn Quyền "vây Hợp Phì hơn 10 ngày, không thể công thành, đành phải lui binh".
Tôn Quyền cùng chư tướng lui về đến Tiêu Dao Tân Bắc, không ngờ bị Trương Liêu biết được và dẫn kỵ binh tập kích.
Cam Ninh cùng Lữ Mông vất vả chống đỡ với Liêu, Lăng Thống mới kịp bảo vệ Tôn Quyền thoát vây.
Trận chiến này được lịch sử Trung Quốc đặt tên "Trương Liêu uy chấn Tiêu Dao Tân", là chiến dịch kinh điển mà phần thắng thuộc về phe thiểu số.
Thất bại cay đắng ở Hợp Phì khiến Tôn Quyền "ôm hận cả đời".
Trận chiến Hợp Phì khiến Tôn Quyền khóc hận.
Nhất đại danh tướng
Sau chiến dịch Hợp Phì, đại công hiển hách của Liêu được Tào Tháo ca ngợi hết lời, phong ông làm Chinh Đông tướng quân.
Về sau, Tháo đi tuần đến chiến trường Hợp Phì cũ, vẫn cảm thán không thôi.
Tào Phi sau này kế vị Tào Tháo, đánh giá Trương Liêu rằng - "Trận Hợp Phì, Liêu - Điển lấy 800 bộ binh phá 10 vạn quân địch. Chuyện binh gia tự cổ, chưa từng nghe tới".
Tào Phi xưng đế, phong Trương Liêu làm Tấn Dương Hầu.
Trương Liêu bệnh, Tào Phi lập tức cho ngự y ngày đêm chữa trị, còn đích thân tới thăm và ban tặng áo gấm.
Năm Hoàng Sơ thứ ba (Ngụy Văn Đế Tào Phi), bệnh Liêu vừa đỡ, quân Đông Ngô đã trở lại. Tôn Quyền dặn dò bộ hạ - "Trương Liêu tuy bệnh nhưng vẫn phải cẩn thận, không để xem thường".
Cùng năm, Trương Liêu ôm bệnh ra trận, cùng Tào Tu phạt Ngô, đánh bại tướng Ngô Lữ Phạm.
Không lâu sau, Trương Liêu bệnh nặng và qua đời tại Giang Đô. Tào Ngụy mất đi chiến tướng lẫy lừng nhất của mình.
Thành tựu cả cuộc đời Trương Liêu vượt qua mọi danh tướng nhà Thục Hán mà người hâm mộ "Tam Quốc diễn nghĩa" biết tới.