Tại sao Thái Lan 'nghiện' đảo chính?

My Lan |

(Soha.vn) - Số lượng các cuộc đảo chính và việc nó vẫn tiếp diễn cho tới ngày nay tại Thái Lan là một trường hợp đặc biệt của nền quân chủ lập hiến trên thế giới.

Tình hình bất ổn ở Thái Lan hiện nay ngày càng nghiêm trọng. Thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban tuyên bố sẽ không đầu hàng, liên tiếp yêu cầu Thủ tướng đầu hàng và bàn giao quyền lực cho một "Hội đồng nhân dân" - bao gồm thành viên được bầu chọn từ nhiều ngành nghề khác nhau và những nhân vật do người biểu tình chỉ định.

Người biểu tình ở nước này cũng có những động thái được cho là hiếm xảy ra trong các nền dân chủ nghị viện: tràn vào trụ sở cảnh sát và tòa nhà chính phủ sau khi chiếm đóng nhiều Bộ, đưa ra thời hạn chót cho chính phủ, cắt điện, nước ở phủ Thủ tướng... Đụng độ với cảnh sát cũng đã xảy ra ngày 30/11 khiến it nhất 3 người đã thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương.

Trong khi đó, chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra chỉ có những phản ứng khá kiềm chế khi cho người biểu tình vào các trụ sở các Bộ, bởi giới lãnh đạo nước này biết rằng, nếu họ thực hiện các biện pháp cứng rắn, khiến nhiều người dân thiệt mạng hoặc bị thương, thì quân đội - vốn tuyên bố trung lập - có thể can thiệp.

Trong suốt lịch sử, kể từ năm 1932, Thái Lan đã trải qua hơn 20 cuộc đảo chính và các cuộc can thiệp chính trị ngoài hiến pháp - nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác cùng thể chế. Thậm chí hầu hết các quốc gia giống với Thái Lan, đảo chính đã không còn tồn tại từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.

 	Người biểu tình Thái Lan ngày càng trở nên hung hãn, bất chấp việc chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra nhiều lần nhún nhường.

Người biểu tình Thái Lan ngày càng trở nên hung hãn, bất chấp việc chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra nhiều lần nhún nhường.

Có thể nói, Người Thái Lan dường như rất "nghiện" đảo chính, dù rằng những động thái này đã làm suy yếu nền dân tại quốc gia này. Tại sao vậy?.

Giáo sư Nicholas Farrelly từ Đại học Quốc gia Úc cho rằng, nhiều thập kỷ mặc nhiên lấy việc đảo chính để khôi phục lại sự ổn định nội bộ đã tạo ra ở nước này "văn hoá đảo chính". Theo đó, việc liên tục sử dụng "ngón đòn" đảo chính khiến cho giới tinh hoa nghĩ rằng đó là cách duy nhất thoát khỏi bế tắc. Nói một cách khác, đảo chính chỉ sinh ra thêm nhiều đảo chính hơn nữa.

Thái Lan là một quốc gia theo thể chế quân chủ lập hiến, nhà vua - người tại vị trên ngai vàng lâu nhất thế giới - đã trải qua một thời gian dài tích luỹ quyền lực cá nhân cho mình và thân tín của mình. Trong nhiều trường hợp, khi Thái Lan trở nên bất ổn - như năm 1973 và 1992 - đích thân nhà vua đã can thiệp vào chính trị nhằm giúp chấm dứt các cuộc biểu tình trên đường phố và phân xử các mối bất hoà lớn.

Bằng cách làm như vậy, ông đã giúp được người dân Thái Lan giải quyết vấn đề trước mắt, tuy nhiên lại vô tình làm suy yếu sức mạnh của các cơ quan chính phủ vốn được lập ra để giải quyết tranh chấp. Sự can thiệp của Hoàng gia càng làm sâu sắc hơn quan điểm cho rằng, chia rẽ chính trị ở Thái Lan chỉ có thể được xử lý theo cách không chính thức, bởi một vài người từ cung điện hoặc quân đội.

Câu hỏi đặt ra là, liệu nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á, trung tâm của nhiều tập đoàn đa quốc gia quan trọng, có thể phá vỡ thói quen áp dụng những biện pháp ngoài hiến pháp này không? Điều này là có thể. Sau năm 1992, Thái Lan dường như đang trên con đường tiến tới nền dân chủ vững chắc và giờ đây, nó cũng có thể quay lại con đường đó. Phần nhiều trong giới tinh hoa Thái, thậm chí là một số chuyên gia phương Tây, cũng đồng tình với điều này, song họ cho rằng để đạt được nó, một vài nhóm người ở tầng lớp cao phải thoả hiệp.

Ví dụ, đảng Dân chủ đối lập và những lãnh đạo của mình, trong đó có ông Suthep, những người liên tục kêu gọi biểu tình bạo lực trên phố như là một bước chuẩn bị cho đảo chính, cần phải chấp nhận cạnh tranh và phải cố gắng để chiến thắng trong các cuộc bầu cử. Những cuộc biểu tình chỉ có thể mang lại lợi ích về ngắn hạn cho đảng đối lập, việc liên tiếp kêu gọi loại bỏ những đảng ủng hộ Thủ tướng Shinawatra sẽ chỉ làm suy yếu Thái Lan về lâu dài và không thể giúp cho chính bản thân đảng đối lập có thêm uy tín và sức cạnh tranh trong cuộc bầu cử. Đảng Dân chủ chưa từng giành chiến thắng trong các cuộc tổng tuyển cử kể từ đầu những năm 1990 và ngay cả khi họ có thể chiến thắng thì họ cũng cần phải quan tâm hơn tới những người nghèo.

Quân đội và Hoàng gia Thái Lan cũng cần phải thay đổi chính mình để phá vỡ chu trình đảo chính. Vua Thái Lan Bhumibol hiện đã không còn khoẻ mạnh, rất có thể người kế nhiệm ông không quan tâm tới các vấn đề chính trị, quyền lực vốn được gây dựng qua nhiều thập kỷ. Nếu như vậy, Thái Lan có thể sẽ có động lực để tiến tới trở thành quốc gia quân chủ lập hiến thực sự, buộc nước này phải củng cố thể chế dân chủ được xây dựng để hoà giải tranh chấp, ví dụ như toà án.

Sự thay đổi trong quân đội có lẽ là khó hơn. Song, nếu các quốc gia khác trong khu vực, trong đó có những nước mà quân đội thậm chí còn can dự sâu vào chính trị hơn Thái Lan - như Malaysia hay Indonesia - cũng làm được, thì Thái Lan cũng có thể. Giống như ở Indonesia, chính phủ dân sự Thái Lan có thể dần dần thu gọn quân đội lại trong khi vẫn đảm bảo lương hưu cho các cựu binh, đồng thời bổ nhiệm những sĩ quan cấp cao vào các hội đồng của nhà nước nhằm giữ chân họ.

Trong tình hình hiện nay, điều cần làm đối với Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra là xúc tiến bầu cử sớm nhất có thể, bởi một cuộc bầu cử vừa có thể làm vững chắc thêm chế độ dân chủ và có thể tăng thêm quyền lãnh đạo hợp pháp cho vị thủ tướng xinh đẹp này.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại