"Đã muộn nhưng không quá muộn" - các áp phích viết. Bất kỳ ai có thông tin có thể gọi tới đường dây nóng với hy vọng rằng một số kẻ tội phạm thời Đức Quốc xã sẽ phải đối mặt với công lý trước khi chết.
Riêng ở Đức, trung tâm ước tính rằng còn khoảng 60 người vẫn có thể hầu tòa vì tội ác chiến tranh. Những tội phạm Đức Quốc xã khác, kể cả những kẻ nằm trong top 10 bị truy lùng gắt gao nhất, được cho là đang lẩn trốn ở Châu Âu và Châu Mỹ.
Tuy nhiên, kẻ tội phạm số 1 bị truy nã mà có khả năng vẫn còn sống, bị nghi đang ở Damascus, trong khách sạn Meridien, dưới sự bảo trợ của chính phủ Syria. Trung tâm Wiesenthal thừa nhận rằng c
hội tìm thấy ông Alois Brunner, sinh năm 1912, và lần cuối cùng được phát hiện vào năm 2001, là không nhiều. Tuy nhiên cho đến khi có bằng chứng xác thực về cái chết của ông ta thì trung tâm mới ngừng việc săn tìm.
Vậy làm thế nào mà Brunner, tay sai đắc lực và là chỉ huy số 2 của 'đồ tể phát xít Đức' Adolf Eichmann, kẻ đã trục xuất ít nhất 128.000 người Do Thái tới trại của Đức Quốc xã, lại đến tìm nơi ẩn náu ở Syria?
Theo một bài báo năm 1987 trên tờ Chicago Sun-Times có tựa đề "Đồ tể Đức Quốc xã ở thiên đường Syria", đầu tiên Brunner bay tới Cairo sau Thế chiến II, sau đó chạy sang Damascus. Y bị cảnh sát Syria bắt năm 1960. Theo một bài báo khác trên tờ Los Angeles Times năm 1990, ban đầu cảnh sát tin Brunner là kẻ buôn ma túy, nhưng sau đó y khai rằng mình là tội phạm Đức Quốc xã chạy trốn. Tuy nhiên, y được thả tự do.
Brunner đã lấy lòng chính phủ Syria và có quan hệ mật thiết với gia đình cầm quyền nhà Assad, giúp Syria thành lập cơ quan tình báo và đưa các nhà khoa học tên lửa của Đức tới Syria. Gia đình nhà Assad đã bày tỏ cảm ơn bằng cách cử vệ sĩ riêng bảo vệ Brunner.
Brunner sống dưới một cái tên giả là tiến sĩ Georg Fischer. Dường như đến những năm 1990, chính phủ Syria là nước duy nhất cho rằng y thực sự vô tội khi chịu sức ép của nhiều nước đòi dẫn độ.
Brunner trở nên 'bất khả xâm phạm'. Y bị mất một mắt vào năm 1961 khi một bức bom thư gửi từ Cơ quan Mật vụ Pháp tới nhà y ở Damascus. Sau đó y bị cụt 4 ngón tay phải vì một bức bom thư khác gửi từ Israel vào những năm 1980.
Brunner chưa bao giờ hối hận. Trong cuộc trả lời phỏng vấn chóng vánh qua điện thoại với tờ Chicago Sun-Times, y nói rằng "tất cả những nạn nhân đều xứng đáng nhận cái chết vì họ là đại diện của ma quỷ và rác rưởi của loài người". Y nói rằng y không hối tiếc và sẽ làm lại như thế một lần nữa nếu có thể.
Đã có tin đồn về cái chết của Brunner vào năm 1992 và 1999. Nếu còn sống, năm nay y 101 tuổi. Kể từ khi y bị phát hiện năm 2001, Syria là một nơi trở nên nguy hiểm nhiều hơn với y.
"Khả năng Brunner đã chết lại tăng thêm mỗi năm" - Trung tâm Weisenthal nói. Đối với những ai hy vọng đưa Brunner ra công lý, có vẻ như thực sự đã quá muộn.