Ngày 22/3, Quốc hội Liên bang Myanmar đã công bố danh sách 18 bộ trưởng được bổ nhiệm vào nội các nước này, trong đó có Chủ tịch đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cầm quyền, bà Aung San Suu Kyi. Những bộ trưởng này sẽ chỉ đạo 21 bộ mới trong chính phủ của Tổng thống đắc cử U Htin Kyaw.
Phóng viên Jonah Fisher của BBC tại Yangon cho biết rằng bà Suu Kyi sẽ đứng đầu bộ ngoại giao, bộ năng lượng, giáo dục và văn phòng tổng thống. Cũng theo phóng viên này, không có nữ nghị sĩ nào khác được bổ nhiệm vào nội các.
Quốc hội dự kiến sẽ bỏ phiếu trong tuần này để xác nhận danh sách trên và nội các mới sẽ nhậm chức vào tháng tới.
Hiện tại vẫn chưa rõ là liệu bà Suu Kyi có trở thành người lãnh đạo các cơ quan đó không vì một thành viên NLD cũng cho Reuters biết rằng tên của bà Suu Kyi được đặt trước nhiều bộ do một số ứng viên từ chối tham gia nội các vào giờ chót.
Việc giữ chức ngoại trưởng sẽ giúp bà Suu Kyi có một ghế trong Hội đồng quốc phòng và an ninh, một nhóm cố vấn quan trọng của tổng thống, hiện đang bị “thống trị” bởi lực lượng quân đội.
Bà Suu Kyi trước đó đã tuyên bố rằng, dù trên cương vị nào, bà vẫn sẽ điều hành chính phủ. Còn ông Win Htein, một thành viên thân cận với bà Suu Kyi trong NLD, nói với Reuters: “ Vấn đề không phải là bà ấy (Suu Kyi) nắm giữ bao nhiêu bộ, vì dù sao bà cũng điều hành toàn bộ chính phủ”.
Với việc trở thành thành viên nội các Myanmar, bà Suu Kyi phải từ bỏ chức danh chính thức là thủ lĩnh của NLD.
"Bà Aung San Suu Kyi sẽ uỷ quyền lãnh đạo NLD trong quốc hội cho các thành viên kì cựu khác của đảng và sẽ đảm nhiệm một vai trò trong nội các," Nyantha Maw Lin, giám đốc điều hành tại tổ chức tư vấn chính trị Vriens & Partners tại Yangon cho biết.
“Bà ấy nhận thức được rằng, một cách cơ bản, quyền lực cùng với ngành hành pháp nắm giữ sự kiểm soát đối với tiến trình hòa bình, chính sách đối ngoại, kinh tế và mối quan hệ quan trọng nhất với quân đội”, Maw Lin nhận định.