Ngày 18/4, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin đã tới thành phố Longyearbyen thuộc quần đảo Svalbard (hay còn được gọi là Spitbergen) ở Bắc Cực, bắt đầu chuyến thám hiểm của mình.
Sau đó một ngày, Na Uy đã có những phản ứng rất dữ dội. Ngoại trưởng Na Uy Borge Brende tuyên bố triệu tập Đại sứ Nga ở Na Uy để yêu cầu giải thích sự việc, đồng thời cho hay có thể sẽ nghĩ tới việc xem xét thắt chặt các quy định tới đây.
Còn Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Na Uy Frode Andersen khẳng định động thái này của Nga không phạm luật, song lại "gây phiền phức".
Trước tình hình này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich đã lên tiếng. Ông cho hay: "Những phản ứng như vậy gây hoang mang. Từ quan điểm của luật pháp quốc tế, điều này thật vô lý và không thể giải thích được.
Điều 3 trong Hiệp ước Spitbergen năm 1920 cho phép công dân của các quốc gia đã kí hiệp ước được quyền tự do tới đó. Trong trường hợp này, các biện pháp trừng phạt đơn phương của Na Uy không thể huỷ bỏ quy định của hiệp ước và chẳng hề có liên quan gì".
Cũng theo ông Lukashevich, chuyến thăm của phó Thủ tướng Nga tới Svalbard cũng không vi phạm luật pháp của Na Uy. "Do đó, không có cơ sở pháp lý cho bất cứ cáo buộc nào nhằm vào phía Nga".
Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin hiện đang nằm trong danh sách đen trừng phạt của Liên minh châu Âu EU, liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Những người có tên trong danh sách này đều bị cấm nhập cảnh vào EU kể từ tháng 3/2014.
Mặc dù không phải thành viên của EU, song Na Uy vẫn tham gia vào tất cả các lệnh trừng phạt của EU nhằm vào Nga, bao gồm cả hạn chế nhập cảnh vào lãnh thổ quốc gia mình.
Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Nga đã bày tỏ sự tiếc nuối về quyết định trên của Na Uy và cho rằng, "việc này sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực đối với mối quan hệ Nga - Na Uy.
Như chúng ta thấy đấy, nó đã khiến cho người láng giềng Na Uy của chúng tôi có những nhận thức sai lệch về thực tế".
Svalbard, hay còn gọi là Spitbergen, là quần đảo nằm ở Bắc Băng Dương.
Hiệp ước Spitbergen được kí kết năm 1920 quy định chủ quyền của Na Uy trên quần đảo này. Hơn 50 quốc gia tham gia kí kết hiệp ước này cùng có quyền bình đẳng trong việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên tại đây.
Mặc dù vậy, hiện chỉ có Nga và Na Uy vẫn duy trì sự hiện diện kinh tế của mình ở Svalbard.
Người Nga được phép tới Svalbard mà không cần phải xin thị thực nếu Nếu xuất phát thẳng từ Nga tới đảo này mà không qua đất liền Na Uy.