Một trong những nhân vật hàng đầu của Hội đồng Hồi giáo Tối cao do thủ lĩnh người Shiite - ông Ammar al-Hakim dẫn đầu mới đây đã tiết lộ với trang tin As-Siyasah rằng, Syria và các nước đồng minh gồm Nga, Iran, Iraq đang bí mật tiến hành những cuộc đàm phán với nội dung được cho là tập trung vào việc tìm người thay thế Tổng thống Bashar al-Assad.
Tổng thống Assad.
Các nước đồng minh của Syria muốn tìm kiếm một lập trường chung thống nhất trong việc giải quyết vấn đề ở Syria. Dường như 3 nước Nga, Iran và Iraq đã đi đến một thỏa thuận với Tổng thống Bashar al-Assad rằng, ông này sẽ không tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử sắp tới. Thay vào đó, một người từ trong chính quyền của ông Assad sẽ được lựa chọn để tham gia cuộc đua vào vị trí quyền lực nhất ở Syria.
Lãnh đạo của người Shiites ở Iraq cho biết, cả Moscow, Tehran, Baghdad và chính bản thân Tổng thống Assad đều tin rằng, ông này sẽ không thể giành được bất kỳ chiến thắng nào trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.
Các nước đồng minh của Syria và Nhà lãnh đạo Syria đều có chung một mối quan ngại về việc nếu để ông Assad tham gia tranh cử thì Syria sẽ phải đối mặt với một nguy cơ. Đó là, thất bại của ông Assad có thể gây ra sự sụp đổ của toàn bộ một chính quyền nếu ứng cử viên của phe đối lập hoặc của những thành phần “đào ngũ” khỏi chính quyền như cựu Thủ tướng Riad Hijab giành chiến thắng trong cuộc bầu cử.
Nguồn tin từ Hội đồng Hồi giáo Tối cao cho hay, cho đến tận gần đây, Tổng thống Assad vẫn còn rất tự tin về khả năng tham gia tái tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống dự kiến diễn ra vào năm sau.
Ông Assad tin rằng, với ảnh hưởng ngày càng tăng của các nhóm chiến binh có liên quan đến tổ chức khủng bố khét tiếng thế giới Al-Qaeda trong nội bộ phe nổi dậy Syria, ông này sẽ có lợi thế trong cuộc bầu cử. Lý do là, sự nổi lên của các nhóm Al-Qaeda sẽ khiến người dân Syria không muốn bỏ phiếu cho các nhân vật đối lập và tất nhiên sẽ muốn dành lá phiếu cho ông Assad. Nguồn tin trên giải thích, sự sụp đổ của Tổng thống Assad đồng nghĩa với việc vị thế của những lực lượng cực đoan được củng cố. Như vậy, sự tự tin của Tổng thống Assad là rất hợp lý.
Tuy nhiên, một số diễn biến mới đã làm thay đổi viễn cảnh về khả năng tái đắc cử của ông Assad. Việc vũ khí hóa học được sử dụng để chống lại dân thường ở một số khu vực ở Ghouta và việc Syria chấp nhận thỏa thuận giải trừ vũ khí hóa học đã khiến nhiều người dân Syria càng thêm nghi ngờ về việc ông Assad có thể đứng đằng sau vụ tấn công hôm 21/8 đó.
Một số nguồn tin từ trong nội bộ Đảng Baath đã cung cấp những bằng chứng thuyết phục cho thấy, Tổng thống Assad đã trở thành một vấn đề gây lo ngại cho tất cả người dân Syria. Cả những người ủng hộ và chống đối ông này hầu hết đều tin rằng, việc ông Assad tái đắc cử đồng nghĩa với bạo lực và xung đột đẫm máu tiếp diễn sau tiến trình giải giáp vũ khí hóa học do Nga đề xuất.
Theo nguồn tin thân cận với ông al-Hakim, Nga, Iran và Iraq đang tính đến 3 sự lựa chọn. Lựa chọn thứ nhất là chính Tổng thống Assad sẽ chọn người thay thế cho ông này. Đó nên là một người được gia đình Assad ủng hộ và là một người mà họ thấy đáng tin cậy. Chỉ có như vậy thì Tổng thống Assad và những người trong bộ máy quyền lực hiện nay của Syria mới được bảo vệ, được bảo đảm miễn trừ các tội danh trong giai đoạn tiếp theo của đất nước.
Lựa chọn thứ hai là, người được lựa chọn thay thế cho ông Assad phải là người có khả năng giải quyết được mâu thuẫn giữa lãnh đạo hai nước Iran, Iraq đồng thời có thể làm hài lòng giới lãnh đạo Nga.
Trong khi Tehran và Baghdad ủng hộ việc chọn một người Nusayr từ chính quyền thì Moscow lại phản đối sự lựa chọn này mà ủng hộ việc đề cử một người Sunni tiếp nhận quyền lực. Mặc dù Nga khăng khăng đòi tìm một người Sunni nhưng nước này cũng hiểu sự ủng hộ của ông Assad cho lựa chọn đó là điều thiết yếu. Chiến lược của Nga dựa vào hai nhân tố: người thay thế ông Assad sẽ phải vừa đảm bảo giành được sự ủng hộ của đa số người Sunni trong bối cảnh nỗi quan ngại đang dấy lên về những tổ chức chiến binh đồng thời vẫn phải gây chia rẽ được trong nội bộ phe nổi dậy.
Lựa chọn thứ ba là, ngay từ bây giờ, chính quyền Tổng thống Assad nên bắt tay tìm người thay thế từ chính trong nội bộ chính quyền. Và đây sẽ là một phần trong cuộc tranh luận nhằm tìm kiếm một giải pháp lịch sử cho cuộc nội chiến ở Syria tại hội nghị Geneva 2 sắp tới cũng như trong các cuộc đàm phán tập thể, song phương giữa các nước lớn với nhau.
Hiện thông tin về việc các nước đồng minh Syria và bản thân ông Assad đang tìm kiếm một người lãnh đạo chính quyền mới vẫn chưa được kiểm chứng về độ chính xác.
Tuy nhiên, khả năng này được xem là khá hợp lý và khả quan trong bối cảnh Tổng thống Assad ít nhiều cũng mất dần uy tín và ảnh hưởng trong cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài dai dẳng suốt hơn 2,5 năm qua và gây ra cái chết cho hơn 100.000 người. Trong khi đó, người dân Syria cũng như cộng đồng quốc tế rất lo sợ và bị ám ảnh trước viễn cảnh đất nước này bị dẫn dắt bởi những lực lượng cực đoan, khủng bố.