Sợ xã hội bất ổn, Trung Quốc 'đè' lãnh đạo địa phương ra "lãnh đạn"

Vĩnh Thụy |

Trung Quốc sợ xã hội bất ổn, nên bí thư và lãnh đạo chính quyền các cấp bị cảnh báo sẽ phải lãnh trách nhiệm nếu nổ ra những cuộc biểu tình lớn.

Báo The Straits Times nêu chính quyền Trung Quốc (TQ) dọa kỷ luật các cán bộ phụ trách trật tự trị an, nếu bất ổn xảy ra ngay tại địa phương của họ vào lúc nền kinh tế TQ suy thoái khiến có dự báo hàng triệu người lao động bị mất việc làm.

Sẽ bị kỷ luật từ nhẹ đến nặng

Hoàn cầu thời báo, phụ san của Nhân dân nhật báo (cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản TQ-CPC) ngày 25.3 dẫn một quy định mới, nêu Bắc Kinh “thề” sẽ buộc bí thư đảng ủy và lãnh đạo chính quyền phải “lãnh đạn”, nếu để xảy ra những “sự cố tụ tập đông người hoặc sự cố an ninh công cộng”, các thuật ngữ để chỉ những cuộc phản đối, biểu tình.

Theo quy định này, nếu xảy ra bất ổn xã hội, cán bộ sẽ bị khiển trách và có văn bản thông báo, bị triệu tập để “nói chuyện”, bị ra thời hạn chót để “chấn chỉnh”, bị buộc từ chức hoặc bị cách chức.

Trong trường hợp tệ nhất, cán bộ sẽ bị truy tố hình sự, theo quy định do Văn phòng Trung ương đảng và Văn phòng Chính phủ ban hành.

Trương Hy Hiền, giáo sư Trường đảng trung ương, nói với Hoàn cầu thời báo: “Vì kinh tế TQ giảm tốc, số lao động bị mất việc tăng, một số vấn nạn xã hội có thể xảy ra trong thời điểm nhạy cảm này.

Quy định mới sẽ thúc các bí thư và lãnh đạo chính quyền phải tích cực giải quyết các xung đột xã hội và lập tức ngăn chặn các vấn nạn.

Quy định sẽ tăng cường vai trò của chính phủ trong việc phòng chống các vấn nạn xã hội như một cách phản ứng kịp thời với tình hình hiện tại”.

Các nhà phân tích nói: Việc ban hành quy định mới cho thấy Trung Quốc sợ xã hội bất ổn, vì trùng thời điểm CPC và chính phủ đối mặt với những cuộc biểu tình lớn và bạo lực mà nguyên nhân là nguy cơ bị thất nghiệp.

Giáo sư Tô Vỹ thuộc Trường đảng Trùng Khánh nói với Hoàn cầu thời báo: “Quy định mới nêu rõ các cán bộ sẽ phải chịu trách nhiệm vì những vụ tập trung đông người và các vụ hình sự lớn, cho thấy sự tiến bộ rõ rệt so với quy định năm 1993 chỉ nói chung chung, khiến cán bộ lơ là”.

Theo báo The Wall Street Journal, việc Văn phòng trung ương CPC và chính phủ TQ cảnh cáo các bí thư và lãnh đạo chính quyền có thể bị mất chức nếu không kiểm soát được bất ổn xã hội, chỉ là nhắc lại một cách làm lâu nay.

Willy Lam, một nhà phân tích chính trị TQ ở đại học Hồng Kông, nói: “Suốt hơn 10 năm qua, một trong những tiêu chuẩn để thăng chức cho cán bộ địa phương là mức độ họ có thể hạn chế những cuộc phản đối.

Vì thế, đa số cán bộ địa phương đều cố gắng chặn những người kiến nghị gởi đơn về Bắc Kinh”.

Nhưng quy định mới cho thấy đây là lần đầu tiên TQ nêu rõ sự cảnh cáo các bí thư và lãnh đạo chính quyền “tất cả các cấp” rằng nhiệm vụ của họ đang bị “soi”.

Từ "câu nói hớ" của chủ tịch tỉnh

Quy định mới được ban hành hai tuần sau vụ hàng trăm thợ mỏ than ở tập đoàn nhà nước Longmay biểu tình trên đường phố Song Nga Sơn (tỉnh Hắc Long Giang), phản đối việc không được trả lương từ nhiều tháng.

Cuộc phản đối này bùng nổ vì Chủ tịch tỉnh Hắc Long Giang, ông Lục Hào nói Longmay không hề nợ lương công nhân.

Thợ mỏ đòi lãnh đạo Longmay trả nợ lương nhiều tháng. Họ cũng lo bị thất nghiệp. Họ trương biểu ngữ: “Chúng tôi cần sống, phải được ăn”. Biểu ngữ khác viết: “Lục Hào nói láo trong khi mắt ông ta mở to”.

Sau đó, ông Lục thừa nhận ông nói sai về chuyện lương đã được trả và nói lại rằng lương công nhân đang bị nợ đọng, rồi ông giận dữ đổ lỗi cho cấp dưới làm ông tuyên bố hớ.

Ngày 14.3, cuộc biểu tình hạ nhiệt khi Longmay bắt đầu trả số lương đã nợ 2 tháng, các công nhân cho biết.

Đa số thợ mỏ ở Song Nga Sơn trong nhóm 1,8 triệu thợ mỏ than và thép bị mất việc trong 5 năm tới, theo kế hoạch của Bắc Kinh: Tái cơ cấu các tập đoàn nhà nước làm ăn thua lỗ, cải cách doanh nghiệp nhà nước và giảm năng suất lao động dư thừa, nhất là trong ngành khai thác quặng mỏ, vào lúc kinh tế TQ lao dốc.

Khi ngành than TQ bùng nổ, các mỏ nhà nước ở đông bắc TQ từng tuyển dụng hàng trăm ngàn thợ. Họ được trả lương đều nhờ giá than luôn tăng lên.

Nhưng nguồn cầu than giảm mạnh khi nền kinh tế TQ giảm tốc. Mức tiêu thụ than (để có năng lượng cho ngành công nghiệp) giảm 3,7% trong năm 2015.

Longmay đang hoạt động không hiệu quả và nợ nần, buộc chính quyền tỉnh Hắc Long Giang phải xin ngân hàng cho vay.

Khoản tiền lương trả cho thợ mỏ Longmay rất lớn đối với chính quyền Hắc Long Giang, tỉnh giáp biên giới Nga, với nhiều tập đoàn nhà nước đang chật vật tồn tại.

Theo các cán bộ tỉnh, Longmay có khoảng 224.000 lao động ở 40 mỏ. Hồi tháng 9.2015, Longmay đã lên kế hoạch sa thải 100.000thợ.

Sau cuộc biểu tình, công nhân ngành thép ở hai tỉnh Cát Lâm và Sơn Tây cũng ra đường phản đối việc họ bị nợ lương.

Vậy bao nhiêu cán bộ có thể sẽ mất chức nếu...

Nhà phân tích Lam cùng các người khác nói: chính vụ biểu tình ở Song Nga Sơn khiến chính phủ và trung ương CPC phải tìm cách tháo gỡ.

Tại kỳ họp quốc hội TQ vừa qua, Thủ tướng Lý Khắc Cường nói họ có thể xử lý tình trạng kinh tế lao dốc mà không tác động mạnh đến giới lao động bị “dính” vào cuộc tái cơ cấu.

Ông Lý cam kết chính phủ sẽ cấp 100 tỉ nhân dân tệ (15,48 tỉ USD) trong quỹ tái cơ cấu để trả lương thâm niên cho thợ mỏ, tái đào tạo việc làm mới và tái định cư cho nhân công mất việc trong hai năm, trong quá trình thực hiện cải cách doanh nghiệp nhà nước.

Lời cam kết này còn phải chờ xem được thực hiện thế nào. Vụ Song Nga Sơn nổi nên cùng nhiều vụ bất ổn xã hội khác.

Dữ liệu của tổ chức giám sát quyền lao động China Labour Bulletin cho thấy những cuộc đình công, phản đối ở TQ tăng 200% từ tháng 7.2015 đến đầu năm 2016.

Các nhóm lao động TQ, từ lao động nhập cư đến tài xế taxi-đều đã phẫn nộ xuống đường phản đối chuyện tái cơ cấu kinh tế.

Nền kinh tế giảm tốc đã “cuốn phăng” ít nhất 156 tỉ nhân dân tệ (24 tỉ USD) giá trị đầu tư trên toàn TQ, chủ yếu là các nhà đầu tư nhỏ bị “dính đòn”, khiến dẫn đến những cuộc phản đối.

Số lao động bị mất việc ở những công ty than-thép nhà nước làm ăn không hiệu quả sẽ “nhồi” thêm vào số người bị mất việc ở các công ty tư nhân ở những lĩnh vực khốn đốn như vải sợi, hàng may thêu vốn bị giảm khoảng 400.000 người lao động/năm.

Báo The Wall Street Journal kết luận: từ viễn cảnh kinh tế lao dốc sâu, kéo thêm người bị thất nghiệp, thì câu hỏi đặt ra là sẽ có bao nhiêu cán bộ đảng và chính quyền “tất cả các cấp” bị mất việc?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại