Ferdinand Emmanuel Edralin Marcos (1917 – 1989) là Tổng thống Philippines từ 1965 đến 1986. Trong thời gian tại nhiệm, ông từng bị tố tham nhũng, đàn áp chính trị và chà đạp nhân quyền. Năm 1986, ông bị các cuộc biểu tình "quyền lực nhân dân" lật đổ sau nhiều thông tin rằng ông đã đầu tư hàng trăm triệu USD vào Mỹ. Ông sống lưu vong tại Hawaii cho tới khi qua đời năm 1989.
Cắt điện vì không thanh toán hóa đơn
Cựu đệ nhất phu nhân Philippines bên thi hài chồng trong lăng mộ ở một vùng quê nước này.
Tại một lăng mộ nhỏ nằm ở thành phố phía bắc Philippines, thi thể cố Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos được đặt nằm bên trong một cỗ quan tài bằng kính trong suốt.
Song, lăng mộ này, hay đúng hơn là bảo tàng về cuộc đời và sự nghiệp của ông, đã từng bị chìm vào lãng quên. Mái nhà bị rò rỉ, những bức chân dung mờ nhòe, những chiếc huy chương được treo trên những khung gỗ xộc xệch trên tường dưới ánh đèn mờ ảo, tậm tịt.
Ông Cesar Ocampo, một nhân viên được thuê canh giữ lăng mộ này nói rằng mặc dù vợ và các thành viên trong gia đình ông vẫn thường xuyên tới đây cầu nguyện, song có vẻ như họ rất ít quét dọn lăng mộ. Cũng không có nhiều người tới thăm quan lăng mộ ông.
Thậm chí, ông Campo cho biết, năm 2006, toàn bộ hệ thống đèn, dàn lạnh bảo quản thi hài cố Tổng thống Marcos... tại lăng mộ này đều bị cắt. Lí do là bởi hóa đơn tiền điện đã nhiều tháng không được thanh toán.
Cũng chính vì thế mà từ việc chẳng còn được giới chức và nhân dân quan tâm chăm sóc, thi hài ông Marcos trở thành đề tài bàn tán xôn xao.
Nhiều người nghi ngờ về sự chân thật của thi hài ông Marcos, bởi việc bị cắt điện và đặc biệt là cắt dàn lạnh là điều tối kị trong những lăng mộ kiểu này. Vicente Acoba Jr, một người canh giữ ngọn hải đăng đã từng viếng thăm khu lăng mộ này nhiều lần cho biết: “Điều đó xảy ra trong một thời gian rất dài. Tôi không nghĩ rằng họ có thể giữ thi thể được lâu như vậy… Tôi nghĩ rằng thi thể không phải là thật mà chỉ là chỉ sáp”.
Khi đó, tờ Tờ Asia Sentinel cũng có một bài viết về việc này, trong đó đánh giá rằng "Khuôn mặt và bàn tay của Marcos nhìn không tự nhiên cho lắm”. Theo họ, thi hài thực sự của ông Marcos đã được gia đình đem đi chôn cất tại một nơi bí mật.
Nghĩa trang dành cho anh hùng
Thi hài cố Tổng thống Philippines khi mới được đưa về nước.
Sống lưu vong ở Hawaii (Mỹ) từ năm 1986 do gặp phải sự nổi dậy của nhân dân Philippines, song cho tới khi qua đời ở tuổi 72 , ông Marcos vẫn tự xưng là Tổng thống hợp pháp và không nguôi mong muốn được trở về nước. Bốn năm sau đó, Philippines mới đồng ý để bà Imelda Marcos mang thi thể cố Tổng thống trở về.
Tuy nhiên, thay vì cho phép thi thể ông được chôn ở nghĩa trang dành cho anh hùng Libingan ng mga Bayani (Tagalog) như các Tổng thống khác, chính phủ Philippines yêu cầu gia đình ông tự lo nơi yên nghỉ cho vị cố Tổng thống này ở một nơi khác bên ngoài. Đó là lí do vì sao thi hài ông lại được đặt tại một vùng nông thôn Philippines.
Song sau từng ấy năm, gia đình ông Marcos vẫn chưa một phút nguôi ngoai về sự “phân biệt đối xử” này. Họ đã kiên trì nhắc đi nhắc lại yêu cầu xem xét chuyển thi thể về nơi vốn được dành cho các cố Tổng thống và kiên quyết phủ nhận "tiếng xấu" mà ông Marcos phải mang suốt từng ấy năm.
Năm 2011, khi quốc gia đang tổ chức kỷ niệm 25 năm cuộc biểu tình “Quyền lực nhân dân", cũng chính là cuộc biểu tình khiến sự nghiệp chính trị của cố Tổng thống Marcos tan tành, con trai ông đã lên tiếng khẳng định rằng ít nhất thì cha mình cũng xứng đáng như nhiều người khác đã được chôn cất trong nghĩa trang anh hùng.
"Đó là quyền của ông với cương vị một cựu tổng thống, một cựu chiến binh, một người lính được trao tặng huy chương, ông cần được yên nghỉ ở Libingan ng mga Bayani”.
Marcos “con” hiện đã là một thượng nghị sĩ và vẫn nỗ lực cho mục tiêu của gia đình. Mặc dù thi hài ông Ferdinand Marcos về nơi mà gia đình ông cho rằng xứng đáng, song họ cũng đã đạt được một bước tiến nhất định. Tổng thống đương nhiệm Benigno S. Aquino III, thay vì bác bỏ như người tiền nhiệm, đã giao cho Phó Tổng thống Jejomar Binay xử lí.
Theo đó, ông Binay đã dự định sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý trước khi đưa ra kết luận cuối cùng.