Sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới thăm Indonesia và Malaysia, Thủ tướng nước này Lý Khắc Cường cũng tới thăm các quốc gia Đông Nam Á, tham dự cuộc họp với các nhà lãnh đạo Đông Á trước khi tới thăm Brunei, Thái Lan và Việt Nam.
Theo tác giả Zhang Yuanan trên trang Worldcrunch, trong lịch sử ngoại giao Trung Quốc, hiếm khi chủ tịch và thủ tướng cùng tới thăm một khu vực trong thời gian ngắn như vậy. Điều đó cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của các quốc gia Đông Nam Á trong chương trình hoạt động ngoại giao của Trung Quốc.
Không chỉ ca ngợi “Thập kỷ vàng” về quan hệ giữa Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường còn tới thăm các nước thành viên để thúc đẩy cái gọi là “Khung hành động hợp tác 2+7” tập trung vào mục tiêu phát triển kinh tế, đặc biệt là các cuộc thương lượng nhằm mở rộng khu vực Tự do thương mại Trung Quốc – ASEAN.
Để thể hiện chính sách của chính phủ Trung Quốc đối với khu vực Đông Nam Á, chương trình hành động này vừa hướng tới lợi ích trong các mối quan hệ song phương và phát triển cơ sở hạ tầng khu vực cũng như hợp tác tài chính.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN – Trung Quốc bên lề Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Brunei hôm 9/10.
Theo ước tính của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), từ 2010- 2020, các quốc gia châu Á cần tổng cộng 8 nghìn tỷ USD để đầu tư cho cơ sở hạ tầng nội địa và 260 tỷ USD xây dựng cơ sở hạ tầng xuyên quốc gia. Một nhà phân tích công nghiệp chỉ ra rằng ngay cả việc xây dựng đường sắt từ Côn Minh, Trung Quốc tới thủ đô Viêng Chăn, Lào cũng tốn hơn 6 tỷ USD, tương đương với GDP trong một năm của Lào.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có ý tưởng thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á và ông đề cập tới vấn đề này trong chuyến thăm Malaysia vừa qua. Ý tưởng này sẽ đem lại lợi ích cho cả hai bên. Là một quốc gia có qui mô xây dựng cơ sở hạ tầng rất lớn, Trung Quốc vừa có kinh nghiệm và tài chính để hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á và khu vực này cũng sẽ là thị trường quan trọng cho các nhà thầu xây dựng Trung Quốc.
Hoạt động ngoại giao sôi động của Trung Quốc đối với Đông Nam Á là điều dễ hiểu trong bối cảnh Hoa Kỳ thực thi chiến lược “Trục châu Á” và đang thúc đẩy Hiệp định đối tác thương mại xuyên TBD (TPP) với mục tiêu tạo dựng một khu vực tự do thương mại cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Ngoài ra, Bắc Kinh cũng không thể “ngoảnh mặt làm ngơ” khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thường xuyên tới thăm các quốc gia Đông Nam Á.
Trong các chuyến thăm vừa qua tới khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc thể hiện một cách tiếp cận mềm mỏng hơn với các quốc gia ở khu vực này sau khi Bắc Kinh thể hiện một loạt động thái quyết liệt trên Biển Đông, vùng biển mà nước này vẫn coi là “sân sau”.
Theo tờ Bưu điện Hoa nam buổi sáng, lối hành xử quyết liệt của Trung Quốc sẽ đẩy các quốc gia Đông Nam Á tới thỏa thuận TPP mà Trung Quốc không phải là một thành viên đồng thời khiến các quốc gia này không nhiệt tình tham gia Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (RCEP) mà Bắc Kinh ủng hộ.
“Khi đó Trung Quốc sẽ bị cô lập”, Zhuang Guotu, giám đốc trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học Xiamen.
Bắc Kinh cũng đã đưa mối quan hệ song phương với Indonesia và Malaysia lên tầm “đối tác chiến lược toàn diện” trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới hai quốc gia này.
Trong chặng dừng chân tại Brunei và Thái Lan, ông Lý Khắc Cường đã chứng kiến việc kí kết các thỏa thuận thúc đẩy hợp tác về năng lượng và cơ sở hạ tầng.
Tại Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Bali, ông Tập đã dùng bài phát biểu của mình để gạt bỏ lo ngại của các quốc gia APEC về tình trạng tăng trưởng kinh tế giảm sút của Trung Quốc. Còn Thủ tướng Lý thì kêu gọi các quốc gia Đông Nam Á bớt tập trung vào tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông mà chú ý hơn tới hợp tác kinh tế.
Trong khi đó, sự vắng mặt của Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng giúp Thủ tướng Nhật Bản được chú ý hơn tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN.
Trong Hội nghị này, ông Abe cho rằng vấn đề Biển Đông liên quan trực tiếp tới sự ổn định của khu vực và lần đầu tiên, thông báo chung của Hội nghị ASEAN – Nhật Bản đề cập tới tầm quan trọng của tự do đi lại trên biển cho vùng biển này.
Chính quyền Abe đã đề xuất sẽ cung cấp tàu canh gác bờ biển cho Philippines đồng thời tiến hành các cuộc tập trận với mục tiêu “chống khủng bố” với Indonesia.
“Nhật Bản và Trung Quốc đang là các đối thủ chính trong cuộc đua tranh giành ảnh hưởng ở khu vực”, Heng Sarith, một nhà nghiên cứu của Viện hợp tác và hòa bình Campuchia, nhận định.
“Nhật Bản không thể ngồi nhìn Trung Quốc hành động và cũng đang thúc đẩy quan hệ song phương với các quốc gia Đông Nam Á một cách hiệu quả. ASEAN sẽ cố gắng cân bằng giữa các cường quốc lớn”, ông nhận xét.
Kishore Mahbubani, một nhà cựu ngoại giao Singapore, cho rằng trong cuộc đua giành ảnh hưởng với Đông Nam Á, Trung Quốc có lợi thế vì sở hữu lượng dự trữ ngoại tệ lớn hơn và đang là đối tác thương mại lớn nhất của phần lớn các nước ASEAN. Ông Mahbubani cho rằng ý tưởng Ngân hàng phát triển cơ sở hạ tầng châu Á của ông Tập Cận Bình có thể có lợi cho các nước ASEAN.
Nhưng Zhang Mingliang, một chuyên gia về các vấn đề Đông Nam Á tại Đại học Jinan Trung Quốc, cho rằng không nên đánh giá quá mức tác động của các chuyến thăm cấp cao, đặc biệt là khi các quốc gia ASEAN không hưởng ứng nhiệt tình lắm lời kêu gọi của ông Lý Khắc Cường về việc kí kết hiệp ước hữu nghị với Bắc Kinh.