Scandal tra tấn của CIA: Còn một sự thật khủng khiếp bị bỏ qua

Đức Huy |

Theo trang Forbes (Mỹ), các phương tiện truyền thông không nhắc tới nhiều đến những khoản tiền "mờ ám" đằng sau các hoạt động tra tấn của CIA.

Sáng ngày 9/12 (giờ địa phương), Ủy ban Tình báo thuộc Thượng viện Mỹ đã công bố bản báo cáo điều tra những hình thức tra tấn nghi phạm khủng bố của Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) dưới thời Tổng thống George W. Bush.

Bản báo cáo dày hơn 6.000 trang này đã phanh phui những hình thức tra tấn tàn bạo, "phi nhân tính" của nhân viên CIA như lột sạch quần áo, không cho ngủ, trấn nước, hay ép tắm nước lạnh.

Tuy nhiên, theo trang Forbes (Mỹ), có một chi tiết trong bản báo cáo mà các phương tiện truyền thông không nhắc tới nhiều. Đó là lượng ngân sách mà CIA chi trả cho những màn tra tấn, cũng như những "địa chỉ" mờ ám của các khoản tiền này.

Thành lập công ty trung gian

Bản báo cáo cho biết chương trình giam giữ và tra tấn các nghi phạm khủng bố 11/9 của CIA tiêu tốn hơn 300 triệu USD ngân sách, đó là chưa tính đến chi phí nhân công.

Tuy nhiên, theo tiết lộ của một quan chức CIA giấu tên, lượng tiền mà CIA bỏ ra cho những hoạt động tra tấn này còn cao hơn con số đó gấp bội.

Trong quá trình điều tra, Ủy ban Tình báo Thượng viện đã lần ra tung tích một công ty trung gian được CIA dựng lên vào năm 2005 để điều tiết các hoạt động tra tấn. Công ty này được điều hành bởi James Mitchell và Bruce Jessen, hai cựu binh Không lực Mỹ.

James Mitchell và Bruce Jessen, hai nhân vật đứng sau công ty trung gian của CIA Ảnh: ABC
James Mitchell và Bruce Jessen, hai nhân vật đứng sau công ty trung gian của CIA Ảnh: ABC

Theo bản báo cáo, CIA đã bí mật sử dụng danh nghĩa của công ty này để trốn tránh trách nhiệm liên quan đến các hành vi tra tấn. Để đổi lấy sự im lặng của nhân viên công ty "ma" này, CIA đã thỏa thuận với Mitchell và Jessen một bản hợp đồng trị giá hơn 180 triệu USD.

Đến năm 2009, bản hợp đồng này bị phá vỡ. Đội ngũ nhân viên công ty trung gian đã nhận được tổng cộng 1,1 triệu USD tiền bồi thường cùng lời dặn dò giữ bí mật về sự tồn tại của nó.

"Đi đêm" với quan chức nhà nước

Ngoài công ty "ma" nói trên, những khoản tiền mờ ám của chương trình giam giữ và tra tấn của CIA còn đến tay nhiều nhân vật khác.

Theo báo cáo của Thượng viện, hàng triệu USD tiền mặt đã được chuyển đến tận tay nhiều quan chức nhà nước ở nước ngoài, để đổi lấy sự "bảo kê" của những nhân vật này cho các hoạt động của CIA tại nước họ.

Cụ thể, vụ giam giữ và tra tấn "quân sư" của al-Qaeda Khalid Shaykh Muhammad, người đứng đằng sau vụ khủng bố 11/9, đã diễn ra ở một lãnh thổ bên ngoài nước Mỹ.

Khalid

Khalid Shaykh Muhammad, kẻ đã từng bị CIA trấn nước 183 lần. Ảnh: Wikipedia

Ban đầu, các quan chức nước này đã từ chối nhận tạm giam Muhammad. Tuy nhiên, sau khi được "dụ dỗ" bằng khoản tiền lên tới hơn 1 triệu USD, họ đã đồng ý để CIA tiến hành các hoạt động với phạm nhân Muhammad trên lãnh thổ nước mình.

Ngoài ra, CIA cũng đã bỏ ra hàng triệu USD để xây dựng các trại giam bí mật ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có hai trại giam xây xong rồi bỏ đấy.

Tất cả những khoản chi phí này đều không được kiểm toán, khiến ngân sách Mỹ hao hụt hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu USD.

Hơn 1 triệu USD để đổi lấy sự im lặng

Cũng theo báo cáo của Thượng viện, những nghi phạm đã bị giam giữ và tra tấn sau khi phát hiện là vô tội sẽ được CIA "đút" cho một khoản tiền để đổi lấy sự im lặng.

Một trong số đó là công dân Đức Khalid al-Masri. Sau một thời gian bị giam một mình trong phòng kín vì nghi ngờ có dính líu đến al-Qaeda, người này đã nhận được 14.500 euro tiền mặt cùng lời dặn dò không tiết lộ những gì anh đã phải trải qua.

Theo thống kê của báo cáo, những bọc tiền 100 USD dày cộp mà CIA phải bỏ ra để đổi lấy sự im lặng của những tù nhân bị oan có giá trị lên tới hơn 1 triệu USD. Không hóa đơn, không kiểm toán, tất cả đều là tiền mặt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại