Chính phủ Iran hết sức giận dữ do Saudi Arabia đã quyết định xử tử giáo sĩ của dòng Shiite – và có lẽ đó chính là phản ứng mà hoàng gia nước này chờ đợi.
Các cựu nhân viên chính phủ Mỹ và các nhà phân tích Trung Đông phát biểu trên The Daily Beast rằng không có lí nào Riyadh không nhận thức được việc giết hại Nimr al-Nimr sẽ không gặp phải những chỉ trích và phản ứng cực đoan.
“Saudi Arabia chắc chắn đoán trước được phản ứng của Iran”, Matthew McInnis, cựu cố vấn Lầu Năm Góc và giờ là chuyên gia nghiên cứu về vấn đề Trung Đông, nhận định trên The Daily Beast.
Cái chết của giáo sĩ al-Nimr đã thúc đẩy cuộc biểu tình tại Đại sứ quán Saudi ở Tehran, khiến mối quan hệ ngoại giao của Saudi Arabia và Iran trở nên căng thẳng.
Mohammed bin Nayef, Thái tử kiêm Bộ trưởng Nội vụ Saudi Arabia, đồng thời là đồng minh thân thiết của Washington, là người giám sát vụ hành hình này, do vậy đây không hẳn là bất ngờ với chính phủ Obama.
Tuy nhiên, người Saudi Arabia trước đây đã từng nhiều lần đe dọa xử tử al-Nimr, buộc tội ông ủng hộ Iran can thiệp vào tình hình trong nước, nhưng sau cùng đều thoái lui.
Tại sao lần này Saudi Arabia thực sự hành động?
Quyết định này đến đúng vào thời điểm người Saudi có nhiều lí do để cảm thấy yếu thế trước tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của người Iran – cả ở trong nước cũng như khu vực – và có lẽ cho rằng những gì phía Mỹ làm là không đủ để ngăn cản nó.
Gần đây, Iran không chỉ tiến tới bình ổn mối quan hệ với Châu Âu mà còn đạt được thỏa thuận với Mỹ về vấn đề vũ khí hạt nhân. Ở Yemen, quân đội Saudi đang chiến đấu với các chiến binh được trang bị bởi Iran trong một cuộc chiến tranh ủy nhiệm.
Chiến tranh ở Yemen là một yếu tố khiến Saudi Arabia cảm thấy bất an về Iran. Ảnh: Mohammed Huwais/AFP
Tại Iraq và Syria, Iran đang nắm giữ vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống ISIS của Mỹ. Quân đội người Iran dòng Shiite là lực lượng chiến đấu chính trong nhiều trận chiến quan trọng tại Iraq.
Không những thế, Tehran còn xây dựng được một liên minh với Moscow, một liên minh có khả năng giúp đỡ trong việc xây dựng tương lai chính trị với Syria và Tổng thống Bashar al-Assad.
Phía Saudi Arabia không nhìn thấy tương lai tốt đẹp khi Iran ngày càng gia tăng sức mạnh trong khu vực.
“Họ đang rơi vào tình trạng bất an,” - McCinnis nhận định. Việc hành hình al-Nimr, sau nhiều năm đe dọa, có thể được xem như hành động “phô trương sức mạnh” .
Bruce Riedel, cựu quan chức CIA và chuyên gia phân tích vấn đề Trung Đông ở Viện Brookings, cũng đồng ý rằng hành động xử tử al-Nimr một phần là cố ý, nhằm gửi tín hiệu đến Tehran.
“Tôi ngờ rằng họ mong đợi phản ứng của Iran. Salman là một người mạo hiểm,” Riedel nhận xét, ám chỉ Vua Saudi Arabia.
Riedel nhấn mạnh rằng hoàng gia Saudi Arabia cũng quả quyết với người dân rằng họ sẽ không khoan nhượng trước bất cứ bất đồng chính trị nội bộ nào do Iran gây ra.
“Saudi Arabia đã luôn phản đối những bước tiến về ngoại giao – dù là về Syria hay vấn đề hạt nhân – mà Iran tham gia hoặc có thể dẫn tới bình thường hóa vai trò và tầm ảnh hưởng của Iran trong khu vực,” Trita Parsi, chủ tịch Hội đồng người Iran tại Mỹ, nhận định trên tờ The Daily Beast.
“Theo quan điểm của Saudi, xu hướng địa chính trị trong khu vực đã đi ngược lại mong muốn của đất nước nay trong hơn một thập kỉ qua.
Sự vươn lên của Iran – cũng như quyết định đàm phán và thỏa thuận của Mỹ với Iran về chương trình hạt nhân – chỉ càng làm cho phía Saudi Arabia thêm bất an."
Rạn nứt trong quan hệ ngoại giao Saudi gây ra có lẽ cũng nằm trong chiến lược phá hoại Tehran của Vua Salman và hoàng gia nước này. Ảnh: washingtonpost
Parsi nhấn mạnh rằng việc Saudi Arabia cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran đã cho hoàng gia nước này “một lí do hoàn hảo để đi chậm lại, ngầm phá hoại” những cuộc đàm phán do Mỹ chủ trì ở Geneva cuối tháng này nhằm đạt được thỏa thuận chính trị về cuộc nội chiến ở Syria.
Saudi Arabia vẫn luôn chần chừ trong việc tham gia vào nỗ lực trên, và chỉ chấp thuận, sau khi đe dọa tẩy chay, nếu Iran bị loại ra, Parsi nói.
Động thái của Mỹ trong ngăn chặn mâu thuẫn khu vực Trung Đông
Washington chưa từng có động thái mạnh mẽ, công khai nào nhằm ngăn cản vụ hành quyết trên. Bộ Ngoại giao nước này cũng không hề lên tiếng chỉ trích hành động này, dù cho nhiều nước Châu Âu đã làm vậy.
Thứ bảy tuần trước, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby đã đưa ra phát ngôn chính thức rằng nước Mỹ “đặc biệt lo lắng về việc hành động xử tử giáo sĩ và nhà hoạt động chính trị Shia Nimr al-Nim làm căng thẳng thêm xung đột phe phái vào đúng thời điểm nó cần được xoa dịu nhất.”
Nếu phía Washington từng bí mật cố gắng thay đổi động thái của phía Saudi, nỗ lực đó rõ ràng đã thất bại.
Phía Saudi Arabia có lẽ đang diễn kịch với công chúng trong nước. Al-Nimr chỉ là 1 trong 47 người bị hành quyết, một sự thật đã bị che lấp bởi những tranh cãi về ông.
Gần như tất cả đều là tín đồ Hồi giáo dòng Sunni, trong đó bao gồm cả một nhóm đã xây dựng kế hoạch lật đổ hoàng gia, theo sự chỉ đạo của Osama bin Laden.
“Theo tôi, sự việc lần này có lẽ vì lí do chính trị nội bộ nhiều hơn” - Henri Barkey, giám đốc Chương trình Trung Đông thuộc trung tâm Wilson, phát biểu trên tờ The Daily Beast.
Hành quyết al-Nimr đã kích động Iran, nhưng lại phần nào xoa dịu những người ủng hộ trong các tín đồ của dòng Sunni, mối đe dọa đối với tình hình an ninh trong nước.
“Nếu người Saudi Arabia đang cố đánh lạc hướng sự chú ý của người dân trong nước bằng việc hi sinh một vài tín đố Shiite, bao gồm cả Nimr, họ đang làm khá tốt,” ông Barkey nói. “Họ còn lo lắng về những tín đồ Hồi giáo trong nước hơn những gì người Iran có thể làm với họ.”