Quân nổi dậy Syria lo Mỹ 'hớt tay trên'

Nhiều nhóm nổi dậy chống lại Tổng thống Bashar al-Assad không vui mừng khi Tổng thống Mỹ Barack Obama gần như chắc chắn sẽ phát động chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria.

Khoảng 200 nhóm vũ trang nổi dậy đang hoạt động ở Syria. Ảnh: Public Intelligence.

Trong các cuộc phỏng vấn do tạp chí Mỹ Foreign Policy thực hiện mới đây, chỉ huy của nhiều lực lượng đối lập ở Syria bày tỏ lo ngại rằng, lực lượng Mỹ sẽ đổ vào, “đánh cắp” thành quả của cuộc nổi dậy mà khó khăn lắm họ mới giành được, nhằm thành lập chế độ mới do họ lựa chọn.

“Mỹ sẽ tấn công các căn cứ trống, không còn tác dụng gì với chính quyền, và đợt tấn công này sẽ nhằm vào chúng tôi”, tạp chí Mỹ Foreign Policy trích lời tay súng 30 tuổi tên là Suhaib, thành viên lực lượng Jabhat al-Nusra có quan hệ với al-Qaeda.

“Người Mỹ quyết phá hủy các sân bay, kho vũ khí, trung tâm nghiên cứu khoa học khi họ nhận ra rằng cuộc cách mạng danh dự của quân đội Syria Tự do và các tay súng Hồi giáo thánh chiến sắp chiếm được những nơi đó”, Suhaib nói trong cuộc phỏng vấn qua Skype.

Cả đời tôi chưa từng có cảm giác có thể tin tưởng vào người Mỹ hay phương Tây nói chung”, Abu Obaida, chỉ huy một tiểu đoàn thuộc phong trào thánh chiến Ahrar al-Sham ở vùng quê, biệt lập với các nhóm nổi dậy chính, nói. “Cuộc tấn công vào Iraq cho thấy hoàn toàn không thể có một chút lòng tin nào cả... Lực lượng của Mỹ chiếm dầu mỏ, tẩy não người dân, cai quản các định chế nhà nước, và họ đến chỉ bằng một cái cớ”, Obaida nói với Foreign Policy.

Obaida cho rằng thật kỳ quặc khi Mỹ quyết định hành động chỉ sau một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học, trong khi hàng trăm người thiệt mạng mỗi ngày ở Syria. “Họ để chúng tôi chết suốt hai năm. Tôi hỏi rằng, có gì khác nếu đổ máu hay không đổ máu? Đó không phải động cơ đạo đức”, Obaida nói.

Tại cuộc họp thảo luận khả năng tấn công của Mỹ và phương Tây, ban lãnh đạo đảng Baath Xã hội chủ nghĩa Ảrập cầm quyền và lãnh đạo các chính đảng khác của Syria cho rằng, việc Mỹ và phương Tây tấn công quân sự sẽ khiến tất cả các lực lượng Syria đoàn kết, bất chấp khác biệt về quan điểm, đường lối, hãng thông tấn Syria SANA đưa tin hôm qua.

Sao giờ Mỹ mới ra tay?

Ngay cả một số nhóm nổi dậy lên án vụ tấn công bằng vũ khí hóa học hôm 21/8 ở thủ đô Damascus của Syria (mà Mỹ cho rằng đã giết chết hơn 1.400 người) cũng mâu thuẫn về kế hoạch can thiệp của Mỹ. Tổ chức Liwa al-Islam gồm các tay súng Hồi giáo thánh chiến hoạt động ở ngoại ô Damascus, mới đây ra tuyên bố cảnh báo về ý định thực sự của Mỹ đằng sau hành động can thiệp.

Điều chúng tôi quan tâm là Mỹ thực sự nhằm vào ai trong chiến dịch này. Tại sao họ lại chọn thời điểm này? Chế độ của ông Assad từng dùng vũ khí hóa học cả chục lần mà Mỹ không động một ngón tay. Có phải họ đột nhiên thấy lương tâm trỗi dậy hay họ cảm thấy rằng các tay súng thánh chiến sắp giành được chiến thắng cuối cùng để nắm quyền kiểm soát đất nước? Điều đó khiến Mỹ hành động trong 15 phút cuối nhằm ra đòn chốt vào một chế độ đang lung lay để chứng tỏ họ là nhân tố chủ chốt trong cuộc chơi và đưa người của mình vào chuẩn bị cai trị Syria”, Liwa al-Islam tuyên bố.

Chỉ huy của nhiều nhóm nổi dậy ôn hòa hơn thừa nhận họ thấy được tiếp thêm sinh lực trước khả năng Mỹ tấn công. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là họ tin Washington hành động thực sự vì người dân Syria.

Jamal Maarouf, lãnh đạo Lữ đoàn cảm tử Syria và được coi là một trong những thủ lĩnh nổi dậy nổi bật nhất ở tỉnh Idlib với hơn 30.000 tay súng, cho rằng, cuối cùng, Mỹ sẽ dựng lên một tổng thống mới ở Syria mà họ có thể giật dây.

Nhưng ai có khả năng cai trị đống hỗn độn trong một đất nước có hơn 200 nhóm vũ trang nổi dậy đang chiến đấu? Đó là lý do Mỹ làm mọi thứ để kéo dài cuộc xung đột”, Maarouf nói. Thủ lĩnh này tin rằng, Mỹ muốn thấy các tay súng Hồi giáo cực đoan từ Afghanistan, Somalia, Tunisia, Pakistan và Iraq đổ về Syria để họ xóa sổ luôn một thể.

Mỹ tấn công Syria trong 3 ngày?

Bộ Quốc phòng Mỹ đang lên kế hoạch tấn công Syria trong 3 ngày, chủ yếu là không kích dồn dập bằng tên lửa, báo Mỹ Los Angeles Times đưa tin ngày 8/9. Lầu Năm Góc cũng xem xét sử dụng các máy bay ném bom thuộc lực lượng không quân Mỹ.

Los Angeles Times dẫn nguồn tin quân sự nói rằng, Nhà Trắng yêu cầu nhóm hoạch định chiến dịch của Lầu Năm Góc mở rộng danh sách mục tiêu tấn công (vượt con số ban đầu 50), nhằm làm suy yếu hơn nữa lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Ngày 8/9, Reuters đưa tin, báo Đức Bild am Sonntag hôm qua dẫn thông tin tình báo Đức nói rằng, quân chính phủ Syria có thể đã tấn công hóa học mà không được sự cho phép của ông Assad.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại