Điểm yếu chí tử của Không quân Trung Quốc
Ngày 20/4/2013, một trận động đất mạnh 7 độ Richter làm rung chuyển huyện Lô Sơn, tỉnh Tứ Xuyên khiến hơn 200 người chết và trên 12.000 bị thương. Quân đội Trung Quốc ngay sau đó đã điều động một loạt trực thăng tới hiện trường tham gia công tác cứu hộ.
Thật trớ trêu, bay “rợp trời” Lô Sơn không phải là những chiếc trực thăng được Trung Quốc đánh giá là hiện đại như WZ-10 hay máy bay chở hàng Y-20 do nước này tự sản xuất mà là các thương hiệu Black Hawks “made in USA”, và Mi-17, Ilyushin Il-76TD của Nga. Điểm yếu chí tử của không quân Trung Quốc đã hiện rõ nguyên hình.
“Trung Quốc vẫn chưa có đủ máy bay trực thăng hay máy bay vận tải hạng trung. Các nỗ lực nghiên cứu và phát triển những loại máy bay này của chúng tôi vẫn trong giai đoạn triển khai”, Xu Guangyu, tướng nghỉ hưu và là cựu nghiên cứu viên cao cấp của Hiệp hội Kiểm soát và Giải trừ vũ khí của Trung Quốc có trụ sở ở Bắc Kinh miễn cưỡng thừa nhận.
Còn theo các chuyên gia quân sự thì trực thăng cứu hộ do Trung Quốc chế tạo thiếu khả năng vận tải nặng và không thể đương đầu với điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Xu Guangyu cho biết thêm: “Không quân Trung Quốc đã điều tới Lô Sơn các trực thăng vũ trang tự chế WZ-9 và WZ-8 để trợ giúp chiến dịch cứu hộ nhưng cả hai không thể hiện được vai trò do khả năng hạn chế”.
Điểm yếu lớn nhất của không lực Trung Quốc nằm ở ngành công nghiệp động cơ. Máy bay tàng hình J-20 (được thiết kế làm đối trọng với F-22 hoặc F-35 của Mỹ) vẫn phụ thuộc vào công nghệ của Nga hoặc các mẫu nội địa kém hơn.
Ngoài ra, cũng cần phải thấy rằng, còn rất lâu nữa Trung Quốc mới biến một chiếc máy bay tàng hình như J-20 thành chiến đấu cơ thực thụ. Muốn vậy, loại máy bay này phải sở hữu các vũ khí đối không, đối đất độc lập; hệ thống radar, điện tử phải tích hợp được với các hệ thống khác cũng như phải đủ độ tin cậy và sức chịu đựng về mặt cơ khí.
Hải quân còn xa mới bằng Mỹ
Không quân đã vậy, Hải quân Trung Quốc lại càng không thể so sánh được với Hải quân Mỹ, không chỉ về số lượng mà còn về trình độ huấn luyện. Mỹ có 10 tàu sân bay đang hoạt động trong khi Trung Quốc có duy nhất 1 chiếc (Liêu Ninh) cải tiến lại từ chiếc Varyag mua lại của Ukraine và hiện chỉ được sử dụng cho các mục đích huấn luyện và kiểm định.
Sẽ phải rất lâu nữa, Liêu Ninh mới đủ khả năng hoạt động hiệu quả như một phần của nhóm tàu sân bay, đủ khả năng triển khai ở những khoảng cách xa và cho các hoạt động tác chiến. “Tàu sân bay Trung Quốc không chỉ rất dễ bị tổn thương trước các đòn tấn công của tên lửa và tàu ngầm mà về khả năng chiến đấu cũng còn mất nhiều năm nữa mới vươn tới được khả năng như Mỹ đang có”, Phó giáo sư Andrew S. Erickson của Trường Chiến tranh Hải quân Mỹ nhận xét.
Thế hệ “lính cậu” làm suy yếu quân đội
Theo nhiều chuyên gia, chế độ một con của Trung Quốc đang tạo ra một thế hệ hư hỏng, những thanh niên “em chã”, những “ông hoàng con”. Chỉ tính đến năm 2006, các binh lính “con một” đã chiếm hơn một nửa quân số so với chỉ 20% một thập kỷ trước đó. Hiện Trung Quốc trở thành nước có đội quân “cháu đích tôn” lớn nhất thế giới.
Các gia đình 1 con có xu hướng nuông chiều chúng quá mức. Những quý tử này không quen với luyện tập thể chất nặng nề, thậm chí coi những kỹ năng đơn giản như giặt giũ là một “cực hình”. Đó là chưa kể đến việc các sỹ quan “con một” thường muốn từ bỏ Quân đội Trung Quốc (PLA) để làm việc cho khu vực tư nhân, nơi họ có điều kiện giúp đỡ cha mẹ và gia đình tốt hơn. Về lâu dài, nói như Drew Thompson, Giám đốc Phòng nghiên cứu Trung Quốc của Trung tâm Nixon thì “chính thế hệ con một sẽ làm suy yếu sức mạnh của quân đội của Trung Quốc. Nước này nhiều khả năng sẽ thiếu binh lính chiến đấu”.
Thêm nữa, Quân đội Trung Quốc không được huấn luyện nhiều như các quốc gia phương Tây. Phi công có số giờ bay ít hơn, trong khi lực lượng tàu ngầm hiếm khi thấy thoát ra khỏi các căn cứ gần bờ. Trung Quốc cũng không có các đơn vị sỹ quan kỹ thuật chuyên nghiệp, lực lượng được coi như xương sống của các quân đội hiện đại. Mặt khác, muốn có được nguồn nhân lực với trình độ công nghệ cao, học hành bài bản, Trung Quốc phải bỏ ra nhiều tiền để tuyển dụng, huấn luyện và duy trì hơn là những gì đầu tư cho đội quân “nông dân” hiện nay.
Tầm ảnh hưởng mới chỉ loanh quanh gần bờ
Viết trên Tạp chí danh tiếng Foreign policy vào đầu năm 2010, Drew Thompson lại đưa ra một đánh giá khác về sức mạnh của PLA, đó là khả năng khuyếch trương ra toàn cầu. Ông nói: “Tầm vươn ra toàn cầu của PLA còn quá hạn chế”.
Thống kê vào thời điểm tháng 6/2009, Mỹ có 285.773 binh lính thường trực triển khai trên khắp thế giới. Trong khi đó, Trung Quốc chưa có một căn cứ nào ở nước ngoài và chỉ có một lượng nhỏ nhân viên PLA đóng quân tại các đại sứ quán và tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ.
Trong khi đó, Hải quân “nước xanh” của Trung Quốc chưa đủ tầm chi phối các nước láng giềng trong khu vực chứ chưa nói tới việc phát triển lực lượng ra những khu vực xung đột lớn ở các lục địa khác.
Những yếu tố địa lý, kinh tế và trong một số trường hợp nào đó là công nghệ chưa cho phép Trung Quốc có khả năng tham dự vào những hoạt động tác chiến cường độ cao ngoài khu vực lân cận trực tiếp. Phó giáo sư Andrew S. Erickson đã nói rất đúng: “Trung Quốc có thể khuấy động những vùng biển gần nhưng không thể tạo ra những cơn địa chấn, sóng thần ngoài phạm vi này”.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: [email protected]. Trân trọng!