Quan chức Nga bức xúc chỉ trích Trung Quốc gây khó dễ

Hải Võ |

Tại Diễn đàn kinh tế phương Đông do chính phủ Nga tổ chức ở Vladivostok, một lãnh đạo ngân hàng lớn của Nga đã chỉ trích Trung Quốc "hợp tác không chân thành".

Tờ Cankaoxiaoxi (Trung Quốc) ngày 9/9 đưa tin, Phó tổng giám đốc Ngân hàng ngoại thương Nga (VTB) Vasily Titov mới đây đã tỏ thái độ bất mãn với phía Trung Quốc tại Diễn đàn kinh tế phương Đông.

Ông Titov chỉ trích các ngân hàng Trung Quốc đang quá "xét nét" việc triển khai hợp tác thế nào, trong bối cảnh Nga bị phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế.

"Chúng tôi đang gặp phải những vấn đề nghiêm trọng trong việc hoàn thành giao dịch và thanh toán thông qua các ngân hàng của Trung Quốc.

Những thủ tục đáng lý sẽ xong trong nửa ngày thì nay phải mất tới 2 tuần." - Phó tổng giám đốc VTB phàn nàn.

Phó tổng giám đốc Ngân hàng ngoại thương Nga Vasily Titov. Ảnh: Sputnik

Công ty dầu khí lớn nhất của Nga Rosneft cũng chịu thiệt hại không nhỏ từ tình trạng chậm trễ của các khoản thanh toán từ Trung Quốc, theo lời ông Titov.

Cankaoxiaoxi cho biết, Rosneft đã ký 2 bản hợp đồng cung cấp "khổng lồ" với Tập đoàn dầu khí Trung Quốc (CNPC).

Kinh tế Nga đã "ràng buộc" nhiều hơn với Trung Quốc kể từ khi Moscow bị Mỹ-phương Tây trừng phạt do cuộc khủng hoảng Ukraine và Nga sáp nhập bán đảo Crimea.

Mỹ và đồng minh đã áp đặt trừng phạt lên hàng loạt cá nhân, doanh nghiệp Nga, hạn chế Moscow tiếp cận với thị trường vốn và xuất khẩu công nghệ để gây áp lực buộc nước này "từ bỏ việc hỗ trợ lực lượng ly khai miền Đông Ukraine" - điều mà Điện Kremlin luôn phủ nhận.

"Tôi thấy dường như 'những người bạn' Trung Quốc đôi khi đòi hỏi được quyền giám sát, thẩm tra một cách không cần thiết đối với việc chấp hành các lệnh trừng phạt (áp đặt lên Nga).

Chúng tôi đã phải cung cấp rất nhiều lời giải thích cho họ về việc các biện pháp trừng phạt áp dụng vào đâu và ở đâu không bị ảnh hưởng." - Vasily Titov tỏ ra bức xúc.

Đại diện ngân hàng của Nga cũng yêu cầu phía Trung Quốc "nên tin tưởng đối tác Nga hơn".

Trong khi đó, tờ Les Échos (Pháp) bình luận Chủ tịch HĐQT CNPC Vương Nghi Lâm chính là nhân vật quan trọng nhất trong đoàn đại biểu Trung Quốc tại Diễn đàn kinh tế nói trên.

Cả ông Vương và Chủ tịch Rosneft Igor Sechin đều tuyên bố "sẽ nỗ lực thúc đẩy những dự án đầu tư lớn hơn" và kỳ vọng quy mô hợp tác giữa CNPC-Rosneft sẽ đạt tới 500 tỉ USD vào năm 2035.

Tuy nhiên, Les Échos đánh giá, mặc dù Nga-Trung đưa ra nhiều số liệu to lớn cùng hàng loạt hứa hẹn hợp tác hùng hồn, song mối quan hệ hợp tác mới này khó có khả năng chuyển hóa thành giá trị kinh tế thực tế như dự kiến.

Quy mô mậu dịch Nga-Trung nửa đầu năm 2015 chỉ đạt 30 tỉ USD, giảm 29% so với cùng kỳ năm 2014 và kém xa kim ngạch kỳ vọng của Điện Kremlin là 100 tỉ USD. Nga cũng lần đầu tiên "rớt" khỏi nhóm 15 đối tác mậu dịch lớn nhất của Trung Quốc.

Les Échos cho hay, hiệp định hoán đổi tiền tệ song phương được ký kết năm 2014 cũng không được triển khai một cách tốt đẹp bởi nhu cầu về lĩnh vực này giữa các doanh nghiệp Nga-Trung không nhiều.

Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực khí thiên nhiên có giá trị 400 tỉ USD hiện cũng đang trong tình trạng "sa lầy" do không thể thống nhất được "một số chi tiết nhỏ" trên bàn đàm phán.

Hiệu trưởng Trường quản lý Moscow SKOLKOVO Andrei Sharonov đánh giá: "Quan hệ thân mật giữa Nga và Trung Quốc trong bối cảnh hiện tại đa phần xuất phát từ tính toán chính trị hơn là mục tiêu hợp tác kinh tế.

Điều này đã dẫn đến việc thành quả hợp tác thu được ít ỏi và yếu ớt như hiện nay."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại